Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:17 (GMT +7)
HĐND tỉnh đổi mới hoạt động, đồng hành, sẻ chia cùng doanh nghiệp Bài 1: Lắng nghe tiếng nói cử tri
Thứ 3, 01/08/2023 | 17:34:01 [GMT +7] A A
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, từ đó có những quyết sách hướng tới người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển... là mục tiêu HĐND tỉnh đã và đang thực hiện. 6 tháng đầu năm 2023, HĐND tỉnh tiếp tục có những đổi mới rõ nét trong hoạt động, nhất là trong đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, được nhân dân, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Lắng nghe và hành động
Tinh thần đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được HĐND tỉnh thể hiện rõ trong từng hành động. Mới đây tháng 6/2023, lần đầu tiên HĐND tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc chuyên đề với cử tri là đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân hoạt động sản xuất và kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để cử tri tham gia phát biểu ý kiến, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất với HĐND tỉnh cũng như chính quyền, cơ quan các cấp. Đã có 26 ý kiến phát biểu của cử tri, trong đó có 14 ý kiến trực tiếp tại hội nghị và 12 ý kiến gửi bằng văn bản. Nhiều ý kiến, tâm tư của cử tri, nhất là những ý kiến phản ánh của cử tri về những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai các nghị quyết, cơ chế, chính sách của tỉnh có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp được HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh lắng nghe, tiếp thu đầy đủ. Nhiều ý kiến đã được giải đáp trực tiếp tại hội nghị cũng nhận được sự đánh giá cao của cử tri.
Ông Phạm Tiến Hồng, Giám đốc HTX Đông Thành (TP Hạ Long), cho biết: Tham gia hội nghị tiếp xúc chuyên đề với cử tri, tôi đánh giá cao HĐND tỉnh lần đầu tiên mở rộng hình thức, đối tượng tiếp xúc cử tri với đại biểu dân cử. Đây là hoạt động đổi mới tích cực trong hoạt động của HĐND tỉnh trong việc xây dựng một chính quyền liêm chính, phục vụ, kiến tạo vì sự phát triển. Tại hội nghị, tôi đã đóng góp ý kiến, kiến nghị về việc tỉnh cần nhanh chóng nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã và vận hành quản lý mô hình này đảm bảo thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Ý kiến của tôi đã được đại biểu HĐND tỉnh tiếp thu và sẽ xem xét để có cơ chế chính sách về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã nhằm tạo thuận lợi hơn cho các hợp tác xã trong quá trình tiếp cận vốn.
Không chỉ dừng lại ở lắng nghe tâm tư, kiến nghị của doanh nghiệp, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cũng tích cực vào cuộc gỡ khó cho doanh nghiệp. Điển hình, trước tình hình doanh nghiệp gặp vướng mắc về chấp hành thủ tục phòng cháy chữa cháy (PCCC), HĐND tỉnh đã tổ chức riêng phiên giải trình về nội dung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tại phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh, các cơ quan chức năng làm rõ thông tin trọng tâm về trách nhiệm, quyền hạn, các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập trong công tác PCCC cho người dân, doanh nghiệp. Thường trực HĐND tỉnh cũng ban hành thông báo yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương chú trọng hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính và hướng dẫn, giải đáp đầy đủ, cụ thể, chi tiết các quy định, giải pháp; phối hợp cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm việc làm, đời sống, thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, nhiều khó khăn, vướng mắc được doanh nghiệp đưa ra tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2023 cũng được HĐND tỉnh sâu sát theo dõi, nắm bắt; chủ động cùng với UBND tỉnh tháo gỡ.
Với mục tiêu "truy đến cùng" "đeo bám đến cùng" việc giải quyết kiến nghị cử tri, những nội dung kiến nghị của doanh nghiệp được HĐND tỉnh đưa ra thảo luận, giải trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Đáng chú ý tại kỳ họp 14 (Kỳ họp thường lệ giữa năm) vừa qua, vấn đề doanh nghiệp đang gặp khó như điện, thu hút đầu tư, cơ chế hỗ trợ nhất là vốn vay được các đại biểu HĐND tỉnh đưa vào thảo luận sôi nổi, trách nhiệm. Những vấn đề còn nhiều vướng mắc đều được UBND tỉnh giải trình làm rõ, nhận được sự đồng tình cao của cử tri.
Sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh đã giúp cho HĐND tỉnh tiếp thu nhiều ý kiến, tháo gỡ nhiều vấn đề liên quan đến điện, môi trường đầu tư, cải cách hành chính, mặt bằng sản xuất, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Những quyết sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Quan tâm tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng của tỉnh. Nhiều năm qua, bằng những cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn đã từng bước phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước và giải quyết công ăn việc làm tăng thêm cho hàng nghìn lao động mỗi năm. Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn do ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động. Trước vấn đề này, Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh đã xem xét thông qua Nghị quyết về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững đến năm 2025. Nghị quyết tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, nỗ lực xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc ban hành Nghị quyết là phù hợp với thực tiễn đặt ra khi mà trong 6 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh có 1.272 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 12% so với cùng kỳ 2022; 280 doanh nghiệp giải thể, tăng 6% so với cùng kỳ; 569 doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ địa chỉ kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gặp phải những khó khăn về tìm kiếm thông tin thị trường, tuyển dụng lao động, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, phát triển thương hiệu…
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, bày tỏ: Nghị quyết được ban hành thực sự là nguồn năng lượng mới, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi nhanh nhất là sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và nhiều biến động phức tạp của tình hình thế giới. Từ đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh. Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, đã thể hiện được quan điểm xuyên suốt, nhất quán của cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Ninh luôn luôn quan tâm, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Nghị quyết đề ra những giải pháp căn cơ, thiết thực, tập trung nắm bắt, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy...; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ pháp lý; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường khả năng tiếp cận đất đai; tiếp cận vốn và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế…
Để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng với Nghị quyết về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững đến năm 2025, HĐND tỉnh đã bố trí tăng số vốn vay cho hợp tác xã, hộ cá nhân kinh doanh với nguồn lực lớn thông qua Ngân hàng CSXH, cụ thể là 180 tỷ đồng, trong đó cho vay thực hiện chương trình việc làm 100 tỷ đồng, cho vay phát triển hợp tác xã 20 tỷ đồng. Với cơ chế, chính sách này mang lại nguồn lực lớn để hỗ trợ các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh; đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, góp phần phát triển KT-XH tỉnh Quảng Ninh nhanh, bền vững.
Cùng với quyết sách trên, từ đầu năm đến nay HĐND tỉnh cũng đã ban nhiều cơ chế, chính sách lồng ghép với các nghị quyết khác để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm cơ hội thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Những quyết sách đúng, trúng cùng sự sự đổi mới, thể hiện trách nhiệm với doanh nghiệp của HĐND tỉnh đã góp phần nâng cao “sức khỏe” cho doanh nghiệp, giữ vững nhịp độ sản xuất, tạo đà quan trọng cho giữ vững tăng trưởng kinh tế của tỉnh. 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh ước đạt 9,46%, đứng thứ 4 cả nước; thu NSNN đạt 28.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra; thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI ước đạt 832,17 triệu USD, đạt 83% kế hoạch. Đặc biệt, Quảng Ninh đã tạo việc làm tăng thêm cho 15.095 người, đạt 75,5% so với chỉ tiêu đầu năm đề ra.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()