Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 22:44 (GMT +7)
Bảo tồn đảo đá trên Vịnh Hạ Long
Thứ 7, 16/09/2023 | 11:17:22 [GMT +7] A A
Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới nhờ giá trị nổi bật toàn cầu về thẩm mỹ và địa chất - địa mạo. Tuy nhiên, theo thời gian, do quá trình kiến tạo khách quan, một số đảo đá có nguy cơ sạt lở. Để đảm bảo an toàn cho du khách và bảo tồn các giá trị của di sản, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã chủ động phối hợp với các sở, ngành thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ kịp thời.
Trên Vịnh Hạ Long, khu vực được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới có diện tích 434km2, gồm 775 hòn đảo đá vôi lớn nhỏ. Để có diện mạo như ngày nay, Vịnh Hạ Long đã phải trải qua lịch sử địa chất lâu dài gần 400 triệu năm với quá trình tích tụ tầng đá vôi dày, nhiều lần sụt chìm và bị xâm thực bởi nước biển. Các quá trình đó đã để lại dấu ấn là rất nhiều đứt gãy, nếp uốn trong các khối đá vôi, chia cắt khối đá vôi dày hàng nghìn mét, bị xâm thực bởi nước biển và để lại các đảo đá sót trên mặt Vịnh.
Các hệ thống đứt gãy trong khu vực chính là nguyên nhân của các trường hợp sạt lở, đổ lở đảo đá trên Vịnh Hạ Long. Cụ thể là việc sạt lở hòn 649 năm 2013, sạt lở hòn Thiên Nga năm 2016, sạt lở hòn Bề Hẹn Đông năm 2019, sạt lở hòn 365 năm 2020... Theo nhận định của các chuyên gia, hiện tượng này xảy ra nhiều trong quá khứ hàng triệu năm qua, đang diễn ra và dự báo còn diễn ra trong tương lai.
Theo ông Vũ Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long, các điểm sạt lở trên Vịnh thường xảy ra vào mùa mưa bão, bình thường thời tiết khô ráo sẽ không sạt. Các khu vực núi có nguy cơ sạt lở sẽ có một số dấu hiệu, như: Có các chỏm núi nguy hiểm chồi ra, không có điểm bám và nứt dần. Khi đi qua các khu vực này, các thuyền trưởng có kinh nghiệm sẽ chủ động tránh tàu và báo cáo cho các tổ quản lý trên Vịnh để kịp thời xử lý.
Ông Phạm Quốc Tuấn, Tổ trưởng Tổ quản lý khu Vung Viêng, Trung tâm bảo tồn III (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long) cho biết: Đơn vị thường xuyên tuần tra kiểm soát các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở trên địa bàn quản lý. Đồng thời, nhắc nhở, khuyến cáo bằng văn bản, loa đài tuyên truyền đến tàu thuyền và người dân để di chuyển tránh các khu vực này. Nơi nào có nguy cơ sạt lở, đơn vị báo cáo Ban quản lý Vịnh để có phương án cắm biển cảnh báo, khắc phục, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền qua lại cũng như bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên Vịnh Hạ Long.
Hiện các đảo đá trên Vịnh Hạ Long được quản lý, bảo tồn theo Luật Di sản Văn hoá, Luật Bảo vệ môi trường, Công ước bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Hằng năm, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phục vụ công tác bảo tồn các tài nguyên địa chất - địa mạo trên Vịnh Hạ Long nói chung, bảo tồn các đảo đá nói riêng.
Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, đơn vị đã chủ trì và phối hợp với các viện nghiên cứu, nhà khoa học thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm làm rõ giá trị địa chất - địa mạo Vịnh Hạ Long, trong đó có các hòn, đảo điển hình và các đảo, cụm đảo lớn trên Vịnh, từ đó lập cơ sở dữ liệu, hồ sơ quản lý và đề xuất, thực hiện các giải pháp, phương án bảo tồn. Để đảm bảo an toàn cho du khách và các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh tế - xã hội trên Vịnh Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã có những cảnh báo về các khu vực không đảm bảo an toàn cho các hoạt động du lịch cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội khác của người dân.
Ban Quản lý Vịnh cũng xây dựng bộ tiêu chí và chỉ số giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn Di sản trong đó có giá trị địa chất - địa mạo, thường xuyên và định kỳ triển khai hoạt động giám sát đối với các đảo đá, hang động, tùng, áng và bãi cát trên Vịnh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền tới cộng đồng và khách du lịch về giá trị địa chất - địa mạo Vịnh Hạ Long nói chung và các đảo đá trên Vịnh nói riêng. Đồng thời, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực Vịnh Hạ Long, kịp thời ngăn chặn hành vi xâm hại các giá trị của Di sản, trong đó có các đảo đá và hang động trên Vịnh Hạ Long.
Riêng đối với bảo tồn hòn Trống Mái, từ tháng 11/2020, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đề xuất UBND tỉnh nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long”. Nhiệm vụ được nghiệm thu ngày 25/8/2023, đơn vị chủ trì thực hiện đã đưa ra được các giải pháp giảm thiểu các tác động trực tiếp và giữ ổn định hòn Trống Mái. Nhiệm vụ khoa học đưa ra giải pháp khoan neo áp dụng cho các khối đá có nguy cơ trượt phẳng cao; xây tường bê tông áp dụng cho các khối đá đã bị sạt mất phần chân, bề mặt đá bị phong hoá mạnh; giải pháp trám bịt các hệ thống khe nứt mở, giảm thiểu tốc độ ăn mòn trong các hệ thống khe nứt; giải pháp chống ăn mòn chân đảo bằng cách phun vảy bê tông trộn sợi polime.
Hiện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phối hợp với các sở, ngành tuyên truyền đến các chi hội tàu du lịch, các chủ tàu, thuyền, cano vận chuyển khách, hướng dẫn viên, khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long chung tay bảo tồn hòn Trống Mái, các phương tiện thuỷ khi hoạt động tại khu vực hòn Trống Mái thực hiện giảm tốc độ xuống dưới 10km/giờ trong phạm vi 200m và giữ khoảng cách tối thiểu 70m đối với hòn Trống Mái. Ban tiếp tục nghiên cứu và tham mưu UBND tỉnh các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái trên cơ sở tuân thủ đúng các quy trình, quy định của luật pháp Việt Nam và hướng dẫn của Công ước quốc tế.
Dương Hà
Liên kết website
Ý kiến ()