Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:50 (GMT +7)
Bạo lực ngôn từ - Khi lời nói là lưỡi dao
Thứ 5, 08/06/2023 | 11:02:33 [GMT +7] A A
Bạo lực ngôn từ là hành vi khá phổ biến và có tác động tiêu cực đến các mối quan hệ. Trên thực tế, nó vẫn diễn ra hàng ngày với nhiều người.
Thực trạng bạo lực ngôn từ diễn ra phổ biến
Một trong những thực trạng tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe giới trẻ ngày nay đó là bạo lực ngôn từ. Ở xã hội ngày nay, bất kỳ ai cũng có thể đối mặt với vấn nạn này. Theo một cuộc điều tra của nhà tâm lý học cho thấy "Cứ 20 người lại có một người phải chịu bạo lực ngôn từ, 50 người lại có một người tự sát vì mắc bệnh tâm lý, nhẹ thì bị rối loạn, nặng thì có thể dẫn tới hành vi giết người, tự sát".
Nhiều người sẽ cảm thấy rùng mình thậm chí nghi hoặc những số liệu trên thế nhưng sự thật ai trong số chúng ta cũng có thể từng là nạn nhân của bạo lực ngôn từ. Một điều đáng buồn là ngày nay không khó nhìn thấy các vụ việc đau lòng xảy ra liên quan đến bạo lực ngôn từ, đặc biệt trong giới trẻ. Gần đây nhất, sau khi một số cuộc thi hoa hậu diễn ra, tình trạng này trở nên đáng báo động hơn, khi nhiều thí sinh và hoa hậu trở thành mục tiêu của nạn bạo lực ngôn từ. Điển hình như Hoa hậu Đoàn Thiên Ân bị miệt thị về cân nặng từ ngay sau đêm đăng quang Miss Grand. Trên thực tế, khi chỉ trích về ngoại hình của người khác, nhiều người thường dựa trên những tiêu chuẩn không đúng về cái đẹp để áp đặt người khác, họ đưa ra những bình luận ác ý, thậm chí là hành động bắt nạt.
Giới trẻ vốn dĩ là những người còn trong quá trình học hỏi để trưởng thành cho nên còn nhiều thiếu sót. Đặc biệt là thế hệ “Gen Z” ngày càng tự tin hơn, có nhiều cách khác nhau để khẳng định phong cách sống và tìm ra cá tính, chất riêng của mình. Vì vậy, họ dễ trở thành trung tâm của những soi mói quá đà. Hơn nữa, người trẻ chưa biết cách để cân bằng các mối quan hệ cho nên cũng thường cạnh tranh hoặc mâu thuẫn lẫn nhau, dẫn tới mất kiểm soát hành vi, dễ xúc phạm nhau về mặt ngôn từ.
Điều đáng sợ của bạo lực ngôn từ là nó “giết chết người ta từ bên trong”. Bạn Trần Hà Minh Châu (20 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) kể rằng: “Mình từng là nạn nhân của bạo lực ngôn từ khi học cấp 2. Mình sợ ra đường, chỗ đông người vì cảm thấy có người nhìn thấy mình. Cảm giác lúc nào bản thân cũng trong tình trạng căng thẳng, sợ người khác đàm tiếu và nói xấu sau lưng. Tâm lý ấy không chỉ đến với những người không thích mình, mà còn cả những người xung quanh nữa. Vết thương này kéo dài rất lâu, sau này khi gặp lại người từng nói xấu mình thì bản thân vẫn còn khóc. Chuyện đó làm ảnh hưởng tới tâm lý, cách mình kết bạn và ứng xử rất nhiều. Mình trở nên rụt rè, ít nói, tiêu cực hơn và thu mình lại với mọi thứ, gần như trầm cảm”.
Tuổi trẻ vốn đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động bên ngoài. Xét về phương diện hình thành và phát triển nhân cách, bạo lực ngôn từ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với người trong độ tuổi này.
Bạo lực ngôn từ và những điều nhiều người chưa biết
Trong cuộc sống, một số người cho rằng lời nói của mình là trò đùa vui, khuấy động không khí mà không biết rằng chính mình có thể đang bạo lực ngôn từ người khác. Điều này xuất phát từ việc không phải ai cũng có cái nhìn toàn diện về vấn nạn nan giải này.
Tâm sự về một lần bản thân bị người quen “vô tình” bạo lực ngôn từ, bạn Đặng Thảo Trang (sinh viên Học viện Tài chính) kể lại: “Mình có chơi thân với một nhóm 4 người, mọi người trong nhóm tính rất hài hước và hay đùa, thế nhưng không phải lúc nào mình cũng cảm thấy thoải mái với trò đùa của mọi người. Đỉnh điểm là một lần mình bị các bạn trêu “đen như củ súng”. Dù sau đó mọi người giải thích rằng có yêu quý thì mới trêu nhưng mình vẫn không thể nghĩ tích cực được”.
Một biệt danh kiến bạn trở nên ngại ngùng tự ti nhưng lại được ngụy trang theo cách “nghe vui mà”, “nghe dễ thương mà” cũng là một dạng bạo hành. Vậy nên câu chuyện sẽ không là đùa nữa khi nhân vật chính cảm thấy ức chế và phát sinh cảm xúc tiêu cực. Khi tình trạng ấy kéo dài, cảm xúc "bùng nổ" dẫn đến những cái kết đáng buồn.
Thực tế, bạo lực ngôn từ có rất nhiều loại nhỏ, trong đó có thể kể đến như: Bodyshaming (miệt thị ngoại hình), nói xấu cộng đồng,...
Chính vì sự đa dạng của các loại hình mà nhiều người đang vô tình trở thành kẻ bạo lực người khác. Thậm chí, từng là nạn nhân nhưng vì muốn đáp trả mà có người lại trở thành thủ phạm của vấn đề.
Mặt khác, tự do ngôn luận hiện tại cũng đang có dấu hiệu “biến tướng” ở một số cá nhân, nhất là với giới trẻ và các hoạt động trên mạng xã hội. Chúng ta đang dần tự cho mình cái quyền để "chửi" người khác, đặt người ta vào trong “một cái lồng” mà ở đó những gì mình thấy là những tiêu chuẩn bắt buộc của họ.
Bạo lực ngôn từ nghe qua thì khá xa lạ thế nhưng nó đang hiện hữu rất nhiều kề cạnh cuộc sống của chúng ta.
Ngăn chặn bạo lực ngôn từ là trách nhiệm của cả cộng đồng
Nhận thức được bản chất và tác hại của bạo lực ngôn từ là một chuyện thế nhưng giải quyết nó lại là một quá trình rất khó khăn, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.
Trước hết muốn giảm thiểu vấn nạn, chúng ta cần hiểu rõ bản thân mình có thể vừa là nạn nhân vừa là hung thủ của bạo lực.
Thế nên, trước hết, chúng ta cần ý thức lời nói của chính mình, kể cả với người thân quen. Còn nếu đã từng là nạn nhân, chúng ta thấu hiểu hơn ai hết nỗi khổ và những hoang mang của kẻ bị xúc phạm, chửi bới, nói xấu,... Và vì vậy hãy học cách bao dung, vị tha, đừng cố tìm cách trả đũa người khác, bởi lẽ chúng ta không thể giảm thiểu điều xấu bằng một hành vi xấu. Hãy tìm cách “chữa lành” cho bản thân như tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, gia đình. Trong nhiều trường hợp, bạo hành bằng lời nói có thể khiến cho bạn bị tổn thương sâu sắc. Nếu không thể tự mình vượt qua thì bạn nên chủ động tìm gặp chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ.
Bên cạnh đó, mỗi chúng ta hãy quan tâm hơn tới những người thân quen bên cạnh mình. Nếu thấy họ có dấu hiệu bị bạo lực thì cần động viên, an ủi, giúp họ vượt qua những tổn thương về mặt tinh thần.
Quan trọng nhất vẫn là cần tuyên truyền tới cho cộng đồng lớn những rủi ro do tình trạng bạo lực ngôn từ gây ra, nhất là với giới trẻ. Để ngăn chặn và phòng ngừa tình trạng sử dụng bạo lực ngôn ngữ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà giáo dục với gia đình và xã hội. Tuy nhiên cách tuyên truyền cũng cần hấp dẫn, thú vị, tránh triết lý, giáo điều sẽ không gây được thiện cảm và tiếp nhận của người trẻ.
Tường Linh (Báo Truyền hình CLC K41 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Liên kết website
Ý kiến ()