Tất cả chuyên mục

Tôi gắn bó với khai trường của Công ty Cổ phần Cọc Sáu - Vinacomin đến gần nửa thế kỉ, lại là người trực tiếp lao động trong lòng mỏ nhưng có lẽ đây là lần đâu tiên, tôi xuống đáy moong sâu vào những ngày áp Tết thế này.
Bóc than dưới đáy moong ở Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin. |
Thời tiết đã có chiều hướng chuyển mùa. Đường xuống moong cũng thẳm sâu hơn bởi con đường dốc đã sâu hơn, những đường cua đã gấp khúc hơn. Năm nay thời tiết tương đối lạ. Cả mùa đông dường như chưa thấy... mùa đông. Tôi dám chắc thế, tôi chưa thấy có một mùa đông ở mỏ nào thế này. Và cũng chưa có mùa hạ moong nào lại khởi đầu thuận lợi như năm nay. Đây là tôi nói tới cái mùa hạ moong hiện tại, năm 2019 – 2020 này chứ không phải mùa hạ moong 2018 – 2019. Mùa mưa năm 2019 đến sớm kéo theo bao nhiêu hệ lụy của kế hoạch pháp lệnh năm 2019, để bảo đảm an toàn của người và máy khai thác dưới đáy mỏ, người Cọc Sáu buộc phải chấm dứt xuống sâu sớm hơn kế hoạch, nghĩa là vào cuối tháng 4 năm 2019. Đây là vấn đề ảnh hưởng lớn tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của cả năm vì than phần lớn phải khai thác từ đáy mỏ. Thành hay bại lệ thuộc cả vào khả năng tổ chức hạ moong thế nào trong năm.
Nhưng năm 2019, Cọc Sáu cũng đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kĩ thuật được giao: Bóc xúc và vận chuyển 25,217 triệu m3 đất đá với hệ số bóc là 14,4m3/ tấn than đạt 100%; than sản xuất xấp xỉ 2.890.600 tấn bằng 105,1%; than tiêu thụ trên 2.880.000 tấn bằng 103,2% kế hoạch; doanh thu bán than gần 3.550 tỷ đồng; nộp đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước trên 735 tỷ đồng; thu nhập người lao động bình quân đạt 9.800.000đ/người/tháng. Các chỉ tiêu kinh tế, kĩ thuật nói trên đều tăng từ 8,8% - 24,2% năm 2018. Hiện nay, Than Cọc Sáu đang tập trung mọi khả năng để thực hiện kế hoạch năm 2020 với các chỉ tiêu kinh tế kĩ thuật được giao là: Đất bóc 28 triệu m3; than sản xuất 2.915.000 tấn; doanh thu bán than trên 3.734 tỷ đồng…
Vận hành bơm nước từ đáy mỏ Cọc Sáu. |
Mùa hạ moong năm nay, có lẽ đất trời cũng bù trì cho họ phần nào chăng. Mùa mưa năm 2019 chấm dứt sớm hơn. Sự cố gắng của họ đã làm nên được những kì tích trong lòng mỏ, ngay từ đầu quý, tự họ đã có khả năng giải quyết bùn dưới đáy mỏ.
Phó giám đốc phụ trách kĩ thuật khai thác mỏ Đinh Thái Bình cho biết: Bùn dưới đáy mỏ đã giải quyết xong ngay từ đầu tháng 1/2020. Mặt bằng khai thác đang ở độ sâu âm 277m so với mực nước biển, sâu hơn cuối mùa hạ moong trước tới 7m, chiều sâu hố bơm mới đào nhất đã xuống âm 283,5m sâu hơn mực của cuối mùa trước cả chục mét rồi! Đây là niềm vui ngoài sức tưởng tượng của người làm mỏ bởi lẽ không dễ gì mà cũng chưa bao giờ người ta có thể giải quyết được một khối lượng bùn trên 300 m3 ở thời điểm trước tết nguyên đán đến gần tháng trời.
Chúng tôi có mặt dưới đáy mỏ khi lòng mỏ đã vào ca. tiếng máy mỏ sôi réo, tiếng động cơ ô tô gầm rú xen với tiếng xe gạt, tiếng động cơ nước… tạo thành một hợp âm rất đặc trưng của một vùng công nghiệp nặng.
Một góc moong Cọc Sáu những ngày áp Tết Canh Tý 2020. |
Tuy nhiên, phải nói đến việc người Cọc Sáu bây giờ họ đang phải đối mặt với một thực tế kĩ thuật khai thác chưa có biển chỉ đường bao giờ. Họ phải vừa làm vừa tìm ra giải pháp cho chính mình để kiếm cho ra nguồn lợi khoáng sản cho Tổ quốc. Từ chiều cao nâng tải gần 600m độ cao (- 270m đang khai thác lên bãi thải +300m) vận chuyển với chiều dài bình quân 5,45km. Chiều cao nâng tải lớn, thiết bị vận tải không đáp ứng được, họ phải tạo bãi chuyển trung gian - nghĩa là xúc lên ô tô vận chuyển từ đáy mỏ lên địa điểm thích hợp đổ rồi xúc tiếp cho loại xe khác yếu hơn để chuyển tiếp đến bãi thải. Công việc giải quyết bùn ở đây thuộc hạng nan giải bậc nhất. Ngoài vấn đề bùn lỏng có thể bơm được. Để giải quyết nó, họ đã tạo những hố chứa bùn để xử lý sau ở khu vực phía trên. Đáy mỏ càng ngày càng sâu, lượng nước mưa, lượng nước ngầm càng lớn, công suất bơm cần lực đẩy ngày càng lớn hơn. Mặt khác, xuống sâu bao nhiêu, áp lực về địa chất lớn bấy nhiêu. Này nhé, miệng mỏ rộng tới hơn 7km3 mà đáy mỏ thu lại hiện nay chỉ còn xấp xỉ 7.000m2 với chiều cao gần 600m.
Quản đốc công trường xúc Nguyễn Quốc Dũng (đơn vị trực tiếp xuống sâu) tâm sự: Diện tích đáy mỏ hẹp, lực lượng xe máy bố trí rất hạn chế. Nhất là thời gian đầu khi bùn chiếm hết diện tích đáy mỏ, phải đào hố bơm, phải biết biện pháp treo bùn ra sao mà xử lí được nó thế nào? còn bây giờ thì lại phải mở vách, có mở rộng được khai trường đáy mỏ mới mong khai thác được than nhanh và hiệu quả.
Tôi muốn họ cụ thể xem mở vách có nghĩa là thể nào, anh Nguyễn Văn Huy, Phó phòng kĩ thuật khai thác mỏ giải thích: Đó là mở rộng ra xung quanh nhưng nó liên quan tới hàng loạt đến vấn đề khác như chiều cao, kết cấu an toàn của địa chất… Muốn mở rộng được một mét dưới đáy mỏ thì phía trên phải mở tỷ lệ thuận với phía dưới. Đây là vấn đề nan giải mà còn đội giá thành phẩm ghê gớm, phải khoan rồi nổ mìn, bóc xúc… buộc các nhà khai thác phải tính toán rất khoa học đến mức hợp lý, tối ưu nhất về nguyên tắc địa chất mới mong giữ được an toàn trong khai thác. Cũng theo Huy, mùa hạ moong 2019 – 2020 này Công ty đã lập kế hoạch khai thác xuống mặt bằng tới độ sâu – 285m và phải bóc được ít nhất là 1 triệu tấn than dưới đáy mỏ thì mới mong hoàn thành được kế hoạch năm 2020.
Rời khai trường khai thác mỏ của Công ty CP Than Cọc Sáu, chia tay với những người thợ mỏ ở đây, tôi hiểu được tâm trạng của họ. Họ đang bước vào một mùa than có nhiều thuận lợi về thời tiết nhưng còn đầy gian nan, thử thách đang chờ họ phía trước. Tôi có thể hiểu được sự lo toan, trách nhiệm của họ trên mỗi chặng đường đã qua và những gì đang tới. Nhưng tôi tin một mùa than đang chờ đón họ!
Ghi chép của Trần Đình Nhân
Ý kiến ()