Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:21 (GMT +7)
Bài ca vang mãi ngàn năm
Chủ nhật, 22/10/2023 | 09:16:16 [GMT +7] A A
Ở mảnh đất địa đầu Móng Cái, địa danh Pò Hèn đã đi vào lịch sử như một khúc tráng ca về tinh thần anh dũng, bất khuất, kiên trung của những người con đất Việt đã không tiếc tuổi xuân, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ lý tưởng, chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Bài học về tình đồng chí, đồng đội, lòng yêu nước ấy vẫn đang được trao truyền tới lớp hậu thế hôm nay; từ đó nhân lên trách nhiệm tô thắm thêm vẻ đẹp của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội
Ngày 17/2/1979 đã đi vào lịch sử Việt Nam như một khúc ca bi tráng về tinh thần anh dũng, bất khuất, kiên trung của những người con nơi địa đầu Tổ quốc đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. 44 mùa xuân đã đi qua, đã có biết bao đổi thay trên dải đất biên giới Đông Bắc ngát xanh, nhưng ký ức Pò Hèn vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim, tâm trí những người ở lại và vẫn đang tiếp tục được nhắc nhở cho lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay về lòng biết ơn, tình yêu, tinh thần bất khuất, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
CCB Hoàng Như Lý (quê xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, hiện trú xã Hải Xuân, TP Móng Cái), trinh sát Đồn Biên phòng 209 (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn) là một trong số ít người sống sót sau trận chiến đấu đó. Giữa mênh mông gió núi, mây ngàn, giữa nồng nàn hương quế nơi Khu di tích lịch sử Pò Hèn, những câu chuyện cảm động về tinh thần chiến đấu quên mình của các CBCS như thước phim quay chậm đưa chúng tôi về với chiến hào biên giới năm xưa qua lời kể xúc động nghẹn ngào của ông Lý.
Điều may mắn với lớp hậu thế chúng tôi khi tìm hiểu về những trang lịch sử hào hùng đó là CCB Hoàng Như Lý có thể nhớ rất rõ từng khu vực, từng điểm chốt mỗi đồng đội đã ngã xuống... Ông nghẹn ngào: “Quên sao được khi bỗng chốc một ngày mất đi bao anh em, đồng đội, những người đã thân quen như ruột thịt. Tôi sống sót trong trận chiến khốc liệt ấy chính là bởi đồng đội đã nhường cho tôi phần may mắn. Suốt nhiều năm qua, những người lính hy sinh thân mình bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc ấy đã ủy thác, đã cho tôi sức khỏe, tình yêu thương để tôi có cơ hội chu toàn từng phần việc tri ân”.
Cứ đến ngày rằm, mùng một hằng tháng, nhất là dịp kỷ niệm ngày giỗ của các đồng đội (ngày 17/2) ông Lý đều đến Khu di tích thắp hương tưởng nhớ đồng đội. Sau bao năm lặn lội tìm lên những điểm chốt xưa, lần theo ký ức để xác định đúng nơi đồng đội hy sinh và đánh dấu lại, dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/2017), ông đã tập hợp các đồng đội cũ, vác 3 tấm bia đá ghi tên tuổi những anh em hy sinh ở mỗi địa danh, rồi vượt núi leo dốc, dựng bia đúng ngay nơi đồng đội ngã xuống, cắm lên đỉnh đồi một ngọn cờ đỏ sao vàng để anh linh anh em quần tụ.
Đặc biệt, CCB Hoàng Như Lý là người kết nối với gia đình 2 liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm và Bùi Anh Lượng tổ chức đám cưới cho 2 đồng đội. Sau gần 40 năm đất nước im tiếng súng, năm 2017 mối tình dang dở bên chiến hào của 2 liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm và Bùi Văn Lượng được đồng đội vun vén bằng một lễ cưới trọn vẹn, để 2 người mãi mãi ở bên nhau.
“44 năm rồi đồng đội tôi đã nằm lại biên cương, những chiến sĩ tuổi đôi mươi ngã xuống trong lòng đất mẹ để bảo vệ non sông. Tấm ảnh chụp chung tập thể CBCS Đồn Biên phòng 209 tháng 12/1978 được treo trang trọng trong Nhà tiếp đón Khu Di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn có thể hoen màu thời gian, nhưng chắc chắn không ai trong tấm hình này và không điều gì ở mảnh đất Pò Hèn này bị phai mờ hay lãng quên cả. Đối với tôi, cuốn hồi ký “Hiên ngang Pò Hèn - Ký ức còn mãi” là tâm nguyện lớn nhất tôi đã hoàn thành trước khi về sum họp với anh em, đồng đội, để gửi gắm lại thế hệ sau này mãi nhớ về một bản tráng ca lịch sử hào hùng nơi mảnh đất địa đầu Móng Cái” - Ông Lý bồi hồi chia sẻ.
Không riêng ông Lý mà đối với những người ở lại, họ đã cùng nhau viết tiếp bài ca thật đẹp ở Pò Hèn trong thời bình. Đó là bài ca vang mãi về tình đồng chí, đồng đội sâu nghĩa nặng tình. Vai sát vai nhau trong trận chiến ác liệt và hôm nay họ lại cùng nhau chung tay chăm lo cho phần mộ và gia đình đồng đội đã ngã xuống, tiếp tục yêu thương, đùm bọc, đỡ đần nhau trong cuộc sống. Đến nay Ban Liên lạc truyền thống Công an nhân dân vũ trang Pò Hèn đã tròn 25 tuổi cũng là từng ấy thời gian họ nỗ lực tri ân đồng đội, không quản ngại khó khăn, vất vả tìm về với từng gia đình, quê quán các đồng đội đã hy sinh để thăm hỏi, hỗ trợ.
“Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử”... đó chính là câu chuyện mùa xuân năm 1979 ở Pò Hèn. Ở nơi đó, các CBCS đã cùng nhau chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng để bảo vệ từng tấc đất, chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, là nơi tình yêu lứa đôi thủy chung son sắt đã hòa quyện nồng thắm trong tình yêu nước vẹn tròn, lớn lao, là nơi tình đồng chí, đồng đội luôn sâu nặng trọn nghĩa vẹn tình. Và cũng ở đó, những ký ức, bài học lịch sử chưa bao giờ phai nhạt, mà luôn được khắc ghi, viết tiếp theo năm tháng bởi những anh hùng liệt sĩ ấy đã đi vào cõi bất tử như những đóa hoa xuân mãi ngát hương trên đỉnh thiêng Pò Hèn.
Thêm yêu từng tấc đất biên cương
Nhắc về Móng Cái hôm nay, người ta không chỉ nghĩ tới hình ảnh của một thành phố vùng biên năng động, hiện đại, mà tự hào biết bao về mảnh đất đã sản sinh ra những Anh hùng dân tộc như: Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Đào Phúc Lộc, Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng, Liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, những CBCS Đồn Biên phòng 209 - những người dù không sinh ra ở Móng Cái, nhưng đã chiến đấu, bảo vệ bờ cõi biên cương của Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng.
Đồn Biên phòng 209 năm xưa - Khu Di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn hôm nay, đã trở thành một cột mốc văn hóa, lịch sử quý giá, là điểm tựa tinh thần thiêng liêng trong tâm thức mỗi người dân nơi đây. Đồng thời là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc, truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang cho thế hệ trẻ.
Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn tại thôn Pò Hèn (xã Hải Sơn) do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh làm chủ đầu tư, được khởi công tôn tạo ngày 19/5/2010 nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là công trình được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa của các tập thể, đơn vị, cá nhân, gia đình thân nhân các liệt sĩ trên mọi miền đất nước với tấm lòng tri ân sâu sắc. Công trình được khánh thành ngày 10/1/2011, diện tích khuôn viên trên 86.000m2, gồm các hạng mục công trình chính: Đài tưởng niệm, đỉnh hương, nhà bia, sân khu tưởng niệm, vườn cây. Trải qua nhiều lần trùng tu, Khu tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ Pò Hèn đã hoàn thiện với cổng chào, nhà đón tiếp, khu sân rộng rãi, khang trang. Nổi bật, hạng mục Đài tưởng niệm cao 16m, bằng chất liệu bê tông cốt thép, ốp đá, quay mặt về phía Bắc, thiết kế theo kiến trúc hình tượng 3 bàn tay chụm vào nhau ôm ngôi sao màu vàng, vừa tượng trưng cho 3 dân tộc Kinh, Tày, Sán Chỉ, vừa là biểu tượng cho vòng tay ôm của đất mẹ và đồng đội. Ngôi sao 5 cánh vàng tươi ở chính giữa những bàn tay ấy tượng trưng cho ý chí, khí phách kiên trung của mảnh đất và con người nơi biên cương phên giậu của Tổ quốc.
Khu di tích lịch sử Pò Hèn đã được xếp hạng là Di tích quốc gia vào tháng 9/2022. Đó không chỉ là câu chuyện của một di tích được ghi nhận, mà hơn thế, đó là sự vinh danh, ghi nhớ những cống hiến, máu xương của những người đã ngã xuống để Tổ quốc đứng lên, xứng tầm vóc với thiên thu lịch sử.
Ở đây, vào ngày 17/2 hằng năm, Đồn Biên phòng Pò Hèn đều làm lễ giỗ chung cho các liệt sĩ đã ngã xuống trong những ngày đầu của trận chiến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Không chỉ ngày 17/2, mà dịp lễ, Tết, ngày rằm, mùng một, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống, nhân dịp các sự kiện chính trị của địa phương, các hoạt động tri ân đều được CBCS Đồn Biên phòng Pò Hèn long trọng tổ chức.
Thiếu tá Trần Đại Dương, Bí thư Đảng uỷ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn, chia sẻ: "Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng LLVTND, thời gian qua CBCS đơn vị luôn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ Khu Di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn, để những hoài niệm lịch sử thiêng liêng nơi đây sẽ luôn là bài học ý nghĩa về lòng yêu nước, khơi dậy trách nhiệm với Tổ quốc của thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, nỗ lực hơn nữa xứng đáng với công ơn của biết bao thế hệ cha anh đã cống hiến cho độc lập, tự do của quê hương, đất nước”.
Hằng năm Khu Di tích đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ. Những “Tiết học biên cương” dành cho học sinh do các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn TP Móng Cái tổ chức; những hành trình “Tháng Ba biên giới” về với mảnh đất linh thiêng Pò Hèn, chính là dịp mà tuổi trẻ toàn tỉnh hướng về biên cương Tổ quốc. Qua đó đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho ĐVTN về truyền thống, tình yêu quê hương đất nước và trách nhiệm của người trẻ đối với chủ quyền, an ninh biên giới, hải đảo trong tình hình mới. Đồng thời tổ chức hoạt động xung kích, tình nguyện, đảm nhận, triển khai các công trình, phần việc thanh niên gắn với nhiệm vụ giữ gìn an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội; các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo, đồng hành với người dân và thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại các địa bàn biên giới trên cả nước.
Những cuộc hành trình ý nghĩa về với di tích Pò Hèn không chỉ trĩu nặng niềm tri ân với những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, mà còn mang lại một sức sống mới trên vùng biên giới này. Những đổi thay của Pò Hèn, Móng Cái hôm nay chính là lời hồi đáp nói với hôm qua, nguyện thề trước anh linh của người ngã xuống, rằng chính nơi đây, ngay trên mảnh đất thắm máu của những người lính Đồn Pò Hèn, những công nhân Nông Lâm trường Hải Sơn năm ấy... cuộc sống đã được tái sinh đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, đáp đền xứng đáng với hy sinh của họ.
“Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ Như trời quê biên cương... Chiều biên giới em ơi/ Nhớ bao điều thân thương...”. Chắc chắn những điều thân thương, lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh sẽ mãi mãi được khắc ghi để ta thêm yêu từng tấc đất nơi biên cương Tổ quốc, để thắp lên những mùa xuân tươi đẹp về sau.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()