Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 02:18 (GMT +7)
Ba Chẽ: Phát triển vùng cây dược liệu quy mô lớn
Thứ 3, 09/03/2021 | 08:46:42 [GMT +7] A A
Với gần 55.300ha đất lâm nghiệp, chiếm 91% diện tích đất tự nhiên, huyện Ba Chẽ có thế mạnh lớn về phát triển cây dược liệu, được định hướng trở thành một trong những trung tâm dược liệu xanh của tỉnh Quảng Ninh và vùng Đông Bắc. Để hiện thực hóa mục tiêu ấy, Ba Chẽ đã chủ động xây dựng và triển khai Đề án bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025.
Sản phẩm trà hoa vàng giới thiệu tại Hội chợ OCOP, được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Nguồn tài nguyên rừng của Ba Chẽ được đánh giá là độc đáo, mức độ đặc hữu cao, còn nhiều tiềm năng. Theo số liệu điều tra của Bộ Y tế, trong tổng số 1.027 loài thực vật được thống kê ở Ba Chẽ, có tới 30 loài dược liệu có giá trị cao, như: Ba kích, trà hoa vàng, nấm lim xanh, cát sâm... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nguồn tài nguyên vô giá này đang bị cạn kiệt, suy giảm thành phần loài. Diện tích rừng tự nhiên cũng dần bị thu hẹp dẫn đến nơi sinh sống của các loài đặc hữu, dược liệu quý bị đe dọa.
Năm 2020, Ba Chẽ đã trồng 27,34ha dược liệu, trong đó, trà hoa vàng là 20,2ha, ba kích tím là 6,1ha, dược liệu khác là 1ha. Tổng diện tích trồng cây dược liệu toàn huyện Ba Chẽ là 161,4ha. Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu vẫn còn một số khó khăn. Ông Vi Thành Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Một trong những khó khăn là chi phí đầu tư ban đầu trồng cây dược liệu tương đối lớn, yêu cầu cao về quy trình kỹ thuật và phương án bảo vệ thực vật một cách bài bản, nên đòi hỏi người trồng phải có vốn đầu tư và có tư duy làm ăn kinh tế. Trong khi, nguồn lực này còn thiếu.
Không những thế, đối với cây giống trà hoa vàng, cần được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô từ 2-3 năm mới đủ khả năng để trồng đại trà. Việc thiếu hụt nguồn giống đang là vấn đề khó khăn trong công tác hình thành vùng nguyên liệu tập trung trong những năm vừa qua.
Người dân xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ vun xới cây trà hoa vàng. |
Để khắc phục những khó khăn kể trên, cũng như đưa cây dược liệu thành thế mạnh kinh tế, huyện Ba Chẽ đã xây dựng và triển khai Đề án bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển, trồng mới hơn 500ha cây dược liệu. Trong đó, tập trung phát triển các loại sản phẩm chủ lực của địa phương gồm: Trà hoa vàng, ba kích tím, đẳng sâm, cát sâm..., xây dựng các vùng trồng cây dược liệu lâu dài, tạo sự liên kết chặt chẽ, ổn định theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, thu hoạch gắn với chế biến, tiêu thụ, đảm bảo phát triển cây dược liệu bền vững và hiệu quả.
Theo Đề án, trung bình mỗi năm huyện phấn đấu trồng mới trên 100ha các loài dược liệu. Đến năm 2025 diện tích cây dược liệu toàn huyện sẽ đạt 517ha. Trong đó bao gồm: 236ha cây ba kích; 230ha cây trà hoa vàng và 51ha các loài dược liệu khác.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Thị Vỹ cho biết: Để Đề án được triển khai hiệu quả, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển nhân rộng diện tích. Cùng với đó, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu; thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch và phân vùng diện tích cây dược liệu. Nhất là các giải pháp về giống, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ. Song hành cùng công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; các cơ chế chính sách cho phát triển các loài dược liệu, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu Đề án.
Được biết, năm 2020, Ba Chẽ đã hỗ trợ xây dựng 1 cơ sở sản xuất giống dược liệu chất lượng cao tại xã Nam Sơn phục vụ việc mở rộng diện tích trồng dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nguồn cung ứng đầu vào cho sản xuất cây dược liệu. Từ đó, xây dựng các vùng sản xuất cây dược liệu tập trung đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO).
Ngoài việc phát triển vùng trồng cây nguyên liệu, huyện sẽ tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến một số loại cây dược liệu thành sản phẩm hàng hóa, sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Trong đó, định hướng phát triển trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP quốc gia. Với loại cây này, bên cạnh việc khuyến khích các hộ dân tham gia mở rộng diện tích trồng, huyện cũng sẽ kêu gọi, có những cơ chế thu hút thêm những doanh nghiệp tiềm năng đầu tư trồng, sản xuất, chế biến trà hoa vàng; ưu tiên dành nguồn ngân sách lớn hỗ trợ các đơn vị chế biến dược liệu trên địa bàn về khoa học - công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm.
Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, huyện đã hỗ trợ hơn 100 triệu đồng trang bị máy sấy, máy đóng gói và giao quản lý khu ươm giống cây trà hoa vàng cho Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh; hỗ trợ HTX Kinh doanh dịch vụ lâm sản ngoài gỗ Ba Chẽ một máy sấy trị giá 40 triệu đồng... Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường và đầu ra cho sản phẩm; cũng như tổ chức thường niên Hội trà hoa vàng để tôn vinh loài cây dược liệu này. Hiện trà hoa vàng là một trong nhiều sản phẩm dược liệu của huyện Ba Chẽ đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()