Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 11/01/2025 14:44 (GMT +7)
Bảo quản thực phẩm đúng cách trong mùa dịch
Thứ 6, 24/09/2021 | 10:06:26 [GMT +7] A A
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến thói quen đi chợ của người dân thay đổi. Thay vì hằng ngày mua đồ tươi sống, giờ đây nhiều người chấp nhận mua thực phẩm tích trữ dùng cho nhiều ngày, thậm chí là cả tuần để hạn chế tiếp xúc. Thế nhưng, nếu bảo quản không đúng cách, thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn và gây mất an toàn.
Tủ lạnh không phải là “bảo bối”
Trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, mọi người mua nhiều rau, củ, thịt, cá… rồi “nhồi” hết vào tủ lạnh để ăn dần. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, nếu bảo quản không đúng cách, thực phẩm dù để lạnh vẫn có thể phát sinh nhiều chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đề cập đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn, vệ sinh thực phẩm quốc gia cho rằng, protein có trong thịt, cá, trứng, sữa..., nếu không được bảo quản đúng cách, khi bị vi sinh vật tấn công sẽ sản sinh ra những độc chất, như: Nitrit, amoniac. Khi con người hấp thụ quá nhiều nitrit tại một thời điểm có thể gây ngộ độc cấp tính. Còn với thực phẩm khô, như: Đỗ, lạc, hạt điều, ngô..., nếu không được bảo quản đúng cách dễ bị nấm mốc, sâu mọt, vi khuẩn xâm nhập. Nếu sử dụng những thực phẩm đã bị mốc này cũng dễ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), sai lầm rất lớn của nhiều người là khi đi chợ về để nguyên cả túi nilon cho vào tủ lạnh nên dễ làm thực phẩm lây nhiễm vi khuẩn. Bên cạnh đó, việc mua quá nhiều thức ăn dự trữ và để đồ ăn quá lâu trong tủ lạnh cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe mà nhiều người không biết.
“Khi để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh, một số enzyme trong thực phẩm sẽ tự phân hủy và chuyển hóa, làm thực phẩm ít nhiều mất đi một số chất dinh dưỡng, chất béo hòa tan... Ngoài ra, nếu tủ lạnh không được vệ sinh thường xuyên thì sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Những thức ăn có hạn sử dụng ngắn nên được xếp ở phía cửa tủ, tránh bị quá hạn”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Danh Tuyên lưu ý.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh, nhiều người có thói quen tích trữ đủ thứ thức ăn sống - chín trong tủ lạnh cũng là nguy cơ dẫn đến ô nhiễm chéo do tiếp xúc giữa các thực phẩm. Tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thức ăn rất tiện lợi, tuy nhiên, các bà nội trợ đừng coi tủ lạnh là “bảo bối”. Bởi, tủ lạnh cũng chỉ bảo quản thực phẩm được một thời gian nhất định. Ngăn tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông, khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thức ăn, nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Cần tích trữ, sử dụng thực phẩm đúng cách
Để bảo đảm an toàn, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân chỉ nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh một thời gian nhất định. Với thực phẩm tươi sống như thịt chỉ bảo quản từ 3 đến 5 ngày, đối với cá là 3 ngày.
Còn theo chuyên gia dinh dưỡng Cao Thị Hậu, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng quốc gia, để bảo quản đúng cách, khi trữ đông thịt, cá nên chia nhỏ thành từng phần đủ ăn, tránh rã đông một lượng lớn, vì nếu đông lạnh trở lại phần thừa sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Trong ngăn đông, nên sắp xếp thực phẩm hợp lý, thực phẩm chín để trên, thực phẩm sống để dưới và tốt nhất là để khác ngăn, khác tầng để tránh nhiễm chéo vi khuẩn. Nên bảo quản thực phẩm trong hộp có nắp đậy kín, ghi ngày để sử dụng theo thứ tự ưu tiên. Ngoài ra, cần phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh; rau, quả tươi phải được rửa sạch, để ráo nước mới cho vào tủ lạnh. Tất cả thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh phải được gói kín hoặc để trong khay, hộp có nắp đậy. Thức ăn chín bảo quản trong tủ lạnh phải được đun sôi lại trước khi dùng.
Ngoài những khuyến cáo về cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, các chuyên gia cũng cho rằng, nên lau dọn tủ lạnh thường xuyên, sau khoảng 2 tuần hoặc 1 tháng nếu bận rộn. Bởi, trong quá trình lưu trữ thực phẩm có thể làm rơi các mảnh vụn nhỏ bám lại trong tủ lạnh. Từ đó, các vi sinh vật, nấm mốc có thể sinh sôi, phát triển trong tủ lạnh và tấn công các loại thực phẩm khác.
Một lưu ý khác nữa cũng được bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia đưa ra, đó là người dân không nên ham rẻ mà mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn để tích trữ. Khi mua thực phẩm tươi sống, nên chọn mua ở nơi uy tín, nơi bảo đảm nhiệt độ bảo quản an toàn, còn nhãn mác, rõ nơi sản xuất và thời hạn sử dụng. Với thực phẩm đóng hộp, ngoài xem kỹ thời hạn sử dụng thì không mua khi thấy sản phẩm bị phồng ở phần nắp hoặc thân hộp.
Hiện tại, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, mọi nguồn lực y tế đều dồn vào để phòng, chống, nếu chẳng may bị ngộ độc thực phẩm sẽ tạo gánh nặng lên hệ thống y tế. Do vậy, bên cạnh việc phòng bệnh để tránh nguy cơ mắc Covid-19, mỗi gia đình cũng cần có ý thức phòng, tránh ngộ độc bằng cách thực hành vệ sinh, an toàn thực phẩm, không tích trữ quá nhiều thực phẩm, chỉ dùng những thực phẩm an toàn, ăn chín, uống sôi. Khi có bất kỳ nghi ngờ gì về thực phẩm không an toàn, thì tuyệt đối không nên sử dụng.
Theo hanoimoi.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()