Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 14:44 (GMT +7)
Asiad ngày 2/10: Việt Nam giành thêm một HC đồng
Thứ 2, 02/10/2023 | 22:03:49 [GMT +7] A A
Trong khi điền kinh và cử tạ thất bại, kurash mang về cho thể thao Việt Nam một HC đồng ở hạng 87kg nữ của Võ Thị Phương Quỳnh.
Kurash là môn võ vật truyền thống Trung Á, có nhiều nét tương đồng judo. Vì vậy, đa phần võ sĩ của Việt Nam hiện nay đều xuất thân từ judo. Phương Quỳnh cũng không ngoại lệ, thậm chí mới làm quen với kurash từ tháng 6, và thi đấu ở hạng 87kg.
Tại tứ kết, cô gây ấn tượng khi hạ đối thủ người Turkmenistan - Muhammedova Jahan 10-0 bằng đòn thắng điểm tuyệt đối khalol. Đến bán kết, võ sĩ của Việt Nam không thể gây bất ngờ trước đối thủ nặng hơn 10 kg là Zahra Bagheri (Iran), nhận thất bại 0-3 cùng HC đồng do không có trận tranh giải Ba. Đây cũng là huy chương duy nhất của Việt Nam ở môn kurash năm nay, do Bùi Minh Quân thua đối thủ người Turkmenistan ở tứ kết hạng 90kg nam.
Tại Asiad 2018, khi kurash lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu đại hội, Việt Nam giành được một HC đồng.
Qua chín ngày thi đấu, Việt Nam giành tổng cộng một HC vàng, ba HC bạc và 13 HC đồng. Đoàn đứng thứ 18 trên bảng tổng sắp, và trong khu vực Đông Nam Á vẫn sau Thái Lan (10 HC vàng), Indonesia (4 HC vàng), Malaysia, Singapore (cùng 3 HC vàng).
Hôm nay, Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào điền kinh, với sự góp mặt của các VĐV trọng điểm. Nhưng ngay trong phần thi vòng loại 400m rào vào buổi sáng, Nguyễn Thị Huyền đã thất bại khi chỉ đạt 58,49 giây - kém thành tích của cô ở SEA Games 32 (56,29 giây). Đây là nội dung Việt Nam vô địch ở Asiad lần trước, với chiến thắng thuộc về Quách Thị Lan (55,30 giây).
Vào buổi chiều, Nguyễn Thị Oanh về thứ sáu trong bảy VĐV tham dự chung kết 3000m vượt chướng ngại vật nữ với thành tích 9 phút 57,13 giây. Đây là kết quả tốt nhất của Oanh trong năm 2023, hơn gần 40 giây so với khi vô địch SEA Games 32 (10 phút 34,37 giây), nhưng kém xa người về nhất Yavi Winfred Mutile (9 phút 18,28 giây - kỷ lục Asiad). Khi giành HC đồng Asiad 2018, Oanh đạt 9 phút 43,83 giây.
Ở nhảy xa nữ, Bùi Thị Thu Thảo kết thúc bốn lần nhảy với kết quả 6,09 m. Cách đây năm năm ở Indonesia, cô từng giành HC vàng ở nội dung này với thành tích 6,55 m. Ngay cả khi giành HC bạc SEA Games 32, Thu Thảo cũng đạt 6,13m. Tệ hơn, cô phạm quy ba lần và chỉ được tính duy nhất thành tích ở lần nhảy thứ ba, đứng thứ chín trong 15 VĐV tranh tài.
Ở chung kết 200 m nữ, Trần Thị Nhi Yến cũng không khá hơn. Cô cán đích thứ bảy trong tám VĐV tham dự, với thành tích 23,85 giây - thấp hơn cả kết quả của cô ở vòng loại sáng hôm qua (23,74 giây).
Ở môn canoe sprint, Việt Nam tham dự chung kết ba nội dung thuyền đôi nữ canoe 500, thuyền đôi nữ kayak 500m và thuyền đôi nam canoe 500m. Nhưng các đội chèo Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Hồng Thái - Đỗ Thị Thanh Thảo, Hoàng Thị Hường và Phạm Hồng Quân, Hiên Năm đều không thể lọt top 3.
Trong phần cử giật chung kết hạng 59kg nữ môn cử tạ, Hoàng Thị Duyên không thể nâng mức tạ 93 kg ở cả ba lần thực hiện nên không được dự phần cử đẩy. Quàng Thị Tâm đạt 92 kg cử giật, 111 kg cử đẩy và tổng cử đạt 203 kg, đứng chót trong số các VĐV được ghi nhận kết quả.
Ở môn bắn cung, các cung thủ Việt Nam đều dừng bước trước tứ kết nội dung 3 dây cá nhân. Dương Duy Bảo và Lê Phạm Ngọc Anh thua từ vòng 1/16, còn Nguyễn Thị Hải Châu và Nguyễn Văn Đầy thất bại khi vào vòng 1/8.
Cầu mây Việt Nam đảm bảo có huy chương nội dung 4 người nữ khi thắng Myanmar, Nhật Bản ở bảng A, qua đó giành vé bán kết. Đội sẽ gặp Indonesia ở lượt cuối lúc 9h sáng 3/9. Nội dung 4 người nữ của cầu mây được coi là niềm hy vọng vàng lớn của Việt Nam trong phần còn lại của Asiad 19, khi vừa vô địch thế giới năm 2022 bằng cách đánh bại Thái Lan. Thái Lan cũng không dự nội dung này ở Asiad 19, để tập trung vào những nội dung có khả năng giành HC vàng cao hơn.
Theo Vnexpress.net
Liên kết website
Ý kiến ()