Bác sĩ Nguyễn Thiên Bình, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực, chưa về nhà kể từ ngày 18/6, khi bệnh viện chuyển sang chuyên điều trị Covid-19. Mỗi tối, anh trò chuyện với con gái 5 tuổi qua video. Nhìn thấy ba trong bộ bảo hộ trắng kín từ đầu đến chân, con bé gọi anh là "người tuyết", không còn nhõng nhẽo đòi ba sớm về.
Từ một bệnh viện đa khoa, khi được Sở Y tế TP HCM phân công tham chiến chống Covid-19, bệnh viện đã khẩn cấp cơ cấu lại tổ chức và lập quy trình vận hành. Hiện bệnh viện điều trị trên 600 bệnh nhân Covid-19, trong đó nhiều bệnh nhân nặng hoặc nguy kịch.
Là lãnh đạo khoa "đầu sóng ngọn gió", bác sĩ Bình cùng hội đồng chuyên môn bệnh viện thống nhất phác đồ dựa trên hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế và y văn thế giới. Khoa vừa cứu sống 5 bệnh nhân nguy kịch, phải thở máy xâm lấn, điều trị an thần, giãn cơ, kháng viêm, kháng đông... Trong đó, một bệnh nhân trẻ 30 tuổi, còn lại các bệnh nhân từ 60 đến 67 tuổi đều có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ...
"Những công việc trước đây vốn quen thuộc nay trở nên phức tạp, khó thao tác hơn trong những bộ đồ bảo hộ", bác sĩ Bình nói. Khi can thiệp vào đường thở bệnh nhân là lúc nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Bác sĩ Bình luôn dặn dò đồng nghiệp cố gắng thao tác nhanh, hiệu quả, tuân thủ quy trình bảo hộ, kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn.
Khi bệnh viện chuyển sang điều trị bệnh truyền nhiễm, nhiều y bác sĩ lo lắng, hồi hộp. "Sau tuần đầu làm việc, vừa tích luỹ dần kinh nghiệm, vừa có kết quả xét nghiệm của tất cả nhân viên đều âm tính, mọi người tự tin dần", bác sĩ Bình kể. Vượt qua cảm giác sợ hãi ban đầu, hiện mọi người làm việc với tinh thần hăng hái, thoải mái hơn, quen với cảm giác mồ hôi đang chảy ròng bên trong lớp quần áo bảo hộ.
Trong 5 ca nặng vừa hồi phục, có hai bệnh nhân đều 67 tuổi, được Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ chuyển đến trong tình trạng suy hô hấp. Hai người nằm thở máy, mê man. Nhiều ngày sau, bác sĩ xem lại hồ sơ mới phát hiện đây là hai vợ chồng. Sau 10 ngày điều trị, cả hai hồi phục tỉnh táo, nhận ra nhau.
"Niềm vui trọn vẹn với gia đình bệnh nhân", bác sĩ Bình nói. Điều này cũng tiếp thêm động lực lớn cho các y bác sĩ.
Em trai sinh đôi của anh Bình là bác sĩ Thiên Hào làm khoa Tim Mạch, chung chiến tuyến trị Covid-19. Sau mỗi ca trực, họ về khách sạn được bệnh viện bố trí. Mỗi đợt làm việc khoảng 3 tuần, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính mới được về nhà nghỉ khoảng 1-2 tuần rồi quay lại bệnh viện.
Việc điều trị ở bệnh viện Trưng Vương dựa trên cơ sở phân loại mức độ nặng qua đánh giá hình ảnh tổn thương phổi trên X-quang hoặc CT Scanner. Phác đồ điều trị khuyến cáo sử dụng sớm thuốc kháng viêm, thuốc kháng đông, sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn. Nếu không có những bằng chứng cho thấy viêm phổi do vi trùng thì bệnh viện sẽ không dùng kháng sinh, bác sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện, cho biết.
"Phác đồ thống nhất như vậy giúp giảm áp lực cho y bác sĩ, giảm tình trạng bệnh nhân chuyển nặng phải lên các khoa cấp cứu, hồi sức", bác sĩ Chiến phân tích.
Sau hơn hai tuần, bệnh viện đã điều trị thành công, cho xuất viện trên 60 trường hợp, trong đó có những ca ở thể nặng, phải nằm điều trị hồi sức tích cực. Bệnh viện cũng đỡ sinh thành công cho hai sản phụ mắc Covid-19, phẫu thuật ca thủng ruột trong điều kiện can thiệp cấp cứu.
"Thành công bước đầu giúp bệnh viện thấy tín hiệu rất khả quan, củng cố thêm niềm tin để y bác sĩ tiếp tục thành công trong những ca nặng sắp tới", bác sĩ Chiến nói.
Ý kiến ()