Tất cả chuyên mục

Hàng chục xe máy chở thịt lợn từ các lò mổ chui túa ra các chợ trên địa bàn TP Hạ Long, Cẩm Phả; tiếng nói, tiếng cười của các “đồ tể” vọng ra từ các lò mổ chui nghe thật rôm rả. Trái ngược với sự nhộn nhịp của các điểm giết mổ gia súc, gia cầm chui thì tại một số điểm giết mổ tập trung được quy hoạch, cấp giấy phép hẳn hoi lại có vẻ hắt hiu, vắng vẻ. Đó là nghịch lý mà sau 2 đêm “đột kích” các điểm giết mổ gia súc, gia cầm mà chúng tôi chứng kiến.
![]() |
Anh Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thiên Trường tần ngần cạnh kho chứa củi vốn được quy hoạch làm nơi giết mổ gia súc của doanh nghiệp. |
Nhộn nhịp những lò mổ “chui”
4 giờ sáng, trong vai một “lái lợn” từ tỉnh Thái Bình ra Quảng Ninh tìm cơ hội kinh doanh một số phản thịt tại các chợ của phường Quang Hanh, Cẩm Thạch (TP Cẩm Phả), chúng tôi tìm vào một cơ sở giết mổ “chui” khá quy mô tại tổ 66, khu Trần Hưng Đạo, phường Cẩm Thạch. Đây là địa điểm đã được chúng tôi “điều nghiên” rất kỹ từ mấy hôm trước. Chưa đến gần lò mổ, chúng tôi đã bị tra tấn bởi tiếng lợn kêu “eng éc”, tiếng người nói chuyện ồn ào. Chốc chốc lại có một chiếc xe máy chở thịt lợn phóng như bay ra Quốc lộ 18A với lỉnh kỉnh túi, cân... Có xe buộc sau là những chú lợn đã mổ phanh bụng, vắt vẻo trên yên xe.
Chỉnh trang cho giống mấy bác lái xe vừa phi ra, chúng tôi mạnh dạn tiến vào lò mổ. Tuy không rộng rãi, nhưng lò mổ này được thiết kế khá quy củ. Phía trong cùng là 2 chuồng lợn có hàng chục con béo núc ních đang thiu thiu ngủ, phía ngoài là khu vực hành nghề của 2 người giết lợn và những người làm các phần việc khác như cạo lông, pha thịt... Thấy chúng tôi vào, một thanh niên trẻ đang thoăn thoắt pha thịt ở phía ngoài hỏi lớn: “Các bác có việc gì đấy”. Cậu em đi cùng tôi nhanh nhảu: “Chúng em mang lợn từ Thái Bình ra đây bán. Thời gian này bọn em mua được mấy ki ốt định để bán thịt, nhưng chưa biết giết ở đâu, nghe nói ở đây các bác giết lợn thuê khá rẻ, nên hôm nay tranh thủ vào tham quan”. Nghe vậy, người thanh niên bảo: “Ra sau đi! Ông chủ đang ngủ ở phía trong kia kìa”. Chưa kịp định thần thì chúng tôi đã thấy một người đàn ông trạc gần 50 tuổi lững thững đi ra hất hàm hỏi “Có việc gì đấy mấy chú?”. Khi biết ý định của chúng tôi, anh ta bèn vội vã mời vào trong uống nước để bàn chuyện làm ăn. Hỏi ra thì biết ông chủ lò này là Nguyễn Văn Thiện, có thâm niên làm nghề giết mổ hàng chục năm nay. Anh Thiện bộc bạch: “Trước kia mình mổ lợn tại nhà, nhưng khi nghe bà con hàng xóm phàn nàn nhiều quá, nên vài năm trước, chuyển ra đây xây lò mổ”. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh Thiện giết mổ khoảng 30 con lợn. Bắt đầu từ 3 giờ sáng là ông chủ cũng như người lao động của cơ sở lại chuẩn bị tay dao, tay thớt để mổ lợn phục vụ cho phiên chợ sáng với khoảng hơn 20 con, ngoài ra đến tầm trưa họ lại tiếp tục mổ thêm 5-7 con cho chợ chiều.
Đêm hôm sau, chúng tôi tiếp tục đến cơ sở giết mổ của gia đình anh Nguyễn Trường Sơn ở tổ 66B, khu 4B, phường Hà Phong, TP Hạ Long. Biết chúng tôi là nhà báo đi tìm hiểu thực tế, anh Sơn cũng không ngại ngần gì mà bộc bạch luôn: “Bây giờ cơ sở của tôi là cơ sở giết mổ “chui” nhưng trước kia là “điểm sáng” của TP Hạ Long đấy. Năm 2000, tôi đã đầu tư trên 100 triệu đồng để mở cơ sở này và được các cấp có thẩm quyền cấp phép. Do có cơ chế giết, mổ phù hợp, giá cả lại phải chăng, nên nhiều gia đình làm nghề bán thịt quanh vùng đã mang lợn đến thuê giết. Có thời điểm mỗi ngày lên tới 40-50 con. Thế rồi từ vài năm nay, thực hiện chủ trương mới của tỉnh về xây dựng các khu giết mổ tập trung, cơ sở của gia đình không đạt tiêu chuẩn nên đầu lợn mang đến thuê giết cũng giảm dần…”. Mặc dù ít đi nhưng hoạt động ở cơ sở của anh Nguyễn Trường Sơn vẫn nhộn nhịp lắm. Người ra, người vào tấp nập. Tiếng lợn kêu, người trò chuyện ồn ào cả một góc. Chỉ từ lúc 3 rưỡi đến 5 giờ chúng tôi đếm được 8 con lợn đã được giết mổ ở đây. Trong khi đó theo anh Sơn cho biết cơ sở của anh hoạt động từ 3 đến 6 giờ sáng và buổi chiều lại tiếp tục thịt thêm vài con nữa.
Hắt hiu lò chuẩn
Trái ngược với sự đông đúc ở các cơ sở “chui”, hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chuẩn được đầu tư tiền tỷ lại có phần hiu hắt. Cơ sở đầu tiên chúng tôi đến là mô hình của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thiên Trường tại phường Hà Phong (TP Hạ Long). Khi nghe chúng tôi hỏi tình hình hoạt động của cơ sở, anh Nguyễn Xuân Trường, chủ cơ sở, dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu giết mổ vừa ngậm ngùi: “Tôi bán cả nhà cửa đầu tư vào đây hơn 3 tỷ đồng và đưa vào hoạt động từ năm 2010 có công suất 400-500 con gia súc và 3.000-5.000 con gia cầm/ngày. Những tưởng làm ăn sẽ ổn định, nào ngờ đến nay, số lợn đưa vào giết mổ cao thì đạt 60 đến 70 con/ngày; còn không thì chỉ được khoảng 13 con/ngày (bằng 2,6-3,3% công suất thiết kế). Cả gia đình lâm vào cảnh sống dở, chết dở”. Nói rồi, anh dẫn chúng tôi vào kế bên khu đang giết mổ, chỉ tay vào đống củi bảo: “Khu vực này vốn thiết kế để giết mổ lợn, vậy mà bây giờ đành làm nơi chứa củi. Còn góc kia bố trí để giết mổ gia cầm, bây giờ cũng đành đóng cửa để đấy”. Thì ra, do không có khách hàng đến giết mổ gia súc, gia cầm nên doanh nghiệp đành phải phân nhỏ thành các ô để một số tiểu thương đưa lợn vào nuôi, vì thế, nhìn cơ sở thật lem nhem. Không những thế, do không có người thuê giết mổ gia súc, gia cầm nên chủ doanh nghiệp cũng không có công nhân và đành làm mỗi một việc là cho thuê mặt bằng với giá 10.000 đồng/đầu lợn thịt. Các chi phí khác như điện, nước, muối, củi đều do các tiểu thương tự bỏ tiền ra mua.
Theo quy hoạch tại Quyết định số 1214/2006/QĐ-UBND của UBND tỉnh, hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 sẽ có 23 cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên, đến nay mới có 3 cơ sở giết mổ tập trung đã được xây dựng và đang hoạt động ở TP Hạ Long và Cẩm Phả, đạt 13% tổng số dự án. Ngoài Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thiên Trường, TP Hạ Long còn có cơ sở giết mổ tập trung tại phường Hà Khánh do UBND thành phố làm chủ đầu tư nhưng hoạt động cũng không hiệu quả. Ban đầu, cơ sở này có 6 hộ tham gia nhưng nay chỉ còn 4 hộ hoạt động, công suất đạt 200-230 con lợn/ ngày, 2 hộ tạm ngừng hoạt động do các tư thương không đưa lợn vào giết mổ. Còn tại Cẩm Phả, hoạt động của cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm do Công ty CP Thái Hoà, phường Cẩm Thạch cũng không sáng sủa gì hơn nhiều. Cơ sở này có công suất thiết kế khoảng 450-500 con lợn/ngày, nhưng hiện nay mới chỉ đạt 50-60 con/ngày (bằng 10-12% công suất thiết kế).
Bảo Bình - Minh Thu - Quang Minh
Bài 2: Báo động về an toàn vệ sinh thực phẩm
Ý kiến (0)