Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:56 (GMT +7)
Bài 2: Động lực phát triển cho vùng khó
Thứ 3, 29/08/2023 | 06:51:12 [GMT +7] A A
Giảm khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền từ việc đầu tư hạ tầng giao thông mới cho vùng khó là mục tiêu chiến lược đang được Quảng Ninh tập trung thực hiện. Với cách làm bài bản, đến nay Quảng Ninh không chỉ là trung tâm kết nối liên vùng, mà còn là địa phương phát triển giao thông đồng bộ, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.
Dù sở hữu nhiều công trình giao thông nổi bật, tiêu biểu, tuy nhiên do địa hình chiếm hơn 70% là đồi núi, nhiều năm trước nhìn chung Quảng Ninh vẫn có những khó khăn. Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tuy được quan tâm đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa có nhiều công trình có tính động lực, đột phá.
Với mục tiêu mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi... Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định một trong 3 khâu đột phá là “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh”.
Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội, đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nhất quán quan điểm “giao thông đi trước một bước”; “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; lấy phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo liên thông tổng thể, từ đó thúc đẩy kết nối, liên kết vùng đi trước, tạo ra không gian và các điều kiện mới cho thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Tỉnh đã ưu tiên nguồn lực, tập trung hoàn thiện tổng thể kết cấu hạ tầng giao thông các địa phương: Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hạ Long, với gần 20 công trình giao thông động lực, thiết yếu, kết nối nội huyện, liên huyện. Điển hình là đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ ở huyện Tiên Yên; cải tạo, nâng cấp đường liên xã Húc Động - Đồng Văn, Cao Ba Lanh kết nối đến QL8C thuộc địa bàn huyện Bình Liêu; nâng cấp, chống ngập lụt tại tỉnh lộ 330 trên địa bàn huyện Ba Chẽ; cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 342, đường nối trung tâm TP Hạ Long với các xã Đồng Lâm, Đồng Sơn...
Mỗi dự án đều mang mục tiêu kết nối liên thông, tổng thể về giao thông phục vụ phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững... Trong đó, tuyến đường giao thông nối từ xã Đại Dực sang xã Đại Thành cũ ở Tiên Yên sẽ rút ngắn thời gian và quãng đường đi lại giữa 2 khu vực từ 40km xuống còn hơn 7km; kết nối điểm du lịch thác Khe Vằn và tuyến du lịch Húc Động - Cao Ly - Khe Tiền - Sông Moóc A, Sông Moóc B - đỉnh Cao Ba Lanh tạo thành chuỗi liên thông các điểm du lịch đặc sắc cho huyện Bình Liêu. Hay dự án nâng cấp chống ngập lụt tại tỉnh lộ 330 trên địa bàn huyện Ba Chẽ sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng gián đoạn giao thông xã Đồn Đạc đi xã Đạp Thanh trong mùa mưa lũ...
Những tuyến đường cụ thể, công trình hạ tầng thực tế phù hợp mong mỏi của từng địa phương như "luồng gió" mới thổi bùng lên khát vọng phát triển. Trong đó, các công trình giao thông mới đã và đang được tỉnh quan tâm đầu tư sẽ đáp ứng yêu cầu kết nối liên thông, tổng thể, hình thành mạng lưới giao thông thông suốt, thuận lợi không chỉ nội huyện và liên huyện mà còn kết nối với hạ tầng giao thông động lực của tỉnh. Từ đó, mở rộng không gian, tạo ra các điều kiện phát triển mới, biến tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương thành nguồn tổng lực chung cho tỉnh; phục vụ phát triển sản xuất, tăng điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân và đặc biệt sẽ giảm khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng miền.
Để đi từ trung tâm TP Hạ Long đến các xã Đồng Lâm, Đồng Sơn trung bình thường mất hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển trên cung đường dài hơn 20km nhỏ hẹp, nhiều khúc cua nguy hiểm, thì đến cuối năm 2023, thời gian này sẽ rút ngắn ½ khi dự án cải tạo tỉnh lộ 342 nối Sơn Dương - Đồng Lâm - Đồng Sơn hoàn thành. Tương tự để di chuyển từ Đại Dực sang Đại Thành (huyện Tiên Yên) nay chỉ còn 15 phút thay vì 1,5 giờ như trước đây...
Với 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo, người dân sống rải rác ở trên 85% diện tích của tỉnh, những tuyến đường như trên là ước mơ bao đời của người dân nơi đây. Kết quả đó là nhờ tỉnh tập trung nguồn lực ưu tiên để hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, kỹ thuật, kinh tế - xã hội đồng bộ từ cụ thể hóa Nghị quyết 06-NQ/TU. Giai đoạn 2021-2025, dự kiến tỉnh chi trên 2.600 tỷ đồng để triển khai các mục tiêu này. Đây là nguồn lực rất lớn để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng khó của tỉnh, từ đó khai thác hiệu quả lợi thế đặc thù, khác biệt của từng địa phương trong giai đoạn mới; tạo ra nguồn lực tổng hợp và tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện thực chất, tăng sức cạnh tranh cao gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Ông Chìu Sinh Phát, Trưởng thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) cho biết: Hạ tầng giao thông được thuận lợi, kết nối đến tận các thôn bản đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, nông sản người dân làm ra được thương lái đến tận nơi thu mua, giải quyết kịp thời đầu ra, vì thế đời sống nhân dân trong thôn được nâng lên. Bà con nhân dân rất phấn khởi, từ đó có nhiều tư duy, cách làm mới trong phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, mở ra cơ hội thoát nghèo, giảm khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong huyện và tỉnh.
Hạ tầng giao thông tốt, các chính sách dân tộc, hỗ trợ vùng khó, hỗ trợ giáo dục, y tế, việc làm được đẩy mạnh thực hiện đã giúp người dân vùng khó, vùng đồng bào DTTS thụ hưởng đầy đủ, kịp thời những chương trình, dự án, chính sách của tỉnh và Trung ương. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng miền núi, biên giới, hải đảo ngày càng được nâng lên rõ rệt; nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân cũng thay đổi, nhiều hộ dân đã tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo. Đến nay, thu nhập bình quân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 56,2 triệu đồng/người, tăng 10,1 triệu đồng so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1.056 hộ (năm 2021) xuống còn 170 hộ (năm 2022), trung bình mỗi năm giảm 41,95%. Trong đó, số hộ đồng bào DTTS nghèo giảm từ 957 hộ xuống còn 155 hộ (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU).
Với những cách làm sáng tạo, quyết liệt, Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng trong cả nước về giảm nghèo, mang lại cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS những giá trị mới, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân, giảm chênh lệch vùng miền.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()