Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:20 (GMT +7)
Chủ shop bán hàng online làm thay việc của bác sĩ, dược sĩ
Thứ 3, 22/03/2022 | 22:34:26 [GMT +7] A A
Dịch bệnh Covid-19 khiến việc giao thương, mua bán trở nên khó khăn hơn, nên thị trường mua bán hàng online càng sôi động, nhộn nhịp.
Đủ mọi mặt hàng được giới thiệu trong một buổi live stream bán hàng, "thượng vàng, hạ cám" từ quần áo, mỹ phẩm, hàng điện tử, gia dụng, thực phẩm chức năng và thậm chí cả thuốc chữa bệnh. Người bán hàng thao thao bất tuyệt về chất lượng sản phẩm tuyệt vời, giá cả rẻ nhất thị trường, nhưng thông tin về xuất xứ sản phẩm thì ít người nói. Vậy mà không hiểu sao khách hàng vẫn đua nhau mua, tranh nhau chốt đơn, dù chỉ nhìn thấy hàng hóa qua màn hình điện thoại.
Không ít người đã ngậm ngùi khi nhận về sản phẩm mua online, bởi nó không đúng như những gì chủ shop quảng cáo. Với những loại hàng hóa như quần áo, đồ gia dụng, hỏng thì vứt đi, nhưng nguy hiểm là những mặt hàng như thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, nếu không được bác sĩ kê đơn, tư vấn, mà mua dùng tràn lan thật sự nguy hiểm.
Rất nhiều trường hợp người mua thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, thuốc bổ trên mạng đã phải trả giá đắt, không những mất tiền mà còn tổn hại sức khỏe. Bà Thanh (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) bán hàng tạp hóa ở chợ. Do dịch bệnh nên ế khách, ngày nào bà cũng xem live stream bán hàng, lâu dần rồi nghiện. Con trai bà Thanh cho biết, từ ngày bà nghiện mua hàng online, hàng hóa mua về đầy nhà, món nào bà cũng khen mua được rẻ. Có những món hàng phải dùng đến 3 năm may ra mới hết. Tiền hàng không bán được, tiền chi tiêu trong nhà cũng cạn, chồng con trách móc, nhưng bà không bỏ được. Đến khi phải cấp cứu do uống thuốc đặc trị dạ dày của một thầy lang trên mạng suýt chút nữa thủng ruột, bà Thanh mới tỉnh ngộ.
Nắm bắt tâm lý người mua thích hàng hiệu giá rẻ, thích được tặng, cho, nhiều chủ shop đã thuê người feedback, view, để tăng lượt tương tác, nhằm làm cho người mua nghĩ đây là shop uy tín, nhiều người tin dùng. Nhiều shop bán hàng online, chủ shop không hề có chứng chỉ hành nghề y, không có chuyên môn về y tế, nhưng vẫn quảng cáo, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng cho khách hàng. Từ thuốc chữa cảm cúm, chữa đau khớp, dạ dày, thuốc phòng chống ung thư, thuốc kháng Covid, đến các loại thực phẩm chức năng... mọi loại bệnh tật, mọi đối tượng đều có công thức chung.
Nhiều khách mua coi người bán hàng như bác sĩ đa khoa, xin tư vấn đủ các loại thuốc, chữa mọi loại bệnh. Khoan chưa nói đến việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng bừa bãi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, mà nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng của những loại thuốc, thực phẩm chức năng đó nếu không đảm bảo an toàn đối với người tiêu dùng thì cũng rất nguy hiểm. Nhưng theo người viết bài tìm hiểu, không mấy người mua quan tâm, hầu như không một khách hàng nào yêu cầu khi gửi hàng phải có hóa đơn, xuất xứ sản phẩm.
Theo các chuyên gia y tế, thực phẩm chức năng nếu dùng không đúng liều lượng, đúng với nhu cầu, cơ địa của từng người, không những không có ích, mà còn gây nguy hiểm cho người sử dụng. Còn đối với thuốc chữa bệnh, thuốc hỗ trợ điều trị bệnh, cần phải có chỉ định của bác sĩ mới được dùng, không tùy tiện mua trên mạng về điều trị được.
Nhiều người băn khoăn về việc một số mặt hàng như thuốc chữa bệnh phải được cơ quan chức năng cấp phép mới được bán, nhưng tìm hiểu trên thị trường online, nhiều chủ shop vẫn rao bán hàng ngày. Nhiều chủ shop còn cố tình lập lờ khái niệm thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung là thuốc để dụ người bệnh mua hàng.
Có ý kiến cho rằng, thị trường bán hàng online vẫn còn được thả nổi, thi thoảng mới có một vài chủ shop bị cơ quan chức năng lập biên bản về bán hàng không rõ nguồn gốc. Và thông tin cho khách hàng về những trường hợp bán hàng giả, hàng nhái, thường rất ít, xuất hiện thoáng qua đâu đó trên bản tin... rồi mất hút.
Chính vì thế, người tiêu dùng cần tỉnh táo khi mua hàng online. Trước khi thực hiện giao dịch, người mua cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của shop bán hàng, những cơ sở có địa chỉ rõ ràng; lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử có uy tín, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động. Đối với những mặt hàng có giá trị, cần yêu cầu chủ hàng phải có hóa đơn, chứng nhận xuất xứ hàng hóa đầy đủ.
Bảo An
Liên kết website
Ý kiến ()