Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:19 (GMT +7)
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thứ 6, 28/06/2024 | 18:24:20 [GMT +7] A A
Ngày 28/6, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thảo luận và cho ý kiến về báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025 - 2030 và việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tỉnh đã quán triệt triển khai nghiêm túc, kịp thời. Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 26-CT/TW ngày 28/6/2022 tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Đồng thời, quan tâm ưu tiên tập trung nguồn lực cũng như hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, trong đó có việc ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU, Đề án 409-QĐ/TU gắn với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững. MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội đã nâng cao trách nhiệm trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, quan tâm bố trí nguồn vốn rất lớn ủy thác thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay…
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả rất rõ nét. Tổng nguồn vốn cho tín dụng chính sách tính đến tháng 4/2024 tăng 2,97 lần so với năm 2014, đặc biệt nguồn vốn ủy thác địa phương đã chiếm 24% tổng nguồn vốn (bình quân toàn quốc là 12,4%), tăng gấp 31,9 lần so với thời điểm trước khi Chỉ thị 40 được ban hành. Từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn tính dụng chính sách đã cho vay đạt 15.927 tỷ đồng, hỗ trợ cho 599.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, người lao động được vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, xây mới và sửa chữa nhà cửa; xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh; tạo việc làm, học tập… Tổng dư nợ đạt 4.898 tỷ đồng, tăng 3.252 tỷ đồng trước khi thực hiện Chỉ thị 40. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 20%/năm. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao. Riêng ngân sách tỉnh cho vay ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội chỉ tính trong 3 năm gần đây đạt gần 1.200 tỷ đồng.
Tư duy của đội ngũ cán bộ, nhận thức của người dân đã thay đổi rõ rệt. Những hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được thụ hưởng đã biết vươn lên để tổ chức cuộc sống, tổ chức sản xuất và có cuộc sống khấm khá hơn. Đến hết năm 2023, Quảng Ninh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương; tỉnh đã xây dựng mức chuẩn nghèo mới (giai đoạn 2023-2025) cao gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương về tiêu chí thu nhập. 99,9% số hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 73,348 triệu đồng/người/năm (tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40; đồng thời khẳng định thực tiễn ở Quảng Ninh thời gian qua cho thấy Chỉ thị 40 là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội. Quá trình triển khai trên địa bàn tỉnh đã tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách và là trụ cột quan trọng trong chăm lo cho các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu hoàn thiện báo cáo. Trong đó, cần làm rõ những bài học kinh nghiệm của tỉnh, từ sự lãnh đạo của đảng, quản lý của Nhà nước, việc ưu tiên quan tâm bố trí nguồn lực đến sự vào cuộc của MTTQ và đoàn thể, đặc biệt là vai trò người dân trong đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh tiếp tục chỉ đạo cân đối ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện các mục tiêu giai đoạn tới đây, nhất là mục tiêu giảm chênh lệch vùng miền, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong giai đoạn mới, phù hợp với sự phát triển, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội. Đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý nguồn vốn cho vay ủy thác để đảm bảo không có tiêu cực; thiết lập cơ chế, tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra nội bộ để đảm bảo các nguồn vốn được quản lý, sử dụng đúng mục tiêu, mục đích, có hiệu quả. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, con người; nâng cao công tác quản lý theo kịp với yêu cầu mới của tỉnh; nhất là phải thiết lập cơ chế quản lý nguồn vốn đảm bảo hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu.
Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025 - 2030 và việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội. Thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng dự thảo kế hoạch chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, dự thảo quyết định thành lập 4 Tiểu ban phục vụ đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh gồm: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban nhân sự, Tiểu ban Tuyên truyền khánh tiết và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục hoàn thiện dự thảo kế hoạch chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp và dự thảo quyết định thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh. Trong đó, phải quán triệt đầy đủ, chính xác 7 yêu cầu được nêu trong Chỉ thị 35 để xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Lưu ý công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp phải được các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo theo đúng quy định, nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy các cấp.
Về một số vấn đề cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương tiếp tục thực hiện mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, bản, khu phố theo phương châm “Dân tin – Đảng cử” ở 100% thôn, bản, khu phố trên địa bàn. Ở cấp xã, thực hiện tối đa mô hình Bí thư Đảng ủy các xã, phường, thị trấn không phải người địa phương. Ở cấp huyện, hoàn thành mục tiêu 100% Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương. Tiếp tục duy trì mô hình Bí thư huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện đối với huyện Cô Tô. Thực hiện bầu Bí thư trực tiếp tại Đại hội đối với 100% Đảng bộ cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thảo luận, thống nhất lựa chọn đơn vị tổ chức đại hội điểm. Liên quan đến quy trình xây dựng các văn kiện trình tại đại hội, thành lập các Tiểu ban chuẩn bị và thời gian tổ chức Đại hội các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu bám sát Chỉ thị 35 và các quy định của Đảng để triển khai thực hiện.
Nghe và cho ý kiến về báo cáo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp tỉnh Quảng Ninh từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẳng định, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm, không ngừng đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác bộ - khâu then chốt để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; quyết liệt tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của tỉnh, cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu đảm bảo sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo các cấp ủy, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Đội ngũ cán bộ của tỉnh ngày càng trưởng thành. Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị ngày càng được nâng cao. Đội ngũ lãnh đạo từng bước được trẻ hóa, chất lượng và tính chiến đấu được nâng lên, thể hiện qua việc nhiều cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược của tỉnh đã mạnh dạn đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn, mạnh dạn đề xuất những vấn đề chưa có tiền lệ để tập trung nghiên cứu, thực hiện; kiên trì, bền bỉ, quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục hoàn thiện báo cáo, trong đó làm rõ hơn về những kết quả đạt được, hiệu quả mang lại trong công tác cán bộ trên tất cả các mặt từ công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm đến kiểm tra, giám sát, kỷ luật; khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả của những mô hình riêng có của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, làm rõ một số hạn chế tồn tại, bài học kinh nghiệm và yêu cầu đặt ra trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thông qua Quy định về việc thực hiện văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan, đơn vị khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Quy định gồm 5 chương, 18 điều.
Mục đích nhằm xây dựng môi trường công sở văn minh, chuyên nghiệp, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, thân thiện, nhân văn, đổi mới, sáng tạo; nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi CBCC trong việc thực hiện văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; đảm bảo tính chuẩn mực, uy tín, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị xã hội theo tinh thần Nghị quyết 17-NQ/TU, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Là cơ sở để thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành và tổ chức thực hiện các quy định của CBCC trong thi hành công vụ; là căn cứ để cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đánh giá, xếp loại, bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với CBCC trong cơ quan. Xây dựng hình ảnh, tác phong, cốt cách của CBCC chuyên nghiệp, kỷ cương, mẫu mực, trách nhiệm, có bản lĩnh, có kỹ năng giao tiếp, ứng xử, lối sống văn hóa, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, sáng tạo; biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn, luôn lấy việc quen làm việc và sinh sống trong môi trường bị giám sát, bị ràng buộc để làm đúng hơn, nhanh hơn, tốt hơn, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, vì lợi ích cộng đồng, xã hội; nêu gương, làm gương ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh. Góp phần xây dựng con người Quảng Ninh với 8 đặc trưng: Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hảo sảng, Sáng tạo, Văn minh; định hình rõ nét 6 giá trị cốt lõi địa phương: Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc.
Cũng tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng khác.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()