Tất cả chuyên mục

Dễ dãi, cả tin, cho người khác mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để vay vốn ngân hàng. Người mượn làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ; người cho mượn đã vướng rủi ro, dẫn đến nguy cơ mất đất, mất nhà…
![]() |
Chi cục THADS TX Đông Triều và chính quyền phường Mạo Khê làm việc với gia đình bà Vũ Thị Bình về nghĩa vụ thi hành án. |
Đó là chuyện của bà Vũ Thị Bình (trú khu Vĩnh Xuân, phường Mạo Khê, TX Đông Triều) phó mặc cả cơ ngơi tài sản của mình cho người khác mượn sổ đỏ để vay vốn ngân hàng. Sau đó, bà đã phải chạy vạy, nhờ vả vay 770 triệu đồng, cộng với trên 40 triệu đồng do Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TX Đông Triều hỗ trợ gia đình thuê nhà ở, để đủ 800 triệu đồng để mua lại ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, sau khi làm các thủ tục xong, người mượn bìa đỏ sẽ phải trả số tiền lãi và trả dần gốc mà bà đã phải vay.
Cuối năm 2013, do muốn giúp đỡ công ty của cháu có vốn để làm ăn, giải quyết việc làm cho công nhân, bà Bình đồng ý cho cháu mượn sổ đỏ thế chấp vay vốn. Vợ chồng bà cùng cháu đến Chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) ở TP Hạ Long làm thủ tục vay vốn, cùng ký hợp đồng bão lãnh thế chấp.
Bà kể, ngày ấy, Ngân hàng định giá tài sản đảm bảo thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là ngôi nhà ở 2,5 tầng trên diện tích xây dựng 74,9m2 của gi đình bà là trên 879 triệu đồng để bão lãnh cho công ty của cháu vay 560 triệu đồng. Đến năm 2017, Ngân hàng đến đôn đốc nợ, bà Bình bảo cháu trả nợ ngân hàng, cháu đều hứa sẽ trả. Tiếp tục, gia đình bà thấy TAND TP Uông Bí đến làm việc… Tin lời cháu hứa sẽ trả nợ ngân hàng, bà không quan tâm đến việc đó, vì nghĩ đơn giản là mình không vay tiền ngân hàng, nên Tòa án triệu tập bà không đến. Công ty của cháu bà hoạt động kinh doanh như thế nào bà cũng không quan tâm. Cho đến khi Chi cục THADS TX Đông Triều đến làm việc thì vợ chồng bà mới hiểu, gia đình bà đã đồng ý đem tài sản của mình để bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ của cháu. Nay cháu không trả được nợ, thì vợ chồng bà phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho cháu thì mới lấy lại được sổ đỏ của mình.
Nhà ở và đất đã cho cháu mượn thế chấp vay vốn, sau khi đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án, cháu bà cũng không trả nợ ngân hàng. Sau đó, Chi cục THADS thị xã đã kê biên bàn giao tài sản thế chấp cho Công ty CP Đấu giá Quảng Ninh tổ chức đấu giá và đã có người trúng giá mua tài sản với giá trên 668 triệu đồng. Chi cục THADS thị xã đã có quyết định giao tài sản cho người trúng đấu giá theo quy định.
Khi Chi cục THADS thị xã có quyết định tổ chức cưỡng chế thi hành bản án, giao tài sản gắn liền với đất cho người trúng đấu giá thì vợ chồng bà mới vỡ lẽ. Trước ngày cưỡng chế, gia đình bà phải đôn đáo chạy vay tiền, nhờ cơ quan thi hành án, chính quyền địa phương thương thảo với người đã trúng đấu giá để bàn giao tài sản của bà cho Chi cục THADS thị xã. Sau đó, bà mới được mua lại tài sản của mình từ người trúng đấu giá, nhận lại sổ đỏ của mình; các cơ quan chức năng không phải tổ chức cưỡng chế thi hành án.
Đây là bài học về việc cho mượn tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay tiền ngân hàng, dẫn đến rủi ro mất đất, mất nhà.
Nguyễn Xuân (CTV)
Ý kiến (0)