Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:05 (GMT +7)
Diễn văn Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống Công nhân Vùng mỏ- Truyền thống ngành Than
Thứ 7, 12/11/2016 | 02:01:32 [GMT +7] A A
(Toàn văn diễn văn Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống Công nhân Vùng mỏ- Truyền thống ngành Than do đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày)
Trong không khí cả nước đang quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội năm 2016, hôm nay, tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than.
Thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh và ngành Than, tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, các đồng chí đại biểu, các vị khách quý, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động ngành Than, cùng toàn thể quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh lời chúc sức khoẻ và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thực dân Pháp đô hộ nước ta nhằm vơ vét tài nguyên khoáng sản và bóc lột sức lao động người dân Việt Nam. Ở miền Nam, chúng tập trung xây dựng đồn điền cao su và ở miền Bắc tập trung vào vơ vét khoáng sản, chủ yếu là khai thác than tại Quảng Ninh.
Từ đó cao su Phú Riềng và Vùng mỏ Quảng Ninh trở thành đặc trưng, điển hình về sự bóc lột, đàn áp tàn bạo của thực dân Pháp với người lao động và nhân dân ta. Như nhà thơ Tố Hữu đã khắc hoạ nỗi thống khổ của người dân thủa ấy: Cha trốn ra Hòn Gay cuốc mỏ/ Anh chạy vào Đất Đỏ làm phu/ Bán thân đổi lấy đồng xu/ Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng.
Vì thế, chính nơi đây cũng phát sinh mâu thuẫn cực điểm giữa chủ mỏ, thực dân Pháp với phu lao động và nhân dân ta.
Vùng mỏ Quảng Ninh thời đó tập trung thợ mỏ quy mô lớn nhất Việt Nam, đã được xác định là địa bàn quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân do Đảng ta lãnh đạo giai đoạn 1929-1945.
Từ năm 1929, Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đã cử nhiều cán bộ ưu tú đi “vô sản hoá” trong hầm lò, mỏ than, từ đó phong trào công nhân lớn mạnh cả về chất lượng và số lượng, rất nhiều người trong số đó sau này đã trở thành những lãnh tụ của Đảng như các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang (tức đồng chí Hoàng Quốc Việt), Đặng Châu Tuệ, Lê Thanh Nghị... Trong đó, có đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư Đặc khu uỷ đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh - người chiến sĩ cộng sản kiên trung dâng hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, “Sống vì Đảng, mà chết cũng không rời Đảng”.
Và từ đó Vùng mỏ Quảng Ninh trở thành cái nôi phong trào cách mạng của Giai cấp công nhân Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập Đảng, tháng 10-1930, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đặc khu Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả trực thuộc Trung ương. Đảng bộ Đặc khu ra đời đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của lịch sử và sự vận động của phong trào công nhân, tạo ra bước phát triển vượt bậc trong cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh giải phóng dân tộc ở Vùng mỏ.
Như mạch ngầm sôi sục đã được khơi thông, phong trào cách mạng của công nhân ở các khu mỏ do Đảng lãnh đạo đã phát triển mạnh mẽ trong sự theo dõi, đàn áp của bọn mật thám và chủ mỏ.
Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh, đêm ngày 12-11-1936, cuộc bãi công của 5.000 công nhân mỏ Cẩm Phả nổ ra và giành thắng lợi, đã lan rộng trở thành cuộc Tổng bãi công từ Mông Dương, Hòn Gai, Hà Lầm, Hà Tu đến Cửa Ông, Cái Đá, Kế Bào, qua Đồng Đăng, Hạ Long, Yên Lập... thu hút hơn 3 vạn thợ mỏ tham gia, kéo dài gần 10 ngày. Đỉnh điểm của cao trào đấu tranh với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm” nhất định thắng lợi.
Cuộc Tổng bãi công đã kết thúc thắng lợi, buộc chính quyền thực dân Pháp và giới chủ phải nhượng bộ những yêu sách của thợ mỏ; là một đòn chí mạng làm rung chuyển, gây choáng váng cho bộ máy thống trị thực dân Pháp và chủ mỏ Đông Dương. Thắng lợi của cuộc Tổng bãi công 1936 đã mang lại bài học to lớn về tập hợp lực lượng công nhân trong đấu tranh, về tinh thần kỷ luật chặt chẽ, đồng tâm hành động, tương thân, tương ái của những người công nhân mỏ. Có giá trị tinh thần to lớn, mở đầu cho cao trào cách mạng 1936-1939 với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời cũng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng và nâng cao địa vị của giai cấp công nhân Việt Nam trên trường quốc tế. “Lần đầu tiên ở Đông Dương, giai cấp vô sản đã giành được thắng lợi rực rỡ. Lần đầu tiên kỷ luật vô sản đã thắng sự kháng cự của bọn chủ”.
Cũng chính từ đây, Đảng ta đã trưởng thành hơn trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Sau phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, sự kiện này thực sự là cuộc tập dượt lần thứ 2 của Đảng ta, chuẩn bị cho cao trào cách mạng 1939-1945 và tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Bài học “Kỷ luật và Đồng tâm” đã trở thành giá trị tinh thần vô giá đồng hành cùng quân và dân Quảng Ninh, góp phần đánh thắng trận đầu 5-8-1964 chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, lớp lớp người con Quảng Ninh và Binh đoàn Than ra chiến trường giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; và 30 năm đổi mới xây dựng tỉnh Quảng Ninh như ngày hôm nay.
Các đại biểu Trung ương, tỉnh dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Hùng Sơn |
80 năm qua, Vùng đất mỏ Quảng Ninh luôn được sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Trung ương. Quảng Ninh đã vinh dự và tự hào 9 lần Bác Hồ về thăm, là nơi duy nhất Người cho dựng tượng tại đảo Cô Tô khi Người còn sống.
Về thăm Vùng mỏ Quảng Ninh, Bác ân cần căn dặn và nhắc nhở: “Than là vàng đen của Tổ quốc”; “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc” và “Toàn thể công nhân và cán bộ... sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”. Từ đó đến nay và mãi về sau, lời di huấn thiêng liêng của Bác vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí, tình cảm của mỗi người thợ mỏ và mỗi người dân Quảng Ninh. Thực hiện lời dạy của Bác, thợ mỏ, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh không ngừng thi đua phấn đấu “làm cho Tổ quốc ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, nhân dân ta được ấm no hơn, hạnh phúc hơn”.
Quảng Ninh hôm nay đã trở thành trung tâm công nghiệp than, nhiệt điện và vật liệu xây dựng của cả nước; là khu vực trọng điểm phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại; tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và thu nhập đầu người duy trì ở mức cao; là một trong số ít tỉnh tự cân đối ngân sách và chủ động đổi mới trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đột phá trong cải cách hành chính, phương thức đầu tư kết cấu hạ tầng và xây dựng đô thị; giữ vững quốc phòng - an ninh. Được Trung ương tin tưởng cho xây dựng thí điểm Khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn.
Quảng Ninh được ví như “Việt Nam thu nhỏ” nơi hội tụ, giao thoa văn hoá con người vùng đồng bằng sông Hồng, qua đấu tranh và lao động đã hình thành nét văn hoá đặc sắc của người dân Vùng mỏ, đó là văn hoá: Công nghiệp - đô thị - văn minh, hiện đại, lại vừa tình làng - nghĩa xóm - gần gũi, hào sảng và vị tha.
Kết quả đó khẳng định, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh và ngành Than đã và đang kế thừa và phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của Vùng mỏ, của các thế hệ cha anh Có được một Quảng Ninh vươn lên mạnh mẽ và ngành Than phát triển ngày hôm nay, chúng ta vô cùng biết ơn và tri ân sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành, các đoàn thể Trung ương qua các thời kỳ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, giúp đỡ kịp thời, hiệu quả, sự phối hợp của các địa phương cả nước; đến các đồng chí thương binh, các gia đình liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các nhân sĩ, trí thức yêu nước, các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và những công nhân, chiến sĩ đã ngày đêm hăng say sản xuất trên khắp các công trường, phân xưởng, hầm lò, tầng than.
Kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ, trong giai đoạn hiện nay còn ý nghĩa hơn khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức tích cực thực hiện thắng lợi ngay từ năm đầu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khoá XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.
Ý thức sâu sắc về sự kế tục lịch sử, xứng đáng sự nghiệp vĩ đại của các thế hệ cha ông để lại, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Ninh cùng với ngành Than nguyện giữ mãi nhiệt huyết, vun đắp truyền thống anh hùng, vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam, của giai cấp công nhân Vùng mỏ bất khuất;Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần tự lực, tự cường và trí tuệ Việt Nam, biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống vẻ vang trở thành nguồn lực và sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện tâm nguyện của Bác: Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp và ngành Than trở thành một ngành gương mẫu.
Liên kết website
Ý kiến ()