Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 06/01/2025 07:40 (GMT +7)
Ba Chẽ: Khơi tiềm năng du lịch...
Thứ 2, 07/03/2016 | 15:36:19 [GMT +7] A A
Theo thống kê sơ bộ của Phòng VHTT huyện Ba Chẽ, từ mùng 1 Tết đến hết rằm tháng Giêng, di tích miếu Ông - miếu Bà (xã Nam Sơn) thu hút khoảng 7.500 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, dâng lễ. Con số này tăng cao gấp nhiều lần so với những năm trước đây và là tín hiệu đáng mừng về khả năng phát triển du lịch văn hoá tâm linh của địa phương. Việc tập trung xây dựng kế hoạch, từng bước đầu tư phát triển du lịch cũng đang được huyện Ba Chẽ triển khai, thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ba Chẽ lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020. Qua đó nhằm từng bước “đánh thức” tiềm năng du lịch của huyện, đưa Ba Chẽ trở thành một điểm dừng chân mới cho du khách đến với Quảng Ninh.
Lễ hội đình làng Dạ - nét văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc Tày, xã Thanh Lâm, Ba Chẽ. Ảnh: Thanh Sơn (Ba Chẽ) |
Huyện vùng cao Ba Chẽ được nhiều người biết đến bởi nét hoang sơ và văn hoá độc đáo, đa sắc màu của cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Đến Ba Chẽ, điểm du khách không thể bỏ qua đó là di tích miếu Ông - miếu Bà được xây dựng từ khoảng thế kỷ 13, 14. Hai ngôi miếu nằm đối diện nhau ở hai bên bờ sông Ba Chẽ. Miếu Ông là nơi thờ tướng Lê Tự Đức, người có công phò tá Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn trong thời gian tạm lánh tại sông Ba Chẽ vào năm 1285. Miếu Bà là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn, người có công dạy nhân dân cách trồng cây ăn quả, trồng lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, hái thuốc chữa bệnh v.v.. Tháng 6-2013, di tích miếu Ông - miếu Bà đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Từ năm 2014 đến nay, di tích miếu Ông - miếu Bà đã được tôn tạo, riêng miếu Ông vừa được xây dựng mới trên nền cũ, trở thành một điểm tham quan của nhiều người dân trong và ngoài tỉnh. Gắn với lễ khánh thành miếu Ông, cuối tháng 1-2016, huyện Ba Chẽ đã tổ chức Lễ hội Trà hoa vàng. Sự kiện này đã thu hút khoảng trên 2.000 lượt khách tham gia, qua đó góp phần giới thiệu di tích miếu Ông - miếu Bà và quảng bá các sản phẩm OCOP của huyện đến đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Bên cạnh đó, Ba Chẽ cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Trên địa bàn hiện có nhiều điểm đến hấp dẫn như: Thác Khe Lạnh, Khe Lùng (xã Thanh Sơn), trang trại Trà hoa vàng (xã Đạp Thanh)… Một điểm nhấn khác là nét văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đang được huyện nỗ lực bảo tồn, phát triển. Bắt đầu từ năm 2013, khi Ba Chẽ triển khai thực hiện Đề án bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc, các làn điệu dân ca, phong tục tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây được duy trì tốt hơn. Huyện đã mở 6 lớp học, truyền dạy cho 240 học viên về hát đối và thêu thổ cẩm của người Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán, hát Soóng Cọ của người Sán Chay, hát Then - đàn Tính của người Tày và lớp tiếng Dao Thanh Phán; cùng với đó thành lập được 8 CLB văn hoá dân tộc. Các lễ hội đầu năm, như: Lễ hội đình Làng Dạ, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội miếu Ông - miếu Bà… được duy trì hàng năm và cứ 2 năm một lần Ba Chẽ tổ chức Ngày hội văn hoá, thể thao các dân tộc, Hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp huyện. Qua đó nhằm tạo môi trường, không gian duy trì nét đẹp văn hoá các dân tộc.
Bà Nguyễn Phương Dung, Trưởng Phòng VHTT huyện Ba Chẽ cho biết: Hiện nay, các phòng, ban liên quan đang tích cực tham mưu cho huyện xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng huyện Ba Chẽ, giai đoạn 2015-2020. Trước đó vào cuối năm 2015, chúng tôi cũng đã phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch khảo sát các tuyến, điểm du lịch và làm hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận 2 tuyến, 3 điểm du lịch trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Đó là tuyến Trung tâm thị trấn Ba Chẽ - xã Nam Sơn và tuyến Trung tâm thị trấn Ba Chẽ - xã Thanh Sơn - xã Thanh Lâm - xã Đạp Thanh. Gắn với các tuyến đó là các điểm du lịch tại khu di tích miếu Ông - miếu Bà (xã Nam Sơn); thác nước Khe Lạnh, Khe Lùng (xã Thanh Sơn) và trang trại Trà hoa vàng (xã Đạp Thanh). Cùng với đó, huyện sẽ triển khai kế hoạch khai thác các tuyến, điểm du lịch một cách bài bản, hiệu quả. Trong năm 2016, Ba Chẽ tập trung hoàn thành việc xây dựng kè bến thuyền cổ, tuyến đường vào miếu Ông; khoanh vùng, bảo vệ những cây cổ thụ có niên đại hàng trăm năm tuổi tại khu vực này, như: Cây lim xanh, cây đa...
Mặc dù tiềm năng du lịch khá phong phú song do điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội nên từ nhiều năm nay du lịch Ba Chẽ hầu như chưa được định hướng phát triển và đầu tư. Hệ thống cơ sở lưu trú, ăn uống trên địa bàn quy mô còn nhỏ, chưa bài bản, chuyên nghiệp. Do đó, để phát triển du lịch, Ba Chẽ cần có định hướng đầu tư một cách bài bản, từ cơ sở hạ tầng cho đến nguồn nhân lực cũng như liên kết phát triển du lịch với các địa phương tuyến miền Đông của tỉnh.
Phương Thuý
Liên kết website
Ý kiến ()