Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:11 (GMT +7)
Báo chí Vùng mỏ trước ngày thành lập tỉnh
Chủ nhật, 18/06/2023 | 11:46:53 [GMT +7] A A
Trước khi tờ báo Quảng Ninh - cơ quan của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Quảng Ninh - tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra đời, hoạt động báo chí ở Vùng mỏ đã diễn ra khá sôi nổi, góp phần đưa chủ trương của Đảng đến với nhân dân.
Cuối năm 1928, nhóm đảng viên từ Hải Phòng, Thái Bình ra Cẩm Phả, Cửa Ông đã họp lại thành lập chi bộ, trực thuộc Thành ủy Hải Phòng là chi bộ Đảng Thanh niên đầu tiên ở Vùng mỏ và quyết định cho ra tờ báo Than để phân phát cho công nhân, tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho họ. Trong những ngày trước Cách mạng Tháng Tám, Chiến khu Đông Triều đã sớm xuất bản tờ báo mang tên Sóng Bạch Đằng. Sau Cách mạng Tháng Tám, Chiến khu Ba được thành lập, ít tháng sau ra báo mang tên Quân Bạch Đằng, kế tiếp tờ báo Sóng Bạch Đằng của Chiến khu Đông Triều.
Cuối năm 1947, trên đất huyện Đình Lập, tỉnh Hải Ninh xuất bản tờ Tin Hải Ninh kháng chiến bằng ba thứ tiếng: Kinh, Tày, Hoa. Sau đó, quân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng Đình Lập, các cơ quan tỉnh Hải Ninh khi ở Lộc Bình, khi ở Hải Chi, thiếu thốn khó khăn trăm bề, tờ tin không duy trì được. Đến đầu năm 1949, Ty Tuyên truyền Hải Ninh được củng cố, ra tờ Hải Ninh thông tin mỗi tháng 4 kỳ. Trên đất Bình Liêu, từ năm 1952, Hải Ninh xuất bản tờ Hải Ninh giải phóng báo bằng chữ Hán. Cuối năm 1953, Ty Tuyên truyền Hải Ninh ra thêm đặc san hàng tháng.
Tại Quảng Yên, từ năm 1953, Ty Tuyên truyền và Văn nghệ Quảng Yên xuất bản báo Quảng Yên gồm 4 trang khổ 22x30cm. Báo in trên giấy màu xám nhạt, chữ rõ ràng, dễ đọc.
Phía Đặc khu Hòn Gai, sau khi tách khỏi liên tỉnh Quảng Hồng, cuối năm 1948, Ty Tuyên truyền Đặc khu được thành lập và nhân dịp Tết Mậu Thìn, đã cho ra tờ Vùng Than. Số đầu tiên cũng là số Tết. Nhân dịp Tết Kỷ Sửu 1949, Công đoàn Đặc khu Hòn Gai cho ra đời tạp chí Thợ mỏ (cơ quan tranh đấu và tuyên truyền của Công đoàn Hòn Gai), khổ 11x16cm, 24 trang. Sau một thời gian, tờ Thợ mỏ đổi thành tờ Tin tức, ra mỗi tháng một kỳ, 4 trang. Tờ Vùng than, tờ Thợ mỏ và tờ Tin tức của Đặc khu Hòn Gai không những chỉ lưu hành trong vùng căn cứ, các vùng du kích mà còn được đưa vào Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông, Hà Tu, Hà Lầm.
Trước khi có Báo Quảng Ninh, Quảng Ninh còn là hai đơn vị hành chính: Khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh. Mỗi nơi đều có tờ báo riêng. Ở khu Hồng Quảng, có tờ Vùng mỏ. Ban đầu, tờ Vùng mỏ do Công đoàn khu Hồng Quảng xuất bản, biểu tượng vẽ trên đầu báo là hình chiếc cuốc chim và chiếc xẻng đặt chéo nhau. Bên cạnh đó còn có tờ Tin Hồng Quảng của Ủy ban Hành chính khu. Cuối năm 1958, Ban Thường vụ Khu ủy và Ủy ban Hành chính khu Hồng Quảng ra Nghị quyết sáp nhập tờ Tin Hồng Quảng vào Báo Vùng Mỏ thành tờ báo chung của khu "phục vụ công nghiệp và coi trọng vấn đề phát triển nông nghiệp".
Ở tỉnh Hải Ninh, sau khi tỉnh lỵ từ Tiên Yên chuyển về Móng Cái, từ đầu năm 1957, tờ Tin Hải Ninh ra mỗi tháng 1 kỳ, sau tăng lên 2 kỳ và in bằng hai thứ tiếng Việt, Hán. Từ đầu năm 1960, tờ Tin Hải Ninh được chuyển thành Báo Hải Ninh, ra hàng tuần, khổ 39x54cm, chữ Việt in 4 trang, mỗi số 1.000 tờ.
Theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, Công ty Than Hòn Gai (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) cuối năm 1963, đã ra tờ tin Vùng Mỏ, tuần phát hành 1 số. Ban đầu tờ tin Vùng Mỏ có các nhà báo Nguyễn Ngọc Chánh, Hoàng Quốc Hải, Công Vượng, Nguyễn Đức Long, Lê Hồng Phước, Trần Mạnh Trử, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Văn Chư... Đến năm 1968, tờ tin Vùng Mỏ của ngành Than lại sáp nhập về báo Quảng Ninh.
Những ngày đầu của báo Quảng Ninh rất khó khăn, gian khổ. Cố nhà báo Đôn Minh, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh, nguyên Trưởng Ban biên tập Báo và Đài Truyền thanh Hải Ninh kể trong tập hồi ký Dấu ấn một thời: Báo Quảng Ninh ra đời, tôi được phân công làm Phó Chủ nhiệm, phụ trách tuyên truyền về nông nghiệp và xuất bản báo chữ Hán (khi người Hoa về nước thì thôi ra báo chữ Hán), tôi được phân công thường trực sửa mo rát và phụ trách Phân xưởng in báo. Trong thời gian làm báo, thời kỳ bao cấp, điều kiện sinh hoạt, làm việc của cơ quan rất khó khăn. Phóng viên đi công tác, đi họp xa phải chuẩn bị tem gạo, tạm ứng tiền ăn đường. Việc in báo, hàng tháng phải dự trù mua chữ chì và hoá chất. Nếu lấy chậm, chữ chì in bị mòn, báo rất khó đọc. Riêng về giấy in báo rất khó khăn, nếu không nhập về kịp phải đi tận Báo Vĩnh Phú vay.
Gần một năm sau thành lập tỉnh, Quảng Ninh lại cùng miền Bắc bước vào cuộc đánh trả chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, chia lửa cho đồng bào miền Nam. Tòa soạn (khi đó ở số 30 phố Hữu Nghị, nay là khu nhà Cung Văn hóa lao động Việt - Nhật) bị đánh phá, Báo Quảng Ninh phải sơ tán nhiều lần, ban đầu là vào khu vực mỏ Hà Lầm, rồi xuống cây số 13 Quang Hanh (Cẩm Phả), tiếp đó vào tận các xã Sơn Dương, Dân Chủ thuộc huyện Hoành Bồ cũ. Công việc làm báo vốn đã vất vả, làm báo trong điều kiện tỉnh mới thành lập, lại càng gian khổ, hiểm nguy hơn.
Như vậy, từ báo Than đến báo Quảng Ninh, tuy có những lúc đứt đoạn, hy sinh, tổn thất, song vẫn là liền mạch, vẫn giữ được truyền thống báo chí cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì lý tưởng cộng sản.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()