Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:45 (GMT +7)
Liên quan đến kiến nghị của một số hộ dân xã Tiền Phong (TX Quảng Yên) Bài 1: Gần 3 thập kỷ bỏ đất, nay kiến nghị đòi quyền lợi
Thứ 3, 25/10/2022 | 07:33:08 [GMT +7] A A
Thời gian qua, UBND TX Quảng Yên triển khai công tác bồi thường GPMB để thực hiện dự án Tổ hợp cảng biển và KCN tại khu vực Đầm Nhà Mạc (giai đoạn 94,4ha). Trong quá trình quy chủ, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB, một số hộ dân xã Tiền Phong đã có đơn kiến nghị đòi đất đối với các hộ đang sử dụng đất tại khu vực đầm 4, thôn 4, xã Tiền Phong, với lý do cho rằng các thửa đất này có nguồn gốc do các hộ khai hoang kinh tế mới từ năm 1989, 1990. Kết quả xác minh của cơ quan chức năng TX Quảng Yên cho thấy nội dung khiếu nại của các hộ dân không có cơ sở. Tuy nhiên, các hộ vẫn nhiều lần gửi đơn vượt cấp, khiếu kiện đông người, tiềm ẩn mất an ninh trật tự, phức tạp thêm tình hình. TX Quảng Yên đã huy động cả hệ thống chính trị, tăng cường vận động, tuyên truyền, đề nghị các hộ dân chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đòi đất nhưng không chắc chắn vị trí đất ở đâu
Theo nội dung kiến nghị, các hộ đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại nguồn gốc sử dụng đất và yêu cầu các hộ đang quản lý, sử dụng trả lại ruộng đất cho gia đình mình.
Trong đó, trường hợp của ông Cao Văn Hà (thôn 4, xã Tiền Phong) là một ví dụ điển hình khi cùng bị 6 hộ dân kiện đòi đất. Theo đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Thỏ (thôn 1, xã Tiền Phong), gia đình ông được Nhà nước giao 8 sào ruộng và khai hoang thêm 20 sào. Gia đình ông sử dụng từ năm 1990 đến năm 2011. Sau năm 2011, gia đình ông để ruộng lại, nhưng không bỏ ruộng, gia đình ông Cao Văn Hà mới đắp ao nuôi trồng thủy sản sau năm 2011 đến nay. Việc UBND xã Tiền Phong xác nhận gia đình ông Cao Văn Hà sử dụng đất làm ao nuôi trồng thủy sản trong đó có phần diện tích của gia đình ông từ năm 1992 đến nay là chưa đúng với nguồn gốc, quá trình sử dụng đối với thửa đất này.
Thực tế, liên quan đến phần diện tích đất mà hộ ông Cao Văn Hà hiện đang sử dụng, quản lý, không chỉ riêng ông Thỏ kiến nghị, mà còn có 5 hộ khác cũng có đơn đề nghị xem xét lại nguồn gốc sử dụng đất và yêu cầu ông Cao Văn Hà trả lại ruộng. Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan chức năng TX Quảng Yên, các hộ đều không cung cấp được tài liệu gì và cũng không nắm chắc được diện tích đất mà theo các hộ cho rằng có quyền quản lý, sử dụng nằm tại vị trí nào.
Như trường hợp kiến nghị của bà Nguyễn Thị Dụ (thôn 1, xã Tiền Phong), theo bà Dụ, gia đình bà được giao 4 sào ruộng hiện nay nằm trong diện tích ao nuôi trồng thủy sản của hộ ông Hà, đất của gia đình bà vẫn sử dụng đến năm 1998. Năm 2003, gia đình được UBND xã Tiền Phong mời đến nghe phổ biến chủ trương của UBND huyện về việc xây dựng 9 ao nuôi trồng thủy sản (khu lau sậy đầm 4) bằng nguồn vốn ngân sách huyện đầu tư cho xã.
Tuy nhiên, theo xác minh của cơ quan chức năng TX Quảng Yên, 9 vị trí ao nuôi theo nội dung làm việc tại giấy mời do hộ dân cung cấp hiện trạng GPMB là các thửa đất số 16, 17, 18, tờ bản đồ GPMB số 3; không hề liên quan đến diện tích đất nuôi trồng thủy sản của hộ ông Hà đang quản lý, sử dụng.
Chia sẻ về điều này, ông Cao Văn Hà bức xúc cho biết: Thời điểm năm 1991, 1992, cán bộ xã họp và thông báo khu vực này không ai sử dụng, nếu có nhu cầu đắp ao hồ cải tạo sản xuất thì địa phương hỗ trợ thủ tục pháp lý. Gia đình tôi được lãnh đạo xã và các đoàn thể tuyên truyền, khuyến khích giao cho khoảnh đất này để cải tạo sử dụng. Khi chúng tôi đến đây, toàn bộ khu vực đều hoang tàn, lau sậy um tùm, cải tạo phải tốn bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Có những năm nước lụt trắng cả đồng, bao nhiêu công làm, tiền của đổ sông, đổ bể, nhưng nghĩ đến con cái nheo nhóc, cuộc sống khó khăn, chúng tôi lại quyết tâm bám đất, bám làng. Năm 1996, tôi vay mượn thêm từ ngân hàng, cải tạo ao đầm, quá trình sản xuất xây dựng thêm một số công trình nuôi gia súc, gia cầm. Đến năm 2012 thì được UBND thị xã cấp sổ đỏ. Gần 30 năm nay, tôi ở đây làm, sản xuất không thấy có hộ nào ý kiến gì. Mãi đến đầu năm 2022, thực hiện GPMB dự án, các hộ mới có đơn đòi đất. Mấy chục năm sử dụng ổn định, nay các hộ đến bảo ruộng của họ, họ đòi lại. Bức xúc hơn là một số hộ quay clip nói tôi kết hợp với cán bộ cướp đất của họ. Tôi đã có đơn tố cáo những hành vi xúc phạm, lời nói sai sự thật đó, mong muốn các cấp có thẩm quyền làm sáng tỏ, xử lý nghiêm minh.
Theo kết quả xác minh của TX Quảng Yên cho thấy, tại bản đồ hiện trạng GPMB thực hiện dự án Tổ hợp cảng biển và KCN tại khu vực Đầm Nhà Mạc, hộ ông Cao Văn Hà đang quản lý, sử dụng thửa đất số 110, tờ bản đồ GPMB số 01 với tổng diện tích 21.771,7m2. Tương ứng với bản đồ địa chính năm 1996 là các thửa đất: Thửa 149/BĐĐC 18, diện tích 3.588m2, đất ao; thửa 150/BĐĐC 18, diện tích 15.820m2, đất ao; một phần thửa 152/BĐĐC 18, diện tích 147m2, đất hoang.
Diện tích đất hộ ông Hà đang quản lý, sử dụng trên có nguồn gốc là quỹ đất hoang được UBND xã Liên Vị huy động các hộ khi khai hoang từ năm 1989, 1990, do sản xuất không hiệu quả nên các hộ đã bỏ hoang. Khoảng năm 1995, 1996 anh em ông Cao Văn Hà và Cao Văn Giang đắp ao nuôi trồng thủy sản. Bản đồ địa chính đo đạc năm 1996 đã thể hiện phần diện tích hộ ông Hà đang quản lý, sử dụng là ao nuôi trồng thủy sản thuộc thửa đất số 149 và 150, tờ bản đồ địa chính số 18. Đến năm 2012, gia đình ông Hà được UBND TX Quảng Yên làm thủ tục cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm và cấp GCNQSDĐ trên phần hiện trạng vẫn quản lý sử dụng ổn định đến nay.
Ngoài ra, theo tài liệu, hồ sơ địa chính do UBND xã Tiền Phong và các cơ quan có liên quan đang lưu giữ như sổ địa chính các năm 1996, 2003 và bản đồ đo đạc năm 2012, các gia đình hiện có đơn kiến nghị không có hồ sơ quản lý, sử dụng hoặc kê khai đăng ký địa chính phần diện tích đất nào liên quan đến diện tích đất gia đình ông Hà đang quản lý, sử dụng để làm ao nuôi trồng thủy sản. Đến thời điểm hiện tại, các hộ cũng không cung cấp được hồ sơ pháp lý nào liên quan đến phần diện tích đất đang kiến nghị nằm trong ao nuôi trồng thủy sản của hộ ông Hà.
Không có cơ sở kiến nghị đòi đất hoặc xem xét bồi thường
Theo ông Hoàng Tá, nguyên Chủ tịch UBND xã Liên Vị, thời điểm đó, việc cải tạo đất để canh tác, hay nuôi trồng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết đất đồng chua, nước mặn, nên phải tốn rất nhiều công sức và tiền của. Vì thế mọi người đều không muốn sản xuất tại khu vực này. Thực hiện chủ trương của huyện thành lập hợp tác xã xây dựng kinh tế mới, khuyến khích nhân dân ra khai hoang, lấn đất phát triển kinh tế, nhưng phần lớn các hộ đã bỏ hoang lại đất sau một thời gian ngắn. Nhiều hộ năm trước huy động ra khai hoang, năm sau đã bỏ về làng cũ.
Ông Lê Quốc Vở (thôn 2, xã Tiền Phong) cho biết: Thời gian đó xã Tiền Phong chưa thành lập, khu vực này vẫn là đất của xã Liên Vị. Lúc đó, tôi làm xóm trưởng xóm Đầm 2. Thực hiện chính sách di dãn dân ra đây, đất chia cho nhân dân chủ yếu đầm nuôi trồng thủy sản, đầm cá nước ngọt của Xí nghiệp cá Tiền Phong bàn giao lại, khai hoang phục hóa là chính chứ không có ruộng canh tác sẵn có. Ruộng đất ở đây trước khi giao cho nhân dân khai hoang phục hóa cũng chỉ giao tạm thời, chưa có giấy tờ gì. Điều kiện ở đây sâu trũng, chua mặn, lau sậy mọc nhiều, có người bỏ nhiều công sức và tiền bạc cải tạo ao đầm, đất đai để ổn định sản xuất đến bây giờ; còn lại đa số do nguồn nước khó khăn, sản xuất không hiệu quả đã bỏ đất đai không sản xuất nữa. Phần đất đó được các hộ khác tiếp tục khai hoang, cải tạo và sản xuất đến bây giờ. Sau năm 1998, xã Tiền Phong được thành lập đã tổ chức khảo sát đo lại đất, giao đất cho nhân dân và các hộ dân đều không có ý kiến gì đối với phần diện tích có kiến nghị hiện nay. Bây giờ có dự án, có bồi thường GPMB, các hộ đó mới làm đơn đòi lại đất, tôi thấy không thỏa đáng.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Vũ Văn Thu, xã Tiền Phong được tách ra từ 2 xã Liên Hòa và Liên Vị, địa phương quản lý và sử dụng theo sổ địa chính đã được các xã bàn giao lại. Theo quy định, hồ sơ đó là căn cứ pháp luật xác định quá trình, nguồn gốc sử dụng đất cho các hộ dân và là căn cứ xét, cấp giấy, giải quyết tranh chấp khiếu nại liên quan đến đất đai. Theo hồ sơ hiện tại quản lý, đồng thời xã xác minh và tìm tất cả tài liệu có liên quan, thấy rằng khiếu kiện của các hộ dân là không có cơ sở giải quyết.
Quá trình kiểm tra, xác minh của TX Quảng Yên cho thấy những thửa ruộng hiện nay các hộ đang đòi có nguồn gốc do UBND xã Liên Vị huy động các hộ dân khai hoang từ năm 1989, 1990. Trong quá trình sử dụng đất, do không hiệu quả nên các hộ đã bỏ ruộng. Trong đó có hộ đã bỏ ruộng từ trước năm 1996 (bản đồ, sổ địa chính lập năm 1996 đã mang tên người khác), có người bỏ ruộng trước năm 2003 (đăng ký địa chính năm 2003 các hộ dân này không kê khai đăng ký những thửa đất này và có thửa ruộng đăng ký tên người khác). Những thửa đất này do các hộ dân khác đã quản lý, sử dụng ổn định vào mục đích làm ao nuôi trồng thủy sản, hoặc sản xuất nông nghiệp (trong đó có hộ đã sử dụng để làm ao và sản xuất nông nghiệp từ trước năm 1996, có hộ đã sử dụng từ năm 2003 đến nay).
Căn cứ quy định tại khoản 5, Điều 26; Điều 75; khoản 3, Điều 82 và điểm h, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai, UBND TX Quảng Yên khẳng định không có cơ sở xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị đòi trả lại đất của các hộ dân, hoặc xem xét bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Bài 2: Công dân cần thực hiện quyền khiếu nại đúng pháp luật
Lê Hải - Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()