Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 11:46 (GMT +7)
Ba động lực để tăng trưởng kinh tế cao hơn
Thứ 4, 02/08/2023 | 09:40:04 [GMT +7] A A
Với 3 động lực chính là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2023 được dự báo sẽ tăng trưởng thuận lợi hơn so với nửa đầu năm cho dù nhiều khó khăn vẫn đang “bủa vây”. Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, nhiều chuyên gia nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn kỳ vọng do chịu nhiều tác động bất lợi đến từ bên ngoài. Quan điểm của ông về nhận định này?
Là nền kinh tế có độ mở cao, những biến động của kinh tế thế giới vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế của Việt Nam.
Cụ thể, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nhẹ, lạm phát tăng cao dẫn đến cầu tiêu dùng thế giới giảm. Điều này đồng nghĩa với việc cắt giảm đơn đặt hàng trong nước và quốc tế, dẫn tới hoạt động sản xuất trong nước của Việt Nam bị thu hẹp, hàng loạt doanh nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, sản lượng của ngành công nghiệp chế biến sụt giảm và cả trị giá xuất khẩu cũng bị giảm, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng.
Cùng đó, việc thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu trên thế giới và chi phí logistics tăng cao đã làm tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam cũng như gây áp lực lên lạm phát. Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc mặc dù đang phục hồi nhưng vẫn chậm nên đã tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam bởi Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam.
Ngoài ra, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tuy vẫn được duy trì nhưng chưa thực sự chắc chắn do tâm lý của các nhà đầu tư vào sự phục hồi kinh tế thế giới chưa ổn định. Vì vậy, số lượng các dự án có quy mô lớn đăng ký giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Với các tác động bất lợi như vậy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72% nhưng đây vẫn là nỗ lực lớn của Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn.
Nhiều định chế tài chính lớn vẫn nhận định hai đầu tàu kinh tế giới là Mỹ và Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều rủi ro trong 6 tháng cuối năm. Vậy những rủi ro này sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam thưa ông?
Các Tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ủy ban các vấn đề kinh tế – xã hội Liên Hợp quốc (UNDESA), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ yếu đi đáng kể trong cả năm 2023 và đầu năm 2024, chủ yếu do tác động trễ của chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo đó, chi phí lãi vay cao với điều kiện tài chính thắt chặt hơn đã ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng của hộ gia đình, tới hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa và dịch vụ ra thị trường, đồng thời làm giảm đầu tư của khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình. Vì vậy, đây sẽ là các yếu tố làm giảm nhu cầu đặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam cũng như làm giảm hoạt động đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam trong nửa cuối năm 2023.
Với Trung Quốc, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc không đạt kỳ vọng do nhu cầu toàn cầu yếu. Do vậy, việc tái mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến đã giúp cho kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn nhưng mức độ lan tỏa đến các nền kinh tế trên thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng còn hạn chế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 của Việt Nam đang đặt ra những áp lực lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều thách thức khó đoán định. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2023 là 6,5% thì tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt trên 9,1%. Đây là nhiệm vụ rất khó hoàn thành trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét khi nền kinh tế thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn, cầu tiêu dùng thế giới vẫn yếu và khó dự báo.
Vì vậy, một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam so với đầu năm. Cụ thể, IMF đã hạ dự báo từ 6,5% xuống 4,7%, WB hạ dự báo từ 6,3% xuống 6%, ADB hạ từ 6,5% xuống 5,8% nhưng cơ bản vẫn ở mức tích cực, phù hợp với diễn biến tình hình.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ thuận lợi hơn so với 6 tháng đầu năm 2023 nhờ vào các chính sách của Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; trong đó đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công trong nửa cuối năm được xem là giải pháp trọng tâm. Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng, các giải pháp, chính sách cần tập trung vào 3 động lực:
Thứ nhất, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Với kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm khoảng 711 nghìn tỷ đồng, các cấp, ngành phải tiếp tục nỗ lực đáp ứng được mục tiêu giải ngân tối thiểu 95%.
Thứ hai, tiêu dùng nội địa sẽ có mức tăng trưởng khá nhờ vào một loạt chính sách của nhà nước nhằm khuyến khích tăng tiêu dùng như chính sách giảm thuế VAT 2%, chính sách tăng tiền lương cơ bản, kích cầu du lịch nội địa. Đây sẽ là nhân tố kích cầu tiêu dùng do tăng thu nhập. Cùng với đó, lạm phát có xu hướng tăng chậm lại và được duy trì trong tầm kiểm soát.
Thứ ba, tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với đó, việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới sẽ giúp đa dạng hóa, mở rộng thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Đối với xuất khẩu dịch vụ, cần triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến và lưu lại Việt Nam dài ngày hơn; tăng số lượng và thời gian đi du lịch của khách trong nước và quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng.
Với các giải pháp đồng bộ như vậy, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối năm 2023.
Xin cảm ơn ông!
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()