Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 20:00 (GMT +7)
Áp lực, tiền và bạo lực
Chủ nhật, 15/04/2012 | 05:13:28 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên ngày một tăng. Nhiều vụ trọng tội, thậm chí giết người ở độ tuổi vị thành niên với những tình tiết hết sức man rợ. Nhìn tên Luyện, kẻ ra tay ác độc cướp đi sinh mạng của 3 người trong một gia đình thản nhiên trong phiên toà làm chúng ta ớn lạnh. Rồi những đứa trẻ mười mấy tuổi đã phạm tội, ông già hơn 75 tuổi còn hiếp dâm em bé hơn 10 tuổi. Những điều ấy khiến chúng ta thật đau lòng và phải nghiêm túc suy ngẫm.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng trên, ở đây, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến tình trạng các kênh truyền hình phát quá nhiều phim nước ngoài và phim bạo lực. Chuyện này, rất nhiều cuộc họp nghiêm túc của các cấp, các ngành đã đề cập đến, nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng thực tế chẳng có mấy chuyển biến. Vậy nguyên nhân do đâu?
Cứ chịu khó xem phim trên các kênh truyền hình là chúng ta “lờ mờ” nhận ra. Một bộ phim nước ngoài “gọi là hay” khoảng 40 phút thì có 4-5 lần quảng cáo trong phim, mỗi lần chừng 3 đến 5 phút.
Hiện tại cả nước có quá nhiều các kênh truyền hình, sự cạnh tranh quả là quyết liệt. Họ bất chấp quy định, phát bất cứ phim gì đã được nhập vào Việt Nam, miễn là có nhiều người xem, nhiều quảng cáo. Chuyện cũng dễ cảm thông với các nhà Đài bởi họ phải tự túc toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, trong khi chi phí cho truyền hình rất tốn kém và mỗi giây quảng cáo trên truyền hình là tiền triệu.
Phim nước ngoài kiểu gì cũng khác biệt về văn hoá, lối sống. Họ khuyến khích cho kiểu yêu nhau không kể tuổi tác, họ sử dụng bạo lực hàng ngày. Có những phim, giết người được coi như sở thích quái gở của một bọn người, một nhân vật nào đó, vậy mà một bộ phận trong giới trẻ coi như “thần tượng”!
Chúng ta đang trong thời kỳ đầu của mở cửa, hội nhập, đổi mới và phát triển. Phải thừa nhận rằng, sức “đề kháng” về văn hoá của chúng ta, nhất là giới trẻ còn quá yếu. Vậy nên, bị “nhiễm bệnh” là điều khó tránh khỏi.
Các nhà Đài biết cả. Họ cũng muốn tự sản xuất phim nhưng không đủ sức. Muốn mua bản quyền phim Việt hay thì không đủ tiền. Những phim Việt phát lại của Truyền hình Việt Nam thì ít người xem (vì đã xem nhiều). Vậy là phải chiều theo các công ty quảng cáo, truyền thông. Chuyện tưởng như của riêng các nhà Đài, nhưng thật ra lại rất cần sự quan tâm đầu tư của toàn xã hội, ngay cả trong quan điểm xã hội hoá và thói quen xem truyền hình.
Báo chí cách mạng chính là công cụ, là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Hơn ai hết, họ mong ước được toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp của Đảng, của dân và ít phải lo chuyện “cơm áo, gạo, tiền”. Bớt đi một phần áp lực, bớt lo kiếm tiền chắc chắn sẽ bớt một phần bạo lực. Như vậy, sẽ có nhiều hơn những kênh thuần Việt, những chương trình đậm đà bản sắc Việt và những chương trình giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Việt.
Việt Nguyễn
Liên kết website
Ý kiến ()