Tất cả chuyên mục

Hawaii được thế giới đặt tên “thiên đường du lịch” từ nhiều năm nay, song những ngày ở đây cho chúng tôi thấy Hawaii vẫn luôn gìn giữ, không ngừng đổi mới, phát huy mọi tiềm năng cho du lịch...
[links()]
Đảo ngọc giữa Thái Bình Dương
Từ thủ đô Washinton, chuyển tải qua 1 lần tại sân bay ở Los Angeles với hơn 9 giờ bay, chúng tôi đến Hawaii- bang thứ 50 của Hoa Kỳ. Hawaii là một chuỗi gồm 135 đảo, dài 2.450km, diện tích tự nhiên 28.337 km2, dân số khoảng 1,2 triệu người, có 9 thành phố trực thuộc. Nơi đây còn là căn cứ quân sự quan trọng của Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương.
![]() |
Du khách trong tàu ngầm dưới đáy biển Wakiki. |
Qua khung cửa sổ máy bay lúc hạ cánh vào 8h tối, Hawaii hiện ra như dải ngân hà giữa Thái Bình Dương thăm thẳm. Đảo lớn đảo nhỏ về đêm điện thắp sáng như sao sa. Hawaii trước đây dùng điện chủ yếu được sản xuất từ dầu diêzen, nay đang chuyển mạnh mẽ sang dùng điện từ năng lượng mặt trời ( 50% nhu cầu điện của Hawaii được cung cấp từ pin mặt trời).
Hawaii sở hữu rất nhiều điểm du lịch tự nhiên biển đảo đặc sắc và hấp dẫn du khách, như: Lặn biển, lướt sóng, tắm nắng, thăm làng dân tộc, ngắm hoàng hôn và bình minh, thiên đường mua sắm, leo núi, ngắm núi lửa đang phun trào... Có tổng cộng 8 quần đảo lớn và mỗi lần đến Hawaii, du khách thường chỉ đủ thời gian khám phá 1-2 quần đảo.
Không thể đủ thời gian đi nhiều nơi vì muốn tranh thủ tìm hiểu được nhiều nhất, Đoàn Quảng Ninh chọn ở Honolulu- quần đảo thủ phủ và mang nhiều đặc trưng cho Hawaii. Honolulu có khu du lịch Waikiki, với bãi biển thuộc hàng nổi tiếng nhất thế giới. Số du khách đến đây bình quân 5 triệu người chiếm khoảng 70% trong tổng du khách đến bang Hawaii mỗi năm. Waikiki vốn trước đây chỉ là 1 vùng bãi đầm lầy, năm 1920 Hawaii đào kênh Ala Wai để thoát nước mưa từ núi ra biển; đất đắp lên thành khu Waikiki ngày nay. Cát trên bãi biển cũng từ nơi khác mang đến. Waikiki là từ không đến có, giống như người ta xây dựng Dubai ngày nay trên sa mạc.
Gìn giữ môi trường, hệ sinh thái nghiêm ngặt
Tôn trọng thiên nhiên và tác động ít nhất vào địa hình tự nhiên là nguyên tắc chúng tôi nhận thấy ngay ở Hawaii. Có câu chuyện đáng suy nghĩ: năm 1960 Hawaii quyết định xây dựng đường cao tốc H-3 dài 25 km kết nối căn cứ hải quân Trân Châu cảng ở phía nam với căn cứ thủy quân lục chiến ở phía đông đảo Oahu. Tuy nhiên, đến cuối những năm 1980 con đường mới được khởi công do vấp phải sự phản đối kịch liệt vì cho rằng ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, mặc dù theo thiết kế con đường chủ yếu như cầu vượt chạy trên các thung lũng, các cánh rừng. Năm 1986 sau khi tòa án phán quyết không ảnh hưởng môi trường sinh thái thì cao tốc mới được xây dựng với chi phí 1,3 tỷ USD (trung bình 80 triệu USD cho 1 km) và hoàn thành năm 1997.
Sống giữa Thái Bình Dương, nhưng Hawaii quản lý hết sức chặt chẽ hệ sinh thái biển, đặc biệt là cấm đánh bắt hải sản gần bờ trong khi hiện nay quần đảo này nhập khẩu khoảng 90% nhu cầu thực phẩm. Hawaii đóng cửa biển rồi đi nhập khẩu hải sản để tiêu dùng.
![]() |
Cây xanh được bảo tồn và chăm sóc rất kỹ tại vịnh Wakiki. |
Anh Cường- một Việt kiều sang quần đảo này sinh sống từ 1969 đi cùng đoàn chúng tôi cho biết: Hawaii chỉ cho phép dịch vụ câu cá nhưng mỗi lần 1 người chỉ được câu tối đa 3 con. Tiểu bang cấp giấy phép nhưng số lượng rất hạn chế cho tàu câu cá (chứ không phải đánh bắt), để ra đại dương câu cá phải đi xa tầm 10-25 ngày, nhưng cũng chỉ được câu một số loài cá giá trị cao như cá ngừ đại dương, cá kiếm, cá tuna. Chủ tàu không được tự bán cá mà giao cho bộ phận đấu giá tại bến cảng theo đúng qui chuẩn, nhất là yêu cầu về trọng lượng. Thành phố lớn nhất bang là Honolulu chỉ có 165 chiếc tàu câu cá đại dương.
Để bảo vệ nguồn lợi hải sản từ năm 1992 Hawaii đã cấm sử dụng lưới vét để đánh cá. Bên cạnh đó, Hawaii thành lập các khu bảo tồn sinh thái và ngày càng mở rộng qui mô, trong đó khu bảo tồn vịnh Hanauma (còn gọi là vịnh Khủng Long) từ năm 1967 đã được công nhận là khu bảo tồn với 450 sinh vật biển. Năm 2016, Hoa Kỳ mở rộng qui mô khu bảo tồn biển Thái Bình Dương (phía Tây nam Hawaii) lên 1,5 triệu km2- rộng gấp 2 lần bang Texas. Các khu bảo tồn cũng qui định chỉ cho phép số du khách được đến thăm quan bao nhiêu trong 1 ngày.
Có lẽ điều bất ngờ nhất của Đoàn công tác Quảng Ninh đến Hawaii chính là những qui định về khai thác thủy sản. Sau này, tìm hiểu thêm một số thông tin trên các diễn đàn, chúng tôi biết thêm: Theo tài liệu nghiên cứu của Trung tâm giải pháp cho đại dương của Đại học Stanford trước khi người châu Âu phát hiện ra Hawaii (thế kỷ 18) thì các nhà quản lý từng khu vực ở Hawaii đã bắt buộc thực thi các qui định về cấm đánh bắt hải sản gọi là “Kapu”. Khi người quản lý thấy ở khu vực nào cần phải cấm trong thời gian bao lâu để tái tạo nguồn lợi thì phát lệnh. “Kapu” phát ra là người dân răm rắp tuân theo, nếu không muốn chịu các hình phạt hà khắc.
Qua trò chuyện với một số người dân gốc Việt ở Hawaii chúng tôi được biết là việc chuyển đổi sang cấm đánh cá gần bờ là một quá trình khó khăn, vì liên quan đến đời sống người dân. Tuy nhiên, giữ môi trường sinh thái đã mang lại nguồn lợi lớn từ du lịch, qua đó tiểu bang tái đầu tư đảm bảo cho nhân dân bảo hiểm y tế và giáo dục miễn phí, cùng nhiều nội dung về an sinh xã hội khác.
Để đảm bảo môi trường sạch đẹp mặc dù 1 năm đón hơn 8 triệu lượt khách, Hawaii còn đưa chương trình giáo dục giữ gìn môi trường vào trường học cho học sinh.
Ấn tượng đô thị và những sản phẩm du lịch ý nghĩa
Đoàn chúng tôi có 3 ngày ở Hawaii để tìm hiểu những vấn đề thực tế cần phải quan tâm. Sáng ngày đầu tiên là quyết định phải xem về qui hoạch, đô thị, xây dựng, hạ tầng. Về mặt địa hình Hawaii tựa như Hạ Long và Vân Đồn. Các khu dân cư được quy hoạch và xây dựng bám theo toàn bộ các sườn đồi, sườn núi. Hawaii không cho hạ thấp núi và san gạt đồi. Tất cả mọi căn nhà của dân đều chỉ cao không được quá 20 mét. Riêng các qui định này chúng tôi thấy rất đáng lưu tâm để xem xét học tập.
![]() |
Vịnh Khủng Long nơi bảo tồn được 450 loài hải sản. |
Về giao thông đáng chú ý nhất là 8 đảo lớn của Hawaii đảo nào cũng có sân bay. Việc đi lại giữa các đảo ngoài sân bay còn có các tàu thủy nên rất thuận tiện. Diện tích cây xanh chiếm chủ yếu trong đô thị. Nơi đâu cũng sạch sẽ, gọn gàng xanh mướt.
Ngày thứ 2 ở Hawaii, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đồng ý cho cả đoàn đi một tua tàu ngầm xuống đáy biển vùng biển waikiki. Chúng tôi ai cũng rất mong được tận mắt thấy đáy biển.
Với 18,35 USD cho một người trong 1 lần lặn kéo dài khoảng 60 phút, chúng tôi lần lượt xếp hàng với háo hức sẽ thấy tôm cá đầy đàn. Mới nửa buổi sáng mà đã chừng hơn 100 du khách đang chờ. Sau gần 1 giờ cũng đến lượt chúng tôi. Chiếc tàu ngầm từ từ lặn xuống đáy biển trong khi phía trên mặt biển khá đông du khách vẫn đang lướt sóng.
Sự hồi hộp ban đầu khi tàu ngầm Atlantics chìm sâu xuống biển cũng dần tan và nhường chỗ cho sự thất vọng một chút. Khắp đáy biển chỉ có màu trắng của cát sỏi. Cá tôm không thấy, rong rêu cũng không. Lâu lâu mới thấy xác một chiếc máy bay rơi, tiếp theo là xác một chiếc tàu bị đắm, tiếp nữa là những chiếc lồng đan vào nhau có lẽ người ta thả xuống. Ở những chỗ này thì cá rất nhiều.
1 giờ dưới đáy biển, sống giữa cảm giác hoang mang khi thấy đáy biển trống rỗng, và cảm giác sinh sôi khi thấy các loài hải sản tung tăng trong những xác tàu. Có lẽ đây là hình ảnh thuyết phục hơn cả những bài tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
Chúng tôi cũng đến thăm được vịnh Khủng Long- đứng từ cao nhìn xuống rõ đến tận đáy biển. Sau đó cả Đoàn đi thăm đỉnh gió hú Pali Lookout. Đường lên đỉnh núi quanh co qua những khu rừng tự nhiên có nhiều cây to lớn hai bên đường. Trên đỉnh núi người ta xây dựng bãi để xe và một nơi như ban công rộng để ngắm toàn cảnh một phần của Honolulu. Du khách thưởng thức không khí trong vắt cùng làn gió hút từ thung lũng lên.
Chúng tôi rất tiếc chỉ đến gần mà không được đi thăm Trân Châu Cảng. Hôm đó là một ngày đặc biệt vì mưa quá to, địa điểm thăm lại nằm trên biển. Ở Hawaii rất hiếm ngày mưa gió như vậy. Nói chung lại ở Hawaii người ta phát huy mọi tiềm năng để tạo thành các sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ du khách. Có thể vì có khu du lịch Trân Châu Cảng mà du khách Nhật bản đến Hawaii mỗi năm khoảng gần 3 triệu người.
Trân Châu Cảng - nơi bi hùng ghi dấu trận đánh lịch sử của quân đội Nhật tấn công hạm đội Trân Châu Cảng của Hoa Kỳ khiến 2.345 quân nhân Hoa Kỳ thiệt mạng, 1.247 quân nhân bị thương, hơn 300 máy bay Hoa Kỳ bị tiêu diệt hoặc hư hại, 2 tàu khu trục bị đánh chìm, trong đó khu trục lớn Arizona nhất mang theo hơn 1.700 thủy thủ và quân nhân vĩnh viễn nằm dưới đáy biển, cho đến nay dầu từ khu trục này vẫn mỗi ngày nổi lên mặt biển.
Đặc sản Hawaii không phải là hải sản
Cơ bản, du khách đi Hạ Long đều được dặn mua hải sản về làm quà. Người Hạ Long đi đâu thường cũng mang hải sản đi làm quà.
Đến Hawaii vẫn nghĩ vậy thì thật lầm tưởng. Đặc sản của Hawaii là rất nhiều các sản phẩm nông nghiệp: hạt mắc ca (diện tích trồng 7400ha), cafe (khoảng 10.000ha), đu đủ, dứa, khoai lang mật và nhiều thực phẩm chức năng chiết xuất từ cây bản địa...
![]() |
Một góc Honolulu về đêm. |
Chúng tôi được giới thiệu một sản phẩm chiết xuất tinh chất giải độc cơ thể từ quả nhàu - người giới thiệu nói nó rất tốt cho sức khỏe qua dẫn dắt một câu chuyện về một nhóm bác sĩ đã khám phá ra: Vì ăn quả nhàu mà cư dân Hawaii luôn mạnh khỏe, trẻ trung, tràn đầy năng lượng. Từ đó họ đã chưng cất quả nhàu thành nhiều sản phẩm với giá hơn 500.000/lọ.
Mấy anh em trong Đoàn phát hiện ra ngay “quả nhàu Quảng Ninh đầy”. Nhưng tiếc là chỉ để ngâm rượu mà chưa ai để ý để chế biến thành thực phẩm chức năng. Hawaii phát triển mạnh mẽ các đặc sản nông nghiệp địa phương phục vụ du khách mua về. Tại sân bay Honolulu, nhiều quầy hàng bán hạt mắc ca, cafe, thực phẩm chức năng... Có thể nói, hàng hóa ở Hawaii sản xuất đều mang giá trị gia tăng lớn, giống như Quảng Ninh đang phát triển các sản phẩm OCOP hiện nay.
Bên cạnh nền nông nghiệp công nghệ sinh học, Hawaii phát triển hệ thống các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại gần như phủ kín các đảo.
Điều đặc biệt mà Hawaii không giống các bang còn lại là có rất nhiều các cửa hàng bán lẻ hàng hóa cho du khách trên đường phố và trong các trung tâm du lịch. Bên cạnh đó, Có nhiều trung tâm mua sắm từ mấy chục cửa hàng đến lớn nhất là trung tâm Ala Moana. Chúng tôi đã đến trung tâm mua sắm ngoài trời này và ban đầu ai cũng chưa định hình nổi mình đang ở vị trí nào của ốc đảo mua sắm này. Mỗi tầng đều có sơ đồ chỉ dẫn hệ thống và nhóm các ngành hàng. Trung tâm này có 340 cửa hàng từ bán những đặc sản địa phương hàng hóa thông dụng nhất đến các thương hiệu hàng đầu thế giới. Trung tâm này luôn được xếp hạng trong số 10 trung tâm mua sắm thành công nhất Hoa Kỳ. Trung bình 1 năm có 48 triệu lượt người mua sắm tại đây và tạo ra doanh thu khoảng 1,2 tỷ USD.
![]() |
Một khu dân cư đặc trung ở Hawaii. |
Chính sách đánh thuế VAT của Mỹ có thể nói là đã giúp cho Hawaii phát triển rất tốt loại hình du lịch mua sắm. Trong 50 bang của Mỹ, có 5 bang gần như mức thuế VAT bằng 0; còn lại từ 5,34 đến 10%. Riêng Hawaii chỉ có 4,35%, do đó du khách đến đây đều tranh thủ mua nhiều hàng về. Việc đánh thuế cho người tiêu dùng cũng hết sức minh bạch, không lẫn vào giá bán hàng hóa. Ví dụ như du khách phải trả 18% thuế phục vụ cho 1 bữa ăn sáng tự chọn tại khách sạn Kahala và số tiền này được cộng vào hóa đơn rõ ràng.
Chúng tôi rời Hawaii trên chiếc xe 16 chỗ chỉ đủ chở thành viên trong đoàn. Vali đồ dùng chở một xe khác. Mặc dù là “thiên đường du lịch” của thế giới nhưng Hawaii vẫn có các qui định riêng như không cho xe du lịch vượt quá 16 chỗ hoạt động là ví dụ. Thậm chí tại khách sạn Kahala - nơi đoàn lưu trú, xe 16 chỗ không được vào tận sảnh mà du khách phải đi bộ vào sảnh. Đây là khách sạn mà tổng thống Obama mỗi khi về Hawaii- nơi ông sinh ra và lớn lên- đều ở đó. Chúng tôi rất vui vẻ vì người lễ tân cho biết: Khách sạn xây dựng từ 1964 và từ đó luôn duy trì nhiều qui định để đảm bảo sự bình yên và an toàn nhất cho mọi du khách khi đã bước chân vào sảnh Kahala.
Hawaii với hơn 1,2 triệu dân nhưng mỗi năm đón khoảng 8,6 triệu lượt du khách, doanh thu từ du lịch trên 15 tỷ USD.
Tạm biệt Hawaii ai trong chúng tôi đều thấy mặc dù thời gian cho chuyến công tác ngắn, song những điều học được là rất nhiều và vô cùng giá trị, qua đó xem xét để triển khai ở quê hương Quảng Ninh, đặc biệt là yêu cầu và đòi hỏi bức thiết về đảm bảo vệ sinh môi trường, không khói bụi, rác thải, cảnh quan đẹp đẽ; giữ gìn và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, các nguồn lợi thủy hải; phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc thù tầm cỡ và nhất là xây dựng cho được nét đẹp văn hóa con người Quảng Ninh.
Trong ánh mắt mỗi thành viên Đoàn công tác đều giữ những quyết tâm, nhất là các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Con đường đi đến thành công dù rất dài và khó khăn song nhất định phải bắt đầu, như những gì Quảng Ninh đang quyết liệt triển khai.
Thảo Nguyên
Ý kiến ()