Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:39 (GMT +7)
Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước: Chủ trương đúng, trúng yêu cầu thực tiễn Bài 3: Vững “nền”, bền “gốc”
Thứ 7, 19/10/2024 | 06:22:01 [GMT +7] A A
Xây dựng tổ chức đảng và phát triển đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN) là nhiệm vụ quan trọng khi Quảng Ninh đang cùng cả nước đẩy mạnh xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều thành phần kinh tế cùng hoạt động. Qua đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp; tạo dựng văn hoá riêng, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp... Nhiệm vụ phát triển Đảng trong DNNNN vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng với quyết tâm “khó mấy cũng phải làm; làm thực chất, hiệu quả”, các cấp ủy của Quảng Ninh tiếp tục có những giải pháp, nhiệm vụ để từng bước tháo gỡ “nút thắt”, hướng đến những mục tiêu cao hơn.
Sức khỏe của doanh nghiệp - Sức khỏe của nền kinh tế
Phát triển Đảng trong DNNNN là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Bởi khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, số lượng doanh nghiệp tăng cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, sẽ thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của cả nước. Tổ chức đảng là “cầu nối” phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động tới chủ doanh nghiệp...
Quảng Ninh là địa phương có lượng lớn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó DNNNN chiếm số lớn. Vì vậy, một trong những giải pháp cốt lõi để xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các DNNNN là tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, thúc đẩy sự lớn mạnh của mỗi doanh nghiệp. Thời gian qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa các nhiệm vụ, ưu tiên phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách, điển hình gần đây là: Nghị quyết 155/NQ-HĐND (ngày 12/7/2023) của HĐND tỉnh về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững đến năm 2025; Kế hoạch số 83/KH-UBND (ngày 21/3/2024) của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết 105/NQ-CP (ngày 15/7/2023) của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và Kế hoạch số 152/KH-UBND (ngày 17/6/2024) của UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024-2026; Quyết định số 1919/QĐ-UBND (ngày 1/7/2024) của UBND tỉnh về phê duyệt đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mới đây, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 41/CT-TU (ngày 27/6/2024) về thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW (ngày 10/10/2023) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới với mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu giai đoạn 2024-2030, trung bình hằng năm thành lập mới khoảng 2.000 doanh nghiệp; khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 70% GRDP; khoảng 38% tổng việc làm trong nền kinh tế; tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động xuất nhập khẩu trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đạt khoảng 10%; đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nghiệp trong tốp 500 doanh nghiệp theo Chương trình VNR 500...
Cùng với duy trì hoạt động đối thoại để kịp thời lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai các hội nghị chuyên đề định kỳ; tăng cường trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp để rà soát từng nội dung kiến nghị, từng nội dung trả lời, xác định rõ từng bước giải quyết và nhiệm vụ của cơ quan liên quan đối với từng kiến nghị, gửi cho doanh nghiệp để doanh nghiệp nắm được quá trình, các bước, các cơ quan liên quan đang giải quyết kiến nghị. Tỉnh cũng quan tâm lựa chọn những kiến nghị kéo dài, làm việc với doanh nghiệp và các cơ quan liên quan để giải quyết triệt để, tránh tình trạng kiến nghị không được trả lời, không được giải quyết kịp thời hoặc không được giải quyết thỏa đáng.
Đặc biệt, thời gian gần đây, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, UBND tỉnh rà soát điều chỉnh những văn bản nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, như: Văn bản số 1266/UBND-GTCN&XD (ngày 20/5/2024) về tăng cường quản lý phương tiện vận chuyển đất đá, vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án đầu tư xây dựng công trình; Quyết định số 42/2024/QĐ-UBND (ngày 4/10/2024) bãi bỏ Quyết định số 3486/2015/QĐ-UBND (ngày 5/11/2015) của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế tạm thời về quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ tham quan, du lịch...
Tỉnh tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc để ngành than, điện phát triển ổn định, bền vững, tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển hợp lý, bền vững, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các ngành: Xi măng, điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mỳ... đẩy mạnh sản xuất, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa; chỉ đạo khai thác tối đa dư địa tăng trưởng từ lĩnh vực xây dựng; thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư và khu vực dân doanh gắn với khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu xây dựng được cung cấp trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, tư vấn thủ tục thuế đối với doanh nghiệp; thực hiện miễn, giảm, giãn và các ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện vay vốn tín dụng phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu các loại sản phẩm chủ lực...
Cơn bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh ngày 7/9 vừa qua có sức tàn phá lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của nhân dân, trong đó nhiều doanh nghiệp lâm, thủy sản, du lịch bị ảnh hưởng lớn. Nhằm giúp các doanh nghiệp, nhân dân sớm phục hồi sản xuất, HĐND tỉnh đã thông qua một số chính sách khẩn cấp hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề của bão. Trong đó, Nghị quyết số 42/2024/NQ-HĐND về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 đã trở thành “trợ lực” kịp thời cho nhân dân.
Tỉnh dành nguồn lực khoảng 1.000 tỷ đồng thực hiện công tác khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3; cấp kinh phí hỗ trợ (đợt 1) cho các địa phương với số tiền 180 tỷ đồng từ nguồn dự phòng NSNN. Đồng thời, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, ngân hàng bàn giải pháp để xử lý nợ cho doanh nghiệp, người dân; hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi biển, chủ tàu du lịch… Với sự đồng hành của tỉnh, các doanh nghiệp trong tỉnh đang nỗ lực vượt khó, tái thiết sản xuất.
Đến nay, toàn tỉnh có 11.669 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho trên 250.000 lao động. Trong đó, doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 99,19%. Hiện toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp tư nhân nằm trong tốp 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam là Công ty CP Tập đoàn BIM (BIM Group); Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hạ Long (Bim Group); Công ty CP Bia và nước giải khát Hạ Long.
9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh đạt 8,02%, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so cùng kỳ năm 2023, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính, tăng 20,45%. Tổng thu NSNN đạt 40.479 tỷ đồng, bằng 73% dự toán. Dù chịu nhiều thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, nhưng tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh vẫn giữ được tốc độ phát triển ổn định theo kế hoạch. Kết quả đó có sự chủ động, linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.
Phát triển Đảng - Nhiệm vụ bền bỉ, lâu dài
Nghị quyết số 21-NQ/TW (ngày 16/6/2022) của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, khẳng định rõ quan điểm: Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, “cầu nối” giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở; xây dựng tổ chức cơ sở đảng phải gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, liên tục, là trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng...
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, thành lập các tổ chức cơ sở đảng tại KCN Cái Lân, KCN Việt Hưng và các KCN trên địa bàn Móng Cái, Quảng Yên, Hải Hà. Hằng năm, mỗi chi bộ đơn vị kinh tế tư nhân kết nạp ít nhất 1 đảng viên; đơn vị kinh tế tư nhân có từ 50 CNLĐ trở lên làm việc ổn định, đã thành lập được tổ chức đảng, kết nạp ít nhất 2 đảng viên...
“Phát triển tổ chức đảng và đảng viên tại các DNNNN được xác định là việc khó, nhưng đây là nhiệm vụ tất yếu, phải quyết tâm thực hiện, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đem lại kết quả thực chất, nhằm củng cố và khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, đảng viên đối với quần chúng, NLĐ và đối với doanh nghiệp. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định sản xuất kinh doanh; quan tâm tuyên truyền chủ trương của tỉnh về phát triển đảng viên và thành lập tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị theo hướng phù hợp với thực tiễn. Đối với đơn vị chưa có tổ chức đảng, tuyên truyền để người lao động rèn luyện, phấn đấu kết nạp Đảng tại nơi cư trú, đây là giải pháp quan trọng tạo nguồn…” - Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Thọ cho biết.
Theo Bí thư Đảng ủy Các đơn vị kinh tế tư nhân TP Hạ Long Nguyễn Như Trang, phát triển Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Với doanh nghiệp chưa có các tổ chức chính trị - xã hội, Đảng ủy Các đơn vị kinh tế tư nhân TP Hạ Long tiếp tục tham mưu, phối hợp, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể cấp trên chủ động phối hợp với chủ doanh nghiệp để sớm thành lập tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ, nhất là ở những đơn vị sử dụng nhiều lao động; chuyển sinh hoạt công đoàn, đoàn thanh niên cho những đoàn viên làm việc ở doanh nghiệp nhưng sinh hoạt ở nơi khác về tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên của doanh nghiệp ngay sau khi thành lập. Thông qua tổ chức chính trị - xã hội, Đảng ủy Các đơn vị kinh tế tư nhân TP Hạ Long chỉ đạo phát hiện cán bộ, NLĐ, quần chúng ưu tú đủ điều kiện để tham gia các lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng. Trên cơ sở đó, Đảng ủy tiếp tục phân công chi bộ phù hợp để đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức kết nạp tại chi bộ. Khi doanh nghiệp đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện, Đảng ủy nghiên cứu, xem xét, thành lập chi bộ.
Còn Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Các đơn vị kinh tế tư nhân TP Cẩm Phả Đỗ Đức Hồng chia sẻ: "Để tháo gỡ khó khăn cho công tác phát triển Đảng trong DNNNN, hiện nay thông qua sự đồng hành, vận động của cấp ủy cơ sở, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự cần thiết khách quan và hiệu quả của việc thành lập các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong mỗi doanh nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền để NLĐ thấy được quyền lợi của mình, từ đó tăng ý chí phấn đấu để sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhiệm vụ quan trọng nữa đó là các đơn vị, doanh nghiệp cần quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đảng viên để giới thiệu cho hội đồng quản trị, ban giám đốc xem xét, bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp; chú trọng vai trò của chủ doanh nghiệp khi họ đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bởi công tác phát triển đảng viên trong DNNNN sẽ rất thuận lợi nếu chủ doanh nghiệp là đảng viên, làm “nòng cốt” để NLĐ nhìn nhận từ đó noi theo, học tập, thêm động cơ tích cực phấn đấu vào Đảng. Từng đảng viên, quần chúng phải là nhân tố “khỏe” thì tổ chức sẽ đảm bảo sự vững mạnh”.
Để công tác phát triển Đảng trong DNNNN mang lại hiệu quả cao, nhiều cán bộ, NLĐ trong các doanh nghiệp cũng cho rằng, các cấp ủy cần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới; tổ chức học ngoài giờ hành chính đối với các đơn vị, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho quần chúng ưu tú có thể tham gia học tập, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc thực hiện thủ tục, hồ sơ, xác minh lý lịch đảm bảo đúng quy định, tuy nhiên cần đơn giản và phù hợp với thực tế doanh nghiệp.
Nhằm thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các DNNNN, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Trung ương quy định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, trách nhiệm, sinh hoạt Đảng đối với Bí thư, Phó bí thư chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của Đảng ủy Khối DNNNN; cho phép bố trí biên chế cán bộ chuyên trách cho Đảng bộ Khối các đơn vị kinh tế tư nhân cấp huyện có từ 100 đảng viên trở lên; có chế độ, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức đảng, đoàn thể và đội ngũ đảng viên làm công tác Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân; hỗ trợ quần chúng ưu tú, đảng viên mới tại các DNNNN tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, lớp đảng viên mới. Tổng LĐLĐ Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về mô hình tổ chức công đoàn, thanh niên phù hợp với mô hình tổ chức đảng trong các doanh nghiệp để đảm bảo thống nhất với sự lãnh đạo của tổ chức đảng - "Tổ chức đảng đặt trực thuộc ở đâu thì các tổ chức đoàn thể ở đó".
Thực tế khẳng định, có tổ chức đảng, sự lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp thì mọi hoạt động thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay. Trong đó, cán bộ, đảng viên có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị của đơn vị, thể hiện tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và chấp hành pháp luật, chấp hành các quy chế, quy định, nội quy của đơn vị. Vững "nền” chính là yếu tố giúp các đơn vị, doanh nghiệp bền "gốc”, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững, nâng cao năng lực, sức chiến đấu, sức mạnh của Đảng; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương và xây dựng Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Nguyễn Huế - Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()