Tất cả chuyên mục

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thuần là người con ưu tú của quê hương Quảng Yên giàu truyền thống cách mạng, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
![]() |
Di ảnh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thuần. |
Ông Nguyễn Văn Thuần sinh năm 1916, quê ở xóm Cổng Bấc, làng Quỳnh Lâu, xã Cộng Hòa, huyện Yên Hưng, nay là phường Cộng Hòa, TX Quảng Yên. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nên từ lúc 10 tuổi đến 28 tuổi, chàng trai Nguyễn Văn Thuần phải đi ở cho nhiều gia đình địa chủ tại địa phương.
Năm 1944, chàng thanh niên Nguyễn Văn Thuần bị bắt đi lính cho Pháp. Ngày 9/3, Nhật đảo chính Pháp, binh sĩ Nguyễn Văn Thuần bị bắt làm tù binh, bị chúng đánh đập dã man phải đi chữa bệnh, sau đó anh tìm cách trốn được về nhà tham gia Việt Minh.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Thuần xung phong vào bộ đội, được biên chế ở Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Ông được kết nạp là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ khi nhập ngũ đến tháng 7 năm 1954, ông Nguyễn Văn Thuần chiến đấu ở chiến trường phía Bắc, trưởng thành từ chiến sĩ lên trung đoàn phó.
Trong chiến đấu, Trung đoàn phó Nguyễn Văn Thuần luôn dũng cảm, táo bạo, mưu trí, linh hoạt, bình tĩnh tham gia đánh 30 trận, chỉ huy đơn vị diệt gần 1.000 tên địch, bắt sống hàng trăm tên. Cá nhân ông Nguyễn Văn Thuần đã diệt gần 200 tên, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
Tiêu biểu như năm 1946, ông Nguyễn Văn Thuần đẩy xe chứa thuốc nổ mang ra đốt, phá sập đuôi cầu Lai Vu, chỉ huy 6 đồng chí khác chặn địch suốt một ngày một đêm làm gián đoạn đường tiếp tế của địch từ Hải Phòng lên Hải Dương. Năm 1947, ông Thuần bố trí trung liên theo hướng chính diện bắn chặn địch, tiêu diệt một trung đội địch và hỗ trợ cho đơn vị xung phong phá vỡ một trận càn của thực dân Pháp.
Ngôi nhà xưa trên mảnh đất mà Anh hùng Nguyễn Văn Thuần đã sinh sống thời niên thiếu. |
Tại trận Phủ Thông (Bắc Kạn) năm 1948, ông Nguyễn Văn Thuần dũng cảm dẫn đầu tổ xung kích đánh giáp lá cà với địch, diệt gọn đồn này. Trận Phố Ràng (Lào Cai) năm 1949, tuy bị thương nhưng ông vẫn tiếp tục cùng 3 đồng chí khác đánh chiếm hai phần ba đồn, thu giữ một trung liên, một súng cối 60 ly.
Trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, ông Thuần xung phong dẫn đầu tiểu đội tiến gần địch bắt sống một trung đoàn. Chiến dịch Trung du cuối năm 1950 đầu 1951, ông Nguyễn Văn Thuần dẫn đầu tiểu đội bám sát địch, dùng lựu đạn, tiểu liên chiến đấu gay go, ác liệt, chỉ còn 3 người vẫn hô đồng đội xung phong làm địch hoang mang rút, ta chiếm được một quả đồi. Trong Chiến dịch Hoà Bình năm 1952, ông dẫn đầu trung đội bí mật bắc thang nhảy vào đồn, tiêu diệt địch.
Đặc biệt, trong Chiến địch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Văn Thuần là Tiểu đoàn phó phụ trách đại đội chủ công, hoàn thành nhiệm vụ góp phần tiêu diệt địch, bắt sống một đại đội. Ông đã có nhiều sáng kiến khắc phục khó khăn hiệu quả, như: Dùng choòng, đục, xẻng, cuốc… thay thế máy ủi và thuốc nổ để làm đường kéo pháo, làm hầm cho pháo; đào hào ngầm rồi đánh sập để lộ thiên cho bộ đội cơ động vây lấn v.v..
Trường Tiểu học mang tên Anh hùng Nguyễn Văn Thuần ở phường Cộng Hòa, TX Quảng Yên. |
Với những chiến công của mình, ông đã được tặng thưởng một Huân chương Quân công hạng Ba, hai Huy chương Chiến thắng hạng Nhất, một Huân chương Chiến công hạng Ba, 11 lần được Tiểu đoàn, Trung đoàn, Đại đoàn khen thưởng và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu của Người. Ngày 31/8/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 714/SL phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đối với Trung đoàn phó Nguyễn Văn Thuần, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.
Anh hùng Nguyễn Văn Thuần qua đời năm 1979 tại Hà Nội. Theo trí nhớ của bà Nguyễn Thị Góng, em dâu Anh hùng Nguyễn Văn Thuần thì ông là người giỏi giang, quyết đoán nhưng cũng rất nhân hậu. Ông là tấm gương sáng cho thanh niên địa phương noi theo.
Ở Quảng Yên từng có những phong trào thi đua theo gương sáng Anh hùng Nguyễn Văn Thuần. Thể theo nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Cộng Hòa, năm 2014, UBND TX Quảng Yên đã quyết định đổi tên Trường Tiểu học Cộng Hòa thành Trường Tiểu học Nguyễn Văn Thuần.
Huỳnh Đăng
Ý kiến (0)