Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:11 (GMT +7)
Sản xuất xanh: Do chúng ta và cho chúng ta Bài 1: Xanh hoá sản xuất
Chủ nhật, 31/03/2024 | 10:25:17 [GMT +7] A A
“Các DN Việt Nam đều đã biết những yêu cầu cùng mục tiêu hướng đến môi trường và con người trong thời gian tới của quá trình chuyển dịch xanh. Tuy nhiên, vẫn có sự lưỡng lự, thậm chí là chờ đợi mọi thứ diễn ra rồi mới hành động”. Đó là thực tế được ông Trần Quốc Duy, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước chỉ ra và nhấn mạnh: Xu hướng chuyển dịch sang sản xuất xanh đòi hỏi các DN phải chuyển đổi nếu muốn bán được hàng để tồn tại và phát triển.
Sản xuất xanh đang trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với các DN trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Đó không chỉ là đòi hỏi của thị trường quốc tế mà còn là trách nhiệm của DN trong việc xây dựng hình ảnh đất nước và gìn giữ môi trường trong lành cho thế hệ tương lai. Và tăng trưởng xanh không chỉ là câu chuyện của riêng DN mà là trách nhiệm của tất cả mọi người.
Chuyện ở Queen Farm
Nông trại Queen Farm có diện tích 55 ha thuộc xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng. Nông trại mang theo ước mơ của ông chủ trẻ Nguyễn Thế Tùng (SN 1983) về cách thức làm kinh tế nông nghiệp hiện đại, mà ở đó, mọi khâu sản xuất đều thuận theo tự nhiên. Sự tác động của con người thực hiện trong một chừng mực nhất định và theo hướng tích cực.
Ngay từ đầu, anh Nguyễn Thế Tùng xác định mục tiêu đưa sản phẩm xuất khẩu sang thị trường các nước nên đã chú trọng đầu tư bài bản cho vườn cây, từ việc hoạch định vùng trồng, quy hoạch từ tổng thể đến chi tiết, đo lường dinh dưỡng trong đất, xử lý cải tạo đất và nước, chọn lựa cây giống chuẩn, ứng dụng khoa học canh tác, khoa học quản lý và công nghệ… Đến nay, 4 khu với 30 lô trồng sầu riêng gồm 12.000 cây các giống Dona, Musangking, Ri6 đang ở năm thứ tư phát triển rất đồng đều, với những hàng cây thẳng tắp, lá xanh dày và có mã định danh cho từng cây.
Tư duy làm kinh tế nông nghiệp bền vững của anh Nguyễn Thế Tùng còn được thể hiện rõ nét ở việc anh đã chủ động đào 2 hồ chứa nước nhân tạo để tích trữ nước thẩm thấu trong mùa mưa và tận dụng nguồn nước từ suối. Cùng với lắp đặt hệ thống tưới thông minh theo công nghệ của Israel, nguồn nước này đảm bảo đủ tưới tiêu cho nông trại trong những tháng mùa nắng mà không cần phải lấy nước từ nguồn nước ngầm.
Sự chuyển đổi bắt buộc
Lựa chọn sản xuất xanh ngay từ đầu như nông trại Queen Farm là một sự đột phá, bởi thực tế các DN, hộ sản xuất “vẫn có những sự lưỡng lự” như nhận định của ông Trần Quốc Duy. Một trong những lý do, chính là tâm lý ngại thay đổi thói quen sản xuất theo kiểu truyền thống, dựa vào tài nguyên thiên nhiên của các chủ thể (kinh tế nâu).
Cách thức sản xuất này duy trì trong một thời gian dài, nhằm đạt sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế đã dẫn đến những hậu quả nặng nề: đất đai suy thoái do lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, môi trường ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu… đe dọa đến sự tăng trưởng bền vững của đất nước. Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam gánh chịu thiệt hại trực tiếp về tài sản công và tư khoảng 2,4 tỷ USD hằng năm, tương đương 0,8% GDP do các hiện tượng khí hậu cực đoan. Chính điều này yêu cầu Việt Nam, từng địa phương, từng ngành sản xuất phải có sự thay đổi để giảm thiểu rủi ro, đáp ứng các đòi hỏi sản xuất sạch hơn của cộng đồng quốc tế.
Tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đồng thời ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí metan.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững (SDLT), cho rằng: Thủ tướng đã cam kết thì các DN phải thích ứng và làm theo. Chưa kể cơ chế điều chỉnh biên giới carbon CBAM - một chính sách thuộc Thỏa thuận xanh châu Âu - bắt buộc các DN xuất khẩu từ Việt Nam với những mặt hàng có liên quan trong quy định của CBAM phải thích ứng. Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố và những điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khác. Nếu DN không thay đổi thì tự động sẽ tăng chi phí và giảm nguồn doanh thu, đồng nghĩa sẽ tự đào thải mình ra khỏi thị trường.
CBAM là chiến lược tăng trưởng mới của EU nhằm xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển trên cơ sở một nền kinh tế sạch và bền vững. CBAM kỳ vọng sẽ giúp EU giảm phát thải carbon ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990. Từ ngày 1-10-2023, CBAM thực hiện áp dụng thí điểm cho giai đoạn chuyển tiếp và dự kiến sẽ vận hành toàn bộ từ năm 2034.
Hành động vì tương lai
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đề ra nhiều mục tiêu trong thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững… Cụ thể những nhiệm vụ này tại tỉnh Bình Phước, ngày 2-2-2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024-2030. Một trong những mục tiêu được ưu tiên là từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới. Ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái…
Theo ông Vũ Ngọc Long, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương, cam kết về tăng trưởng xanh của tỉnh rất phù hợp xu hướng. Công nghiệp cũng là thế mạnh trong thu hút đầu tư của Bình Phước vì chúng ta có quỹ đất, giao thông kết nối vùng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. “Ngoài thu hút các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, Bình Phước sẽ ưu tiên thu hút ngành công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo để phát triển theo định hướng xanh, đó là lợi thế để có sản phẩm có chứng chỉ xanh xuất khẩu” - ông Vũ Ngọc Long nhấn mạnh.
Hành động chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh không chỉ đến từ việc sản xuất xanh mà còn từ tiêu dùng xanh, nghĩa là cần hành động của cộng đồng DN, của nhà nông và của tất cả mọi người hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đó là hành động không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai, góp phần hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và vì sự phát triển bền vững của đất nước. Bằng mỗi sự thay đổi nhỏ, tất cả chúng ta sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong tương lai.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()