Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:07 (GMT +7)
Bài 2: "Nhà nước định hướng, doanh nghiệp, cá nhân có điều kiện sẽ trực tiếp phát triển các sản phẩm du lịch"
Thứ 7, 05/07/2014 | 05:19:51 [GMT +7] A A
Ở bài trước đã đề cập đến thực trạng đơn điệu của sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long hiện nay. Điều này dẫn đến sự hạn chế trong doanh thu du lịch, quảng bá di sản - kỳ quan. Để bạn đọc có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Ninh đã phỏng vấn bà Phạm Thuỳ Dương, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cơ quan được tỉnh giao chủ trì xây dựng phương án phát triển các sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Cho đến nay, một trong các sản phẩm du lịch đã và đang được nhiều du khách quốc tế lựa chọn khi đến Vịnh Hạ Long là chèo thuyền kayak. Ảnh: Đại Dương |
- Thưa bà, hiện có không ít ý kiến cho rằng những sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long còn đơn điệu, chỉ là lên thuyền - ra Vịnh - vào hang - ra biển - vào bờ. Vậy các sản phẩm du lịch trên Vịnh theo phương án mà Ban đang xây dựng sẽ tính đến sự đa dạng, hấp dẫn?
+ Phát triển sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long là căn cứ vào tiềm năng, nguồn tài nguyên sẵn có, theo đặc thù riêng của di sản này. Khi xây dựng sản phẩm du lịch trên Vịnh thì sự quan tâm đầu tiên của chúng tôi là phải củng cố, sắp xếp lại những sản phẩm cũ, vì ngay những sản phẩm này du khách cũng chưa tiếp cận được hết. Họ chủ yếu là đi tham quan các giá trị tự nhiên về cảnh quan, giá trị thẩm mỹ, địa chất và tham quan hang động, còn giá trị về văn hoá, đa dạng sinh học, hay đi sâu vào giá trị địa chất địa mạo thì còn rất hiếm.
Bên cạnh đó, cũng phải khẳng định, thời gian qua chúng ta chưa quan tâm đầu tư các sản phẩm du lịch đúng nghĩa, tức là mới dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn để phát triển du lịch, còn đầu tư để cho khách du lịch đến ăn, ngủ, nghỉ, giải trí trên Vịnh Hạ Long thì chưa làm được. Vì vậy, khi xây dựng sản phẩm du lịch, chúng tôi sẽ căn cứ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển lên, bên cạnh đó phải làm công tác tuyên truyền để đưa sản phẩm đó đến với du khách. Như với du lịch làng chài, sản phẩm tham quan, trải nghiệm với ngư dân làng chài đã có ở một số nơi, một số tour nhưng chưa đi vào nề nếp, khâu quảng bá cũng chưa “đến nơi đến chốn”. Khách du lịch đến với Vịnh Hạ Long bây giờ hầu như đi theo các tour, tuyến đã định sẵn, thời gian dành cho Vịnh cũng chưa nhiều, chỉ khoảng 4-6 tiếng. Thực tế, để trải nghiệm hết, khám phá tốt nhất du khách cần đến 1 ngày 1 đêm hoặc 2 ngày 1 đêm hoặc từ 2 đêm trở lên, nhưng họ lại chưa được tiếp cận đầy đủ, truyền thông đến tận nơi.
Nhiều du khách có nhu cầu muốn lên các hang động trên Vịnh để dự một buổi tiệc đêm hay ăn một bữa tự chọn ở bãi cát thì chúng ta lại đang giới hạn về giờ tàu hoạt động trên Vịnh. Nếu như 7 giờ tối, khách bắt buộc phải về tàu rồi thì các trải nghiệm ban đêm ở hang động đương nhiên không làm được. Vì vậy, khi Ban xây dựng các sản phẩm tương tự cũng mong tỉnh điều chỉnh lại một số quy định để mở rộng không gian, thời gian ra thì mới giúp du khách tiếp cận được với sản phẩm đó.
Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long Phạm Thuỳ Dương. |
- Ý tưởng khai thác giá trị văn hoá, trong đó có sản phẩm du lịch làng chài trên Vịnh Hạ Long hiện cũng có nhiều sự e ngại, lo lắng khi mà các làng chài không còn người sinh sống, ngư dân đã lên bờ định cư theo chủ trương của tỉnh. Vậy sản phẩm mà Ban đang xây dựng làm sao để khả thi?
+ Đây là vấn đề mà những người quản lý, kinh doanh du lịch nói chung, Ban nói riêng cũng rất trăn trở. Một làng chài đang sống động, thu hút du khách, giờ là một làng chài sau di dời không còn dân nữa thì làm thế nào để phát triển du lịch? Du khách đến đây là muốn nhìn thấy sự sống, nhìn thấy các lớp học, thấy các em học sinh, người già, thấy cách họ nấu cơm, đánh cá... giờ tất cả các hoạt động ấy không còn. Quan điểm của chúng tôi là tôn trọng khuyến nghị của UNESCO là phải giảm và dừng lại việc phát triển cơ học dân số trên Vịnh Hạ Long, mà người ta quan ngại nhất ở các làng chài. Khi ngư dân sống ở các làng chài, bên cạnh việc đem lại giá trị văn hoá lâu đời thì cũng tác động đến di sản, ảnh hưởng đến môi trường.
Di dân lên bờ là giải pháp rất khả quan cho vấn đề môi trường, nhưng làm thế nào để vẫn phát huy được giá trị văn hoá ấy cho phát triển du lịch Vịnh Hạ Long cần rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hoá vào cuộc. Trước mắt, BQL Vịnh Hạ Long sẽ bảo tồn, giữ lại những gì nguyên sơ của nhà bè trên Vịnh. Nhiều nhà nghiên cứu khoa học đánh giá cao về các làng chài trên Vịnh, như Cửa Vạn là một làng chài nổi rất đặc biệt trong hệ thống các làng chài trên thế giới, không riêng ở Việt Nam. Không phải là chúng ta diễn kịch, hay xây dựng lại một sản phẩm du lịch mượn những người không phải là ngư dân đến đây để phát triển nó. Chúng tôi sẽ sử dụng chính những ngư dân của Vịnh để đánh bắt cá, nuôi trồng thuỷ sản và đón tiếp, phục vụ khách tham quan làng chài. Bởi vì, người dân chài dù có lên bờ định cư thì họ vẫn gắn với biển, vẫn phải làm nghề, chúng tôi vẫn cần họ để đón tiếp khách du lịch và bảo tồn di sản.
Như vậy, đó không phải là làng chài tĩnh mà vẫn có người, vẫn có sự sống; những nét văn hoá của ngư dân vẫn được khách du lịch tiếp cận từ chính ngư dân của làng chài. Tất nhiên, làng chài cũng sẽ mất đi tiếng nói, hình ảnh của những lớp học, của các em học sinh, những người già, vì mọi người đã được đưa lên bờ để được hưởng sự chăm sóc về giáo dục, y tế tốt hơn.
Tàu du lịch đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long. |
- Cứ cho là những nét sinh hoạt đời thường của ngư dân được duy trì thì đời sống văn hoá tâm linh, rồi làng chài cổ sẽ được giới thiệu đến du khách thế nào?
+ Trên Vịnh hiện có một số đền thờ, lễ hội truyền thống, nếu người dân không sống trên Vịnh thì đến ngày lễ hội, các lễ tiết, họ vẫn về khu vực đó để tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng, tâm linh. Chúng tôi có xây dựng những sản phẩm du lịch gắn với việc đó, vào những thời điểm nhất định gắn với lễ hội. Những điệu hò, câu hát của ngư dân cũng đang được chúng tôi xây dựng lại để trở thành sản phẩm du lịch, do chính những nghệ nhân, con em của làng chài biểu diễn, đón tiếp khách du lịch. Các em sẽ là người nối đời truyền lại cho đời sau nữa. Còn như tập tục thờ cúng, nghề truyền thống, kinh nghiệm dân gian trong chữa bệnh… của bà con thì sẽ phải mô hình hoá, sử dụng ảnh để mô tả lại, chụp lại để trưng bày cho du khách đến tham quan, tìm hiểu. Các làng chài xa xưa chỉ khác nay là ngư dân sống trên thuyền, thuyền là nhà, đến gần đây họ mới đóng bè để ở trên vịnh. Những mô hình thuyền kiểu cũ đó nay đã được dựng lại, trưng bày ở Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn cho du khách đến xem.
- Với quy mô, sự đa dạng và với thực tế hiện nay của Vịnh Hạ Long thì những sản phẩm đó chỉ có cơ quan nhà nước thực hiện, liệu có làm được không?
+ Quan điểm của chúng tôi khi xây dựng các sản phẩm này là Nhà nước chỉ định hướng chứ không trực tiếp làm, mà để cho các doanh nghiệp, cá nhân có khả năng, kinh nghiệm làm, có vậy sản phẩm du lịch mới phong phú. Chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước, chứ chúng tôi không trực tiếp làm du lịch. Chúng tôi xây dựng phương án phát triển các sản phẩm du lịch trên Vịnh cũng nhằm mục tiêu quản lý tốt hơn, từ đó mới có thể làm tốt công tác bảo tồn. Bảo tồn cũng là để phát huy, phát triển những lợi thế của Vịnh Hạ Long, từ đó quay lại ủng hộ cho công tác bảo tồn trên Vịnh Hạ Long.
- Theo bà, xây dựng các sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long bây giờ khó nhất là vấn đề gì và làm sao để tháo gỡ những khó khăn đó?
+ Đó là cơ chế, chính sách, sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền. Tỉnh phải cho cơ chế thì chúng tôi mới làm được vì có rất nhiều sự ràng buộc, như BQL Vịnh được giao quản lý về Vịnh Hạ Long, nhưng liệu có được phép ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để cho họ vào phát triển các sản phẩm du lịch này trên Vịnh Hạ Long? Phương án này sau khi UBND tỉnh phê duyệt, đề nghị tỉnh giao quyền cho chúng tôi là cơ quan đầu mối quản lý để có sự thống nhất.
Thứ nữa là cần nâng cao hơn vai trò của cơ quan quản lý trực tiếp di sản này bằng quy chế quản lý Vịnh Hạ Long. Theo đó, dù có cấp, ngành, địa phương nào khi cấp phép cho các hoạt động du lịch trên Vịnh cũng cần lấy ý kiến của đơn vị quản lý. Bởi, Ban làm công tác bảo tồn, được tiếp cận với Trung tâm Di sản thế giới, khi phát triển trong vùng lõi di sản, chúng tôi biết rõ hơn hết cái gì được phép làm, cái gì không. Khi ấy, các ngành, đơn vị mới đồng ý cấp phép cho họ làm, đặc biệt trong vùng lõi di sản. Có như vậy thì chúng ta mới bảo tồn, phát huy tốt được di sản Vịnh Hạ Long.
- Xin cảm ơn bà!
Phan Hằng - Thu Hương (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()