4
18
/
1068230
Bài 3: "Đôi cánh" của Quảng Ninh trong chiến lược phát triển
longform
Bài 3: "Đôi cánh" của Quảng Ninh trong chiến lược phát triển

 

Sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, năm 2014, Quảng Ninh đã công bố 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đây, tỉnh đã xác định rõ không gian phát triển theo hướng: Một tâm, hai tuyến đa chiều và 2 mũi đột phá là KKT Vân Đồn và KKT Cửa khẩu Móng Cái. Tâm TP Hạ Long là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh, tuyến hành lang Đông - Tây được ví là “đôi cánh” để Quảng Ninh hiện thực hoá mục tiêu phát triển nhanh, mạnh, bền vững, trở thành cực tăng trưởng ở phía Bắc của quốc gia.

 

Ngay trong giai đoạn quy hoạch, Quảng Ninh đã định hình rất rõ sự phát triển tuyến hành lang Đông - Tây của tỉnh. Cụ thể, tuyến hành lang phía Tây được xác định từ TP Hạ Long đến TX Đông Triều, hướng tới đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội. Tuyến hành lang này sẽ phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; trong đó KKT ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây và của tỉnh. Tuyến hành lang phía Đông, xuất phát từ TP Hạ Long đến TP Móng Cái và hướng tới thị trường Đông Bắc Á, sẽ phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch - công nghệ cao và kinh tế biển, lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp.

Nhìn vào sự định hình này, có thể thấy rất rõ quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” mà Quảng Ninh theo đuổi. Đây cũng là kết quả của quá trình nghiên cứu lâu dài, với cơ sở ban đầu chính là từ tiềm năng, thế mạnh cũng như sự gắn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các các địa phương trong tuyến hành lang Đông - Tây. Cùng với đó, tỉnh cũng nghiên cứu, tham vấn từ đơn vị tư vấn quy hoạch hàng đầu thế giới, các nhà khoa học, nhà kinh tế… về các xu hướng phát triển KT-XH địa phương, trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng.

Đơn cử như ở tuyến hành lang phía Tây, các địa phương: Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều đều sở hữu những giá trị đặc biệt về văn hoá, lịch sử, tâm linh. Đó là non thiêng Yên Tử (TP Uông Bí), Ngoạ Vân (TX Đông Triều), nơi gắn liền với tên tuổi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông - vị vua anh hùng, bậc minh quân đã từ bỏ ngai vàng lên núi hóa Phật, để lại giá trị tư tưởng về hòa nhập đạo pháp với dân tộc và đoàn kết các tôn giáo. Đó là dòng Bạch Đằng Giang huyền thoại, nơi ghi lại những chiến công lẫy lừng chống giặc ngoại xâm của các bậc tiền nhân; cùng những di tích quốc gia đặc biệt nay vẫn còn nguyên giá trị tại TX Quảng Yên… Không dừng lại ở đó, tuyến hành lang phía Tây còn được xác định có lợi thế lớn để phát triển theo hướng dịch vụ, cảng biển, logistics, đô thị hiện đại, công nghệ cao. Bởi khu vực này còn dư địa rất lớn có thể khai thác từ đất đai, cảng biển, lại là địa bàn giáp ranh với các địa phương khác trong cả nước.

Đối với tuyến hành lang phía Đông, trọng tâm là các địa phương: Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, vốn từ lâu đã có thế mạnh trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Từ nền tảng này, có thể định hình để phát triển các ngành này ở mức cao hơn, như: Công nghiệp công nghệ cao; du lịch biển đảo đẳng cấp, quy mô; phát triển chuỗi đô thị thông minh... Các địa phương còn lại trong tuyến hành lang phía Đông, cũng có những lợi thế nhất định để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Đầm Hà; phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc ở Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ...

Cùng với việc định hình không gian phát triển, Quảng Ninh nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng cho tuyến hành lang Đông - Tây, trọng tâm là hạ tầng giao thông. Từ năm 2015, khi thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến thành lập KKT ven biển Quảng Yên với cơ chế, chính sách tương đương KKT Đình Vũ - Cát Hải (TP Hải Phòng). Cùng với tuyến cao tốc này, tuyến đường ven sông tốc độ cao Quảng Yên - Uông Bí - Đông Triều cũng được triển khai nghiên cứu, thực hiện. Tỉnh đã hoàn thành tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và đang đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, phấn đấu hoàn thành trong năm 2021. Qua đó, hoàn thiện hạ tầng kết nối đồng bộ tuyến hành lang Đông - Tây nội tỉnh; đồng thời, tạo thuận lợi đối với hạ tầng giao thông các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Kết cấu hạ tầng đô thị các địa phương trong tuyến hành lang Đông - Tây ngày càng đồng bộ, hiện đại, hướng tới đô thị thông minh, đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện Quảng Ninh là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, đạt 65,5%.

Những hạt nhân, động lực tăng trưởng ở 2 tuyến hành lang Đông - Tây cũng được tỉnh thúc đẩy. Đối với tuyến hành lang phía Đông, KKT Vân Đồn và KKT Cửa khẩu Móng Cái được xác định là 2 mũi đột phá trong phát triển của tỉnh.

Trong đó, KKT Vân Đồn thời gian qua đã được đầu tư mạnh mẽ, phát triển hạ tầng động lực mang tính chiến lược như sân bay, đường cao tốc... thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn; tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 ước đạt 57.734 tỷ đồng, bình quân tăng 40,2%/năm. Đáng chú ý, ngày 17/2/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 266/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn đến năm 2040. Đây là tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh triển khai đồng bộ việc lập quy hoạch các phân khu, tạo động lực thu hút đầu tư, triển khai các dự án.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Đồn Cao Tường Huy cho biết: Ban Quản lý KKT Vân Đồn đang phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung giải quyết các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư, nhằm sớm khởi công một số dự án lớn có tác động lan tỏa, tạo đột phá cho KKT Vân Đồn phát triển trong tương lai gần. Mục tiêu đặt ra trong năm 2021 sẽ thu hút khoảng 71.000 tỷ đồng của nhà đầu tư thực hiện các dự án tại KKT Vân Đồn, trọng tâm là các dự án phát triển khu đô thị mới, tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, sân golf...

Đối với KKT Cửa khẩu Móng Cái, được xây dựng với mục tiêu trở thành trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ và đầu mối hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái (Việt Nam) - Phòng Thành (Trung Quốc). Đồng thời là trung tâm kinh tế biên mậu, thương mại, dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và cảng biển, dịch vụ du lịch với các sản phẩm chất lượng cao của Quảng Ninh và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trên cơ sở đề xuất từ tỉnh, tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040. Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm xây dựng TP Móng Cái và thị trấn Quảng Hà mở rộng trở thành đô thị hiện đại gắn với xây dựng KCN Cảng biển Hải Hà, KCN Hải Yên; là trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần cảng biển, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới; là phòng tuyến vững chắc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Là động lực phát triển mới trên tuyến hành lang phía Tây của tỉnh, KKT ven biển Quảng Yên cũng đã được Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập. Theo đó, KKT có tổng diện tích 13.303ha, bao gồm: Khu đô thị phức hợp, công nghiệp, công nghệ cao tại TP Uông Bí và TX Quảng Yên; Khu dịch vụ biển, cảng biển, công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc thuộc TX Quảng Yên. Việc thành lập KKT này có vai trò rất quan trọng, nhằm khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các KKT, như: Vân Đồn, Đình Vũ - Cát Hải, Thái Bình nhằm phát triển nhóm các KKT ven biển để phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng KKT và xây dựng mối liên kết về phát triển KT-XH giữa các KKT với khu vực lân cận.

Lộ trình phát triển KKT ven biển Quảng Yên giai đoạn 2020-2025 sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản các khu chức năng của KKT. Trước mắt, năm 2021, TX Quảng Yên đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, như nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long xanh và đường ven sông… nhằm kết nối đồng bộ các KCN. Tiếp tục GPMB trong các KCN để tạo quỹ đất sạch triển khai các dự án. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ngành, hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu KKT ven biển Quảng Yên.

Tháng 9/2020, Quảng Ninh tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025, đó là: Kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh, cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. 

Sự nhất quán trong mục tiêu phát triển của Quảng Ninh, trong đó có việc định hình không gian phát triển trên tuyến hành lang Đông - Tây đã tạo dựng được nền móng vững chắc cho sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng là địa bàn hiện diện ngày càng nhiều nhà đầu tư tầm cỡ trong nước và quốc tế như: Sun Group, Vingroup, FLC, BIM, Tuần Châu, Foxconn, Wyndham, Starwood, ISC Corp, Amata, Nakheel, Hilton... với những dự án lớn, trị giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng…

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, một trong những chuyên gia kinh tế đã có nhiều năm theo dõi sự phát triển của Quảng Ninh, đánh giá: Với việc sớm định hình các quy hoạch phát triển, trong đó có quy hoạch không gian phát triển, đã giúp Quảng Ninh xây dựng chiến lược dài hạn để tập trung nguồn lực một cách trọng tâm, trọng điểm. Đi cùng với đó là những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy thu hút đầu tư. Đây chính là lý do tỉnh ngày càng thu hút được các nhà đầu tư lớn, các dự án quy mô quốc gia, quốc tế. Với nền tảng đã có, giai đoạn 2021-2025, chắc chắn tỉnh sẽ tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó có những bước nhảy vọt về thu hút đầu tư.

Từ những quy hoạch chiến lược cho đến việc định hình không gian phát triển, tuyến hành lang Đông - Tây sẽ còn nhiều dư địa phát triển. Qua đó, góp phần vào mục tiêu chung của Quảng Ninh, phấn đấu đến năm 2030 là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, GRDP bình quân đầu người trên 15.000 USD; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Hồng Nhung

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu