Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:26 (GMT +7)
"Bảo đảm an toàn PCCC&CNCH tại khu dân cư"
Thứ 2, 13/11/2023 | 10:53:20 [GMT +7] A A
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình cháy nổ tại nhiều địa phương trong nước diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt những tháng cuối năm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn Trung tá Ngô Hải Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh (ảnh) về nội dung này.
- Đồng chí cho biết công tác lãnh đạo, quản lý về PCCC trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay được triển khai như thế nào?
+ Là địa bàn phát triển sôi động về kinh tế - xã hội với tốc độ đô thị hóa cao, nhiều nhà cao tầng, siêu cao tầng, nhiều loại hình kinh tế có nguy cơ cháy nổ cao, Quảng Ninh được xác định là một trong những tỉnh trọng điểm về PCCC&CNCH. Toàn tỉnh hiện có trên 17.000 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC; 109/1.452 khu dân cư nguy cơ cháy, nổ cao.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình cháy nổ trên địa bàn được kiềm chế; toàn tỉnh xảy ra 18 vụ cháy, gây thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ đồng (giảm 6 vụ cháy, giảm trên 18 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022), không có thiệt hại về người. Nguyên nhân chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện; sơ suất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đa phần các vụ cháy xảy ra trong khu dân cư.
Công an tỉnh đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhằm tăng cường và bảo đảm tuyệt đối an toàn PCCC&CNCH tại các khu dân cư, nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (SXKD). Trong đó đã làm tốt công tác tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các địa phương chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn PCCC tại khu dân cư.
Đặc biệt tại các khu dân cư, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh, địa phương, người đứng đầu các cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an thực hiện thường xuyên, nghiêm túc công tác hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở người dân, chủ hộ gia đình đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC trong quá trình sinh hoạt, SXKD. Đồng thời vận động người dân phá dỡ lồng sắt “chuồng cọp” để mở lối thoát nạn thứ 2; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Qua đó từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức của chủ hộ gia đình, hộ kinh doanh và người dân, góp phần kiềm chế số vụ cháy, nổ tại nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp SXKD trên địa bàn tỉnh.
Công an cấp huyện đã đẩy mạnh phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, chương trình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy”. Một số doanh nghiệp trên địa bàn tặng bình chữa cháy cho công nhân, người lao động. Tỷ lệ hộ gia đình tình nguyện trang bị bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thô sơ tại nhà ngày càng tăng, đến thời điểm hiện tại là 76%.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 1.513 mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, 514 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”; trên 350.000 người là đại diện hộ gia đình, nhà để ở kết hợp SXKD được tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC; 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp SXKD trong toàn tỉnh đã mở lối thoát nạn thứ 2. Nhiều chợ đã vận động được các hộ kinh doanh tự trang bị bình chữa cháy tại điểm bán hàng (ngoài các bình chữa cháy chung của chợ, do Ban quản lý chợ quản lý).
Những con số trên cho thấy sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự phối hợp có hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở; và đặc biệt là sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác PCCC tại hộ gia đình, khu dân cư.
- Những tháng cuối năm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ tăng cường những giải pháp gì?
+ Những tháng cuối năm thường dễ xảy ra cháy nổ do các hoạt động SXKD ngày càng sôi động. Cơ sở hạ tầng xây dựng lâu năm, nhiều công trình cũ, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn mới về PCCC, nhưng không thể khắc phục ngay trong thời gian ngắn. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu đối với công tác PCCC còn hạn chế, thậm chí buông lỏng quản lý. Ý thức, kiến thức, kỹ năng của một bộ phận nhân dân về công tác PCCC chưa cao.
Để giảm thiểu thiệt hại, mọi người cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của "thời điểm vàng" 5 phút kể từ khi xảy ra cháy để thực hiện các biện pháp chữa cháy tại chỗ, xử lý ngay các đám cháy ngay từ khi mới phát sinh, chống cháy lan, cháy lớn. Vì thế, việc chủ động trang bị thiết bị PCCC tại nhà và rèn kỹ năng chữa cháy cho bản thân và gia đình là vô cùng cần thiết.
Đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, đặc biệt là trong khu dân cư, những tháng cuối năm, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp tục tổng kiểm tra, rà soát các yêu cầu về an toàn cháy đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC&CNCH; xử lý nghiêm các cơ sở cố tình vi phạm các quy định về PCCC&CNCH dẫn đến cháy, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng... Đồng thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác PCCC&CNCH.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()