Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:59 (GMT +7)
Tái định vị hình ảnh Bình Phước Bài 2: Xây dựng thương hiệu từ văn hoá
Thứ 5, 09/11/2023 | 15:42:31 [GMT +7] A A
Ngày nay, thương hiệu không chỉ phổ biến trong lĩnh vực marketing, kinh doanh, là yếu tố thu hút khách hàng và góp phần mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Thương hiệu còn là tài sản của mỗi địa phương, mỗi quốc gia trong hành trình hội nhập quốc tế. Và khi lựa chọn xây dựng thương hiệu từ văn hóa, từ bản sắc riêng có của địa phương mình, những cảm xúc tốt đẹp sẽ được tạo ra...
Tại Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước lần thứ I năm 2023, tổ chức tháng 8 vừa qua, các chuyên gia chỉ ra, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sự đa dạng dân tộc ở tỉnh Bình Phước là một tài nguyên văn hóa quý giá. Vậy, liệu Bình Phước có thể tự quảng bá cho mình bằng chính thế mạnh này?
Cầu nối du lịch
So với các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ, Bình Phước không có quá nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Ngoài khoảng cách khá xa so với TP. Hồ Chí Minh, hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, ngành du lịch Bình Phước chưa tạo ra được các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt, có sức cạnh tranh cao để trở thành điểm nhấn thu hút du khách. Tuy nhiên, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch Bình Phước bắt buộc phải tự tìm cơ hội để “cất cánh”.
Nhấn mạnh phát triển du lịch là một trong các phương thức chuyển hóa nguồn lực văn hóa thành các giá trị kinh tế, xã hội một cách hiệu quả hiện nay, GS,TS Phan Thị Thu Hiền, giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Bình Phước có thể khai thác nguồn lực tổng hợp tự nhiên - sinh thái và nhân văn để quảng bá thương hiệu du lịch. Các tiêu điểm chính được chỉ ra là thế Tam long hội tụ (hồ Thác Mơ, hồ Cần Đơn, hồ Phú Riềng), cụm thắng cảnh Núi Bà Rá - Thác Mơ, cụm di tích thành đất hình tròn Lộc Ninh, cụm các di tích lịch sử gắn với đường mòn Hồ Chí Minh, sóc Bom Bo, tri thức bản địa các dân tộc S’tiêng, M’nông, Tày, Nùng...
Không chỉ có các dân tộc S’tiêng, M’nông, Tày, Nùng, sau tái lập tỉnh, đất Bình Phước bao dung chào đón những người con từ khắp mọi nơi về sinh sống, lập nghiệp. Theo chân những người dân di cư, là những giá trị văn hóa được mang theo và bén rễ trên vùng đất mới. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống với những nét văn hóa đặc sắc. Trong đó, tỉnh có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là tài sản vô giá của cộng đồng người Kinh, S’tiêng, Khmer và M’nông (gồm kỹ thuật chế biến rượu cần, Lễ hội Miếu Bà Rá, Lễ hội Phá bàu, Lễ hội Cầu bông, nghề dệt thổ cẩm, nghề đan gùi...). Đây là vốn quý để đầu tư phát triển thành những sản phẩm du lịch, mở rộng hoạt động lễ hội thu hút du khách.
Chưa kể, Bình Phước còn có hệ thống di tích, các công trình kiến trúc cổ, đình, chùa, nhà thờ và các di chỉ đất đắp dạng tròn phù hợp cho loại hình du lịch về nguồn, khám phá. Bình Phước cũng là một trong những nơi có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch sinh thái - xu hướng du lịch của thế giới hiện nay. Du lịch sẽ trở thành cầu nối mảnh đất Bình Phước với những địa phương khác trong cả nước và cầu nối này sẽ càng vững chắc hơn khi có thương hiệu.
Mỗi người là một đại sứ
Văn hóa phải được lan tỏa và trở thành sức mạnh mềm để định vị hình ảnh một đất nước, một địa phương. Muốn vậy, mỗi người dân Bình Phước nói chung, mỗi người công tác trong ngành văn hóa nói riêng phải là những đại sứ.
Ca sĩ Tú Trinh đã từng là khách mời giao lưu trong chương trình Chuyển động V-biz ngày 28-8-2023 của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước. Tại chương trình, cô tự hào chia sẻ việc chọn trang phục dân tộc S’tiêng thi Người đẹp du lịch trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu thế giới Việt Nam 2023 chính là “cơ hội để Tú Trinh được giới thiệu về quê hương mình. Trinh tự hào khi mọi người biết đến địa danh sóc Bom Bo, Vườn quốc gia Bù Gia Mập là của Bình Phước”. Cũng như khi ca khúc “Bình Phước nỗi nhớ gọi tên” đầy chất thơ của nhạc sĩ Ngô Minh Tài qua phần thể hiện của Tú Trinh vang lên, đã gợi trong tâm trí những người yêu nhạc một cảm xúc bảng lảng và yêu hơn mảnh đất Bình Phước tươi đẹp, đa dạng nét văn hóa và cũng có một chút bí ẩn, hoang sơ.
Không nổi trội như các nghệ sĩ quảng bá hình ảnh địa phương qua hoạt động biểu diễn nghệ thuật, Bình Phước cũng có một lực lượng văn nghệ sĩ, nhà báo đang làm nhiệm vụ đưa hình ảnh vùng đất Bình Phước giàu tiềm năng, con người Bình Phước thân thiện, mến khách đến gần hơn với công chúng cả nước, bạn bè quốc tế bằng các tác phẩm văn học - nghệ thuật - báo chí, qua đó góp phần thu hút mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Hay như những đơn vị, cá nhân đang tham gia vào chuỗi dịch vụ du lịch như nhà tổ chức lữ hành, hướng dẫn viên, ẩm thực… đều là những đại sứ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có kế hoạch xây dựng các sản phẩm quà tặng của tỉnh là tranh, ảnh, hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng vùng đất và con người Bình Phước, lựa chọn các món ăn đặc trưng và mời các chuyên gia ẩm thực đánh giá… Đây đều là những cách thiết thực để xây dựng thương hiệu văn hóa Bình Phước trong tương lai.
Mỗi tác phẩm góp thêm niềm tự hào
GS,TS Phan Thị Thu Hiền cho rằng, để xây dựng thương hiệu, Bình Phước cần có những bài hát hay nhắc nhớ về danh thắng và truyền thuyết núi Bà Rá và các hồ nước mang thế Tam long hội tụ. Đối chiếu với địa danh sóc Bom Bo, với âm điệu tiếng chày giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng trong tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Xuân Hồng nay đã trở thành điểm du lịch tiêu biểu của quê hương Bình Phước trong thời kỳ đổi mới và phát triển, sẽ thấy đây là cách tiếp cận đúng. Thế nhưng, ngoài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, liệu còn tác phẩm nào xứng tầm, có thể góp phần vào việc kiến tạo và phát triển thương hiệu văn hóa địa phương?
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho rằng: “Để có một hiện tượng văn học, không phải đơn giản. Từ sau năm 1975 đến nay, chúng ta ít thấy xuất hiện các hiện tượng văn học. Có lẽ ở phía Nam này cũng chỉ có một thời gian ồn ào của Nguyễn Ngọc Tư với “Cánh đồng bất tận”. Bình Phước không thiếu những văn nghệ sĩ tài năng, với những tác phẩm có giá trị, nhưng việc quảng bá và thụ hưởng đang có những điểm nghẽn”.
Trong số những ca khúc sáng tác về Bình Phước khoảng 10 năm trở lại đây, có thể nói, bài hát “Ký ức mẹ” do Thị ủy Phước Long “đặt hàng” nhạc sĩ Văn Thành Nho sáng tác nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Phước Long là ca khúc ít ỏi đáp ứng được yêu cầu nêu trên. Ca khúc là niềm tự hào về truyền thống anh dũng của quân, dân địa phương, nhắc đến những địa danh nổi tiếng của Phước Long - Bình Phước như thác Mẹ, sông Bé, núi Bà Rá, đề cập đến nét văn hóa truyền thống cồng chiêng… nhưng tiếc là mức độ phủ sóng của ca khúc này lại không đủ để có thể đi vào tâm thức của mọi người. Chắc chắn không nhiều người dân Bình Phước biết đến ca khúc rất hay này. Đáng lưu ý là khi tìm kiếm ca khúc này trên Google, cũng không cho ra kết quả.
Từ ví dụ này đặt ra việc phổ biến và quảng bá tác phẩm như thế nào để đời sống một tác phẩm văn học, nghệ thuật được dài lâu trong lòng công chúng, không chỉ thế hệ hôm nay mà còn tương lai. Bởi mỗi tác phẩm văn hóa, nghệ thuật không thể có giá trị nếu chỉ là tài sản của tác giả. Văn học, nghệ thuật phải khơi gợi được cảm xúc, tăng thêm niềm tự hào cho công chúng.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()