Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:51 (GMT +7)
Apple bị tố giới hạn tuổi thọ iPhone để ép người dùng mua sản phẩm mới
Thứ 3, 20/06/2023 | 14:13:51 [GMT +7] A A
Apple đang biến chiếc iPhone thành một "pháo đài" khiến việc sửa chữa, thay thế linh kiện trở nên khó khăn hơn, buộc người dùng buộc phải mua iPhone mới, thay vì sửa lại điện thoại cũ khi hư hỏng.
Mỗi khi Apple bán ra phiên bản iPhone mới, một nhóm các kỹ thuật viên tại công ty The Repair Academy (có trụ sở tại thành phố Toulouse, Pháp) lại bắt đầu tháo rời các sản phẩm này để kiểm tra và đánh giá linh kiện bên trong.
Sau 3 năm thực hiện công việc này, nhóm kỹ thuật viên đã nhận ra những chiếc iPhone đang dần biến thành "một pháo đài", với những phần linh kiện và bộ phận không thể sửa chữa hoặc thay thế bởi bất kỳ ai khác ngoài các cửa hàng được Apple ủy quyền.
Dĩ nhiên, mức phí linh kiện và nhân công khi sửa chữa tại các cửa hàng này cũng sẽ rất đắt, phù hợp với "đẳng cấp" của Apple.
Theo Alexandre Isaac, Giám đốc điều hành của The Repair Academy, "pháo đài" iPhone ngày càng trở nên vững chắc.
Mỗi khi một chiếc iPhone mới được phát hành, nhóm kỹ thuật viên của The Repair Academy lại phát hiện thêm một bộ phận khác bị khóa để chỉ có thể thay thế và sửa chữa bởi chính Apple. Ban đầu là chip trên bo mạch chủ, sau đó là các thành phần khác như Facebook ID, pin, màn hình, máy ảnh…
Một trong những giải pháp Apple đang áp dụng để ngăn chặn các cửa hàng bên ngoài có thể sửa chữa iPhone đó là đánh số series của điện thoại với các linh kiện bên trong, như màn hình, pin hoặc các cảm biến…
Nếu thay đổi linh kiện với số series không trùng khớp nhau, các linh kiện sẽ không hoạt động được. Thậm chí, khi tráo đổi màn hình đang hoạt động bình thường trên 2 chiếc iPhone với nhau, lập tức màn hình sẽ không thể tiếp tục hoạt động do có sự khác biệt về số series của linh kiện và thiết bị.
The Repair Academy cho biết, thông thường Apple sẽ tính chi phí đắt gấp đôi, thậm chí gấp nhiều lần để sửa chữa và thay thế linh kiện tại các cửa hàng ủy quyền, so với mức giá được áp dụng tại các cửa hàng sửa chữa độc lập.
Alexandre Isaac cho rằng động thái này của Apple sẽ buộc người dùng phải chi nhiều tiền hơn để sửa chữa hoặc thay thế linh kiện trên các mẫu iPhone cũ, khiến nhiều người quyết định vứt bỏ thiết bị của họ, thay vì chọn cách sửa chữa chúng.
The Repair Academy đang thu thập những bằng chứng để khẳng định Apple đang khiến iPhone khó sửa chữa hơn, buộc người dùng phải chi tiền để mua iPhone mới, thay vì cho họ giải pháp để sửa lại chiếc iPhone cũ.
Điều này sẽ có tác động xấu đến môi trường do lượng rác thải điện tử tăng cao khi người dùng vứt bỏ các sản phẩm cũ.
Theo tổ chức phi lợi nhuận WEEE (Bỉ) chuyên nghiên cứu về rác thải điện tử, ước tính trong năm ngoái đã có 5,3 tỷ điện thoại di động bị vứt bỏ.
Chính phủ Pháp dường như không thích những thông tin mà The Repair Academy đã công bố.
Dựa vào những bằng chứng mà The Repair Academy thu thập trong những năm qua, một công tố viên Paris đã quyết định hành động khi cho biết sẽ tiến hành điều tra việc Apple cố tình hạn chế tuổi thọ của iPhone để buộc người dùng phải mua sản phẩm mới.
Cục Cạnh tranh, Bảo vệ Người tiêu dùng và Phòng chống gian lận của Pháp sẽ chịu trách nhiệm tiến hành cuộc điều tra. Nếu bị kết luận cố tình làm hạn chế tuổi thọ của iPhone, Apple sẽ phải chịu một án phạt nặng.
Trong nhiều năm qua, Pháp là quốc gia đi đầu trong việc yêu cầu các hãng sản xuất phải trao quyền sửa chữa thiết bị cho người dùng. Pháp cũng quốc gia đầu tiên tại châu Âu công bố hệ thống tính điểm khả năng sửa chữa các thiết bị điện tử.
Việc lập series các linh kiện điện tử về mặt pháp lý là bị cấm tại Pháp, theo luật chống lãng phí được ban hành vào năm 2021.
"Luật quy định rằng các nhà sản xuất phải cho phép người tiêu dùng sửa thiết bị của họ mà không phân biệt đối xử bất kỳ cửa hàng sửa chữa nào. Nếu muốn bán điện thoại cho người dân Pháp, Apple phải tuân thủ luật pháp của Pháp, nếu không họ sẽ phải trả tiền phạt", Laetitia Vasseur, một nhà hoạt động vì môi trường người Pháp, cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên Apple bị cáo buộc giới hạn tuổi thọ hoặc làm chậm iPhone cũ để buộc người dùng phải mua sản phẩm mới.
Năm 2017, Apple đã bị chính phủ Pháp phạt 25 triệu Euro (tương đương 27 triệu USD) vì không thông báo cho người dùng được biết việc nâng cấp hệ điều hành iOS sẽ làm giảm hiệu suất hoạt động của iPhone đời cũ.
9 tháng sau, Apple tiếp tục bị phạt 113 triệu USD tại Mỹ vì làm giảm thời lượng sử dụng pin trên những chiếc iPhone đời cũ.
Apple cũng đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể tại Anh vì cáo buộc che giấu việc giảm hiệu suất pin sau khi cập nhật iOS trên các phiên bản iPhone đời cũ. Nếu bị kết luận có tội, Apple sẽ phải nhận án phạt và bồi thường số tiền lên đến 2 tỷ USD.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()