Dù cảng biển Quảng Ninh có nhiều lợi thế cạnh tranh, tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, đến nay những lợi thế này vẫn ở mức tiềm năng nhiều hơn. Điều này có thể thấy rõ khi hầu hết cảng biển của tỉnh vẫn trong tình trạng dư thừa năng lực, giá trị khai thác còn ở mức khiêm tốn do thiếu nguồn hàng. Cảng biển được xác định có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, sau khi định vị và thí điểm một số giải pháp, Quảng Ninh "bắt mạch" những thách thức để tiến tới hành trình xây dựng kế hoạch phát triển cảng biển dài hơi.
Nhận diện những thách thức
Có thể thấy, cơ hội mới của cảng biển Quảng Ninh đã bắt đầu, tuy nhiên để nắm bắt tốt cơ hội này không phải là điều dễ dàng. Bởi, dù đã đưa hệ thống cảng của Quảng Ninh vào lộ trình vận tải hàng hóa kết nối với các cảng biển lớn tại khu vực châu Á, nhưng theo đại diện một số hãng vận tải biển, giai đoạn này đang thử nghiệm.
Ông Đinh Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Cảng Quảng Ninh đánh giá: Sức cạnh tranh của cảng biển Quảng Ninh còn yếu với khá nhiều lý do. Đó là, dù hạ tầng giao thông kết nối đến các cảng, cụm cảng được đầu tư mạnh mẽ, tuy nhiên đến nay vẫn trong giai đoạn chuẩn bị hoàn thiện; hệ thống đường sắt kết nối cảng Cái Lân với các tỉnh, thành phố phía Bắc vẫn còn dang dở, khổ đường không phù hợp kéo dài cả chục năm nay.
Điều này dẫn đến, khoảng cách từ cảng ở Quảng Ninh đi các tỉnh phía Bắc có quãng đường dài hơn so với việc xuất phát từ TP Hải Phòng. Thời gian qua, dù Quảng Ninh có lợi thế khi các tàu trọng tải lớn chọn cảng Cái Lân làm hàng, đưa tới giá trị thuế thu cao, tuy nhiên hạ tầng bến bãi lại chưa đáp ứng đủ, khiến chi phí vận tải nội địa tăng cao, làm nản lòng các hãng tàu, chủ hàng.
Một số quan điểm khác lại cho rằng, cạnh tranh kém là do công tác quảng bá thương hiệu cảng biển Quảng Ninh còn yếu và thiếu. Các hãng tàu và chủ hàng nước ngoài còn chưa biết nhiều về hệ thống cảng biển của Quảng Ninh. Trong khi đó, tại hệ thống cảng láng giếng là TP Hải Phòng, thương hiệu cảng, bến bãi an toàn và các dịch vụ sau cảng đã được xây dựng từ khá sớm, hình ảnh cảng biển duy nhất vùng Đông Bắc Việt Nam đã được TP Hải Phòng quảng bá tương đối sắc nét. Do vậy, khi mở các tờ khai, đơn hàng, chủ hàng thường lựa chọn Hải Phòng để đưa tàu đến.
Để phát triển cảng biển, logistics là yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định đến năng lực cạnh tranh của các cảng. Song tại Quảng Ninh, logistics mới chỉ dừng lại ở việc làm đại lý tàu biển, dịch vụ lai dắt hỗ trợ, cung ứng một số dịch vụ đơn giản. Trong khi các dịch vụ đòi hỏi công nghệ cao như sửa chữa, bảo dưỡng tàu, lặn ngầm khảo sát thân vỏ và siêu âm kiểm tra hàng hóa thay vì phải mở khóa niêm phong container đều phải nhờ vào dịch vụ từ Hải Phòng. Thêm nữa, các đơn vị khai thác quản lý cảng còn chưa thực sự quan tâm đến hệ thống luồng lạch, nâng cấp, cải tạo cảng bến...
Container qua cảng Cái Lân do cảng là lựa chọn phù hợp đối với các tàu trên 5.000 Teus, trong khi các cảng của Hải Phòng trước đây chỉ có thể tiếp nhận tàu có sức chở dưới 1.500 Teus. |
Quảng Ninh đang phát huy lợi thế cảng nước sâu, thu hút được tàu quốc tế trọng tải lớn đến làm hàng thời gian qua. Tuy nhiên, lý do là bởi các cảng của Hải Phòng trước đây chưa thể tiếp nhận được tàu chở container cỡ lớn theo xu hướng vận tải đường biển mới (chỉ có thể tiếp nhận tàu có sức chở dưới 1.500 Teus), vì thế cảng Cái Lân trở thành lựa chọn phù hợp đối với các tàu trên 5.000 Teus.
Có điều, các tàu cỡ lớn kết nối nhiều nước qua cảng Cái Lân mới chỉ có hàng nhập về, thực hiện bốc dỡ và chuyển tải. Trong khi nguồn hàng quay đầu để xuất sang các nước trong lộ trình chưa có. Vì thiếu nguồn hàng lưu thông chiều ngược lại, do đó chi phí vận chuyển tăng cao, điều này khiến các hãng tàu và chủ hàng khá e ngại khi chọn cảng Quảng Ninh để ghé qua.
Cũng vì lý do đó, một số chủ hàng vẫn chỉ coi việc làm hàng tại cảng biển Quảng Ninh là thử nghiệm, do là nơi duy nhất tiếp nhận được các tàu trên 5.000 Teus. Một khi đã có sự lựa chọn, việc duy trì mối hàng là thách thức không nhỏ.
Hoạt động nhập khẩu ô tô về Việt Nam tại cảng Cái Lân trước đây. |
Bài học kinh nghiệm trước đây đã có, sau 5 năm hoạt động nhập khẩu ô tô về Việt Nam tại cảng Cái Lân, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh từ thuế, thì tháng 10/2016 hãng tàu Kline và Công ty TNHH NYK Việt Nam đã quyết định chuyển việc vận chuyển ô tô sang cảng Hải Phòng. Nguyên nhân là do những tồn tại như đã nêu trên, đồng thời còn do cảng chưa phân khu chức năng, thiếu bãi đỗ xe làm hàng đã khiến việc trung chuyển hàng hoá bị tắc nghẽn; thiếu các thiết bị kiểm tra chuyên ngành, nên việc kiểm tra chưa đồng bộ, hiệu quả...
Còn tại các cụm cảng khác, như khu vực Vạn Gia, dù có vị trí địa lý thuận lợi, tàu thuyền ra, vào tăng, tuy nhiên chủ yếu vẫn là phương tiện thủy nội địa và phương tiện nhỏ của Trung Quốc dưới 200DWT nhập, xuất cảnh và các mặt hàng vận chuyển chủ yếu là rượu, thuốc lá, đồ đông lạnh, xỉ than.
Đối với khu vực cụm cảng Cẩm Phả, do đặc thù các bến cảng tại khu vực là đầu mối vận chuyển các mặt hàng chiến lược của Chính phủ, như xi măng, than, do đó năm 2017 thực hiện chính sách an ninh năng lượng, sản lượng than, xi măng xuất khẩu giảm. Ngoài ra, diễn biến bất lợi về thời tiết đã làm thời gian tàu neo đậu, hủy chuyến tại khu vực này tăng, ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải.
Hoạt động hàng hải khu vực Quảng Yên cũng gặp khó khăn do luồng hàng hải vào khu vực Nhà máy Sửa chữa tàu biển Nosco Vinalines chưa được khơi thông, nạo vét và mở rộng độ sâu phù hợp, nên các nhà đầu tư còn dè dặt.
Hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế cảng biển
Kịch bản phát triển kinh tế của Quảng Ninh, phấn đấu đến năm 2020, ngành dịch vụ đứng đầu trong cơ cấu kinh tế dịch vụ cảng biển là thế mạnh. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đã sớm rà soát, quy hoạch và có định hướng "dài hơi" cho phát triển. Trong đó, xác định cảng biển gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp để khai thác theo chiều sâu, Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics khu vực phía Bắc.
Với thế mạnh đặc biệt về kinh tế biển và nằm trong cụm cảng trọng điểm phía Bắc, được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong 5 khu vực cảng biển lớn của cả nước, Quảng Ninh tập trung phát triển hoàn thiện hệ thống cảng biển. Trọng tâm phát triển cảng biển Quảng Ninh là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực gồm 4 khu bến (Cái Lân, Cẩm Phả, Yên Hưng, Hải Hà), 6 bến cảng (Hòn Gai, Vạn Gia, Mũi Chùa, Vân Đồn, Vạn Hoa, Cô Tô), các bến phao và khu neo đậu chuyển tải với hệ thống dịch vụ hậu cần cảng biển đồng bộ.
Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2016, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai đang được đầu tư xây dựng và sẽ hoàn thành trong tháng 6/2018. |
Trong đó, Cái Lân sẽ là khu bến chính của cảng biển Quảng Ninh, gồm các bến cảng tổng hợp và container, các bến chuyên dụng, tập trung duy trì khai thác cho tàu tổng hợp đến 50.000 tấn, tàu container đến 4.000 Teus, năng lực thông qua đạt khoảng 25-33 triệu tấn/năm vào năm 2020 và khoảng 35-40 triệu tấn/năm vào năm 2030. Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai sau khi đầu tư hoàn thành, dự kiến vào tháng 6 sẽ tiếp nhận tàu khách du lịch Bắc - Nam, tàu khách quốc tế có trọng tải từ 100.000-225.000GT.
Các khu bến Cẩm Phả, Hải Hà, Vạn Gia, Mũi Chùa... tiếp tục là khu bến cảng chuyên dùng, có bến làm hàng tổng hợp, container và bến chuyên dụng cho hàng lỏng. Riêng khu bến Tiền Phong - Đầm Nhà Mạc sẽ là tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp gồm các bến tổng hợp, chuyên dụng phục vụ trực tiếp khu công nghiệp sau cảng, trung tâm logistics cảng biển của tỉnh.
Đối với các bến phao, khu neo đậu chuyển tải tiếp tục đầu tư theo hướng công năng, hiện đại thông qua việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển đầu tư thành cảng. Được biết, đầu tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh đã chính thức chấp thuận cho liên danh 3 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí nghiên cứu ý tưởng đầu tư cảng nước sâu Con Ong - Hòn Nét, đáp ứng nhu cầu làm hàng cho tàu từ 50.000-120.000 tấn hoặc lớn hơn.
Tàu vận tải làm hàng tại khu neo đậu Hòn Nét. |
Hiện tại, để gắn kết chặt chẽ các khu kinh tế, khu công nghiệp với cảng biển, Quảng Ninh đã sớm công bố quy hoạch mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đảm bảo kết nối liên hoàn với mạng lưới giao thông quốc gia, liên vận quốc tế.
Quy hoạch khu công nghiệp ven biển gắn với kết nối giao thông sau cảng để tận dụng được ưu thế về luồng chạy tàu có độ sâu đảm bảo, nâng cao hiệu quả việc sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu tại chỗ.
Đồng thời, mở rộng cơ chế thông thoáng và tạo điều kiện tối đa để thu hút các nhà đầu tư chiến lược tiếp tục đầu tư, hoàn chỉnh các dự án: Cụm cảng Cái Lân, Hải Hà, Vạn Gia, Mũi Chùa và Tiền Phong - Đầm Nhà Mạc; tháo gỡ bất cập, thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, nhất là các loại hình dịch vụ đại lý hàng hải, cung ứng thiết bị tàu biển, sửa chữa và đóng mới tàu, cho thuê bến bãi và ứng dụng công nghệ mới tận dụng được nhu cầu kho bãi, hậu cần vốn đang quá tải tại Hải Phòng; đề xuất Bộ GT-VT hoàn thiện tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân theo dự án đã được phê duyệt. Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt nối Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Lạng Sơn - Mũi Chùa; Uông Bí - Tiền Phong (nối sang Lạch Huyện, Hải Phòng)...
Quy hoạch đầu tư, phát triển khu bến Tiền Phong - Đầm Nhà Mạc là tổ hợp cảng biển phục vụ trực tiếp khu công nghiệp sau cảng, trung tâm logistics cảng biển của Quảng Ninh. |
Quảng Ninh cũng triển khai các chính sách hỗ trợ bền vững, lâu dài cho các chủ tàu, chủ hàng và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ khi lựa chọn khu vực cảng biển Quảng Ninh để làm hàng. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các chủ cảng, bến trong việc tìm kiếm đối tác là các hãng tàu, chủ hàng thông qua việc quảng bá thương hiệu cảng biển Quảng Ninh đến với các hãng tàu, công ty kinh doanh logistics. Tỉnh cũng sẽ xây dựng cơ chế giám sát chất lượng hoạt động dịch vụ cảng biển và khuyến khích các doanh nghiệp cùng ngành nghề tham gia hiệp hội để hỗ trợ, giúp nhau phát triển, hướng tới tổ chức các chương trình xúc tiến, thu hút nguồn hàng bằng những lợi thế cạnh tranh...
Với quyết tâm của tỉnh, trong tương lai gần, các cảng biển của Quảng Ninh sớm giải quyết được những khó khăn, bất cập thực hiện được mục tiêu từng bước đưa kinh tế hàng hải là mũi nhọn trong các lĩnh vực kinh tế biển.
Đỗ Phương
Ý kiến ()