Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:21 (GMT +7)
Cú hích để doanh nghiệp khoa học và công nghệ Bình Phước vươn tầm Bài cuối: Xu thế tất yếu trong hội nhập
Thứ 6, 03/12/2021 | 19:06:15 [GMT +7] A A
Hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về năng lực nghiên cứu, cũng như sự liên kết, chuyển giao công nghệ từ các cơ quan nghiên cứu, chủ sở hữu đến doanh nghiệp để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Do vậy, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, mỗi doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức, xem đầu tư cho KH&CN là nền tảng phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập.
Cần trợ lực từ các ngành hữu quan
Ông Đặng Hà Giang, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, sau khi Chính phủ ban hành chủ trương về phát triển doanh nghiệp KH&CN, sở đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong tỉnh thành lập và lập hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Hằng năm, sở phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN tổ chức các lớp tập huấn về phát triển doanh nghiệp KH&CN và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới - sáng tạo cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Các doanh nghiệp KH&CN đều được hỗ trợ tối đa trong đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng, công nghiệp, bằng sáng chế, nhãn hiệu…
Theo ông Đặng Hà Giang, đến năm 2025, Bình Phước có ít nhất 10 doanh nghiệp KH&CN. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đã đề ra các giải pháp đồng bộ, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các thủ tục chứng nhận, quyền lợi của doanh nghiệp KH&CN. Bởi đây là loại hình đặc thù, hoạt động liên quan đến nhiều lĩnh vực nên nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp còn không ít hạn chế. Bên cạnh đó, sở tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; xây dựng và tổ chức hoạt động sàn giao dịch công nghệ - thiết bị của tỉnh nhằm hỗ trợ, trao đổi thông tin, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án KH&CN các cấp, trên cơ sở đó thành lập mới doanh nghiệp KH&CN.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở KH&CN luôn đồng hành với doanh nghiệp, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững. Theo quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ, các doanh nghiệp KH&CN được hưởng chính sách hỗ trợ và ưu đãi về thuế, tín dụng, thuê đất, cơ sở vật chất, các dịch vụ tư vấn… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không “mặn mà” vì nhiều nguyên nhân.
Ông Bùi Minh Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Ong mật Bình Phước cho biết: “Nghị định của Chính phủ rất đúng, rất hay về chủ trương nhưng việc triển khai vào thực tế còn nhiều bất lợi cho doanh nghiệp. Công ty vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn”.
Về vấn đề này, ông Trần Xuân Đích, Phó cục trưởng Cục Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN cho biết: “Để doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi, trước hết, phụ thuộc vào nguồn kinh phí của Nhà nước dành cho KH&CN. Thứ hai, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí để hưởng các ưu đãi đó. Thứ ba là, các cơ quan nhà nước cũng phải hỗ trợ để cùng giải quyết vướng mắc hay tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp KH&CN”.
Đến nay, cả nước mới có 538 doanh nghiệp KH&CN. Theo các chuyên gia, con số này còn quá khiêm tốn so với tiềm năng và quá nhỏ so với mục tiêu trước đó đề ra là năm 2020 Việt Nam có 5.000 doanh nghiệp KH&CN. Chính vì vậy, các bộ, ngành cần tiếp tục chung tay tạo thuận lợi hơn nữa trong việc triển khai Nghị định số 13/2019/NĐ-CP. Qua đó thúc đẩy sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp quan trọng này.
Cú hích về chính sách
Ông Đặng Hà Giang, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: “Thời gian tới, sở tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN tiếp cận nguồn vốn của các quỹ phát triển KH&CN, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Tiếp cận các kết quả nghiên cứu trên cơ sở khai thác nguồn lực của địa phương, doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Kết hợp giữa công nghệ với nguồn lực đầu vào để tạo ra các giá trị sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu các đề tài cấp tỉnh, cơ sở, đặc biệt ưu tiên lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng số”.
Để thúc đẩy việc huy động nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất, bên cạnh việc tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, các cơ quan liên quan của tỉnh cần xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin KH&CN đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách phát triển công nghệ, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Tỉnh cũng cần ban hành cơ chế hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp tiềm năng trở thành doanh nghiệp KH&CN. Quan trọng hơn hết, các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn nữa tới việc ưu tiên dành nguồn vốn cho phát triển công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cần được đẩy mạnh để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về đổi mới, ứng dụng công nghệ trong thời gian tới.
Xác định rõ tầm quan trọng của KH&CN, ngày 30-9-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ kinh phí để đổi mới thiết bị công nghệ; các hoạt động nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại tạo sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa ở Bình Phước. Các hoạt động được hỗ trợ gồm: Thực hiện các dự án, chương trình đầu tư ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, cải tiến công nghệ, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghệ thông tin; hỗ trợ tham gia chợ công nghệ - thiết bị trong và ngoài nước; hỗ trợ sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ, thiết bị, sàn giao dịch công nghệ - thiết bị. Các đối tượng được hỗ trợ gồm cá nhân, doanh nghiệp trong nước hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN; các cụm ngành, chuỗi giá trị và các sản phẩm tiềm năng như: điều, cao su, sản phẩm gỗ, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, dệt may; các lĩnh vực tạo sự phát triển bền vững như xử lý rác thải, bảo vệ môi trường…
Với vai trò của mình, Sở KH&CN đang thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp KH&CN nói riêng, cũng như các nhóm nghiên cứu, chuyên gia, các nhà khoa học để giúp doanh nghiệp, các đơn vị mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, công nghệ hiện đại, ngày càng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Theo Hiền Lương/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()