Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 07/11/2024 16:50 (GMT +7)
Bảo tồn các nguồn gen quý
Thứ 3, 23/04/2024 | 09:18:23 [GMT +7] A A
Các đề tài, nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang góp phần bảo tồn, khai thác, phát huy các nguồn gen động, thực vật quý, có giá trị kinh tế cao phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.
Với những ưu điểm như khả năng sinh sản cao, lớn nhanh, thích nghi được với nhiều môi trường khác nhau, sức chống đỡ bệnh tật tốt, thịt thơm ngon... từ lâu lợn Móng Cái đã được hộ chăn nuôi lựa chọn để phát triển kinh tế. Đây là một trong những nguồn gen quý, tuy nhiên lại đang có nguy cơ thoái hóa giống do sinh sản tự nhiên. Trước thực trạng đó, để bảo vệ nguồn gen lợn Móng Cái thuần chủng, Sở KH&CN cũng đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai nhiệm vụ KH&CN “Bảo tồn nguồn gen lợn Móng Cái trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Mục tiêu của nhiệm vụ nhằm phục tráng và phát triển đàn lợn Móng Cái thuần chủng bằng ứng dụng công nghệ gen, công nghệ hỗ trợ sinh sản và công nghệ dinh dưỡng.
Tham gia vào nhiệm vụ KH&CN, HTX Sản xuất thực phẩm an toàn và dịch vụ thương mại nông lâm ngư Hoàng Nam (TP Móng Cái) đã được cán bộ kỹ thuật của Học viện Nông nghiệp hướng dẫn và chuyển giao công nghệ hỗ trợ sinh sản phân ly giới tính hướng cái và áp dụng công nghệ dinh dưỡng nâng cao năng suất sinh sản và sức sản xuất của lợn thương phẩm. Chị Bùi Thị Mỹ Lệ, Giám đốc HTX cho biết: Thông qua công nghệ, kỹ thuật được chuyển giao, HTX đã sản xuất ra được những con giống lợn Móng Cái thuần chủng và chủ động lựa chọn giới tính con giống, đáp ứng nhu cầu cung cấp giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Đặc biệt, quá trình chăn nuôi khi áp dụng công nghệ dinh dưỡng cũng mang lại hiệu quả cao hơn trước kia, nâng giá trị cung ứng giống và thịt lợn thương phẩm.
Ngoài lợn Móng Cái, gà Tiên Yên cũng là một trong những nguồn gen quý đang được bảo tồn, phát huy phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế. Hộ anh Đinh Quang Trí, xã Đông Hải (huyện Tiên Yên) là một trong những cơ sở sản xuất và chăn nuôi gà Tiên Yên có quy mô lớn trên địa bàn huyện. Hiện gia đình anh đang duy trì khoảng 2.000 con gà đẻ, mỗi tháng cung cấp khoảng 20.000 con gà giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Anh Trí cho biết: Để cung cấp con giống đảm bảo cho các hộ nuôi, gia đình tôi chú trọng khâu chọn giống gà bố mẹ thuần chủng, đồng thời, áp dụng công nghệ thụ tinh, ấp nở nhân tạo để nâng tỷ lệ phôi cũng như chất lượng con giống. Mục tiêu hướng đến của gia đình là chung tay với các hộ chăn nuôi phát triển thương hiệu gà Tiên Yên bền vững, lâu dài.
Bên cạnh sự chủ động của hộ sản xuất cung cấp giống, chính quyền huyện Tiên Yên cũng đang phối hợp với Sở KH&CN và các đơn vị liên quan triển khai nhiệm vụ KH&CN bảo tồn nguồn gen gà Tiên Yên nhằm chọn tạo ra đàn gà hạt nhân phục vụ công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen cũng như hoàn thiện quy trình chọn lọc và quy trình chăn nuôi đàn gà Tiên Yên.
Theo rà soát của Sở KH&CN, hiện Quảng Ninh có gần 250 nguồn gen nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn; trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như: Gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, rươi nước lợ Đông Triều, thông lá tre ngắn, cây tùng La Hán, lúa chiêm đá, cây nấm chẹo… Xác định bảo tồn nguồn gen các loài đặc hữu là nhiệm vụ cấp bách, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành Quyết định số 418/QĐ-UBND (ngày 15/12/2020) "Về việc phê duyệt Đề án khung bảo tồn nguồn gen tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025". Đề án nhằm mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen đã lưu giữ, bảo tồn; phát triển các nguồn gen cây trồng, dược liệu, các mẫu giống vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật quý để phát triển kinh tế, nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập bền vững cho người dân.
Yến Vy
- Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất
- Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển OCOP
- Học sinh THPT Chuyên Hạ Long đoạt giải Nhì Cuộc thi Khoa học, Kỹ thuật cấp quốc gia
- Ngôi trường của những nhà khoa học nhí
- Các nhà khoa học chế tạo nhựa an toàn từ thực vật
- Khai mạc Hội thảo khoa học Trại hè Hùng Vương lần thứ XVIII năm 2024
Liên kết website
Ý kiến ()