Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 01:44 (GMT +7)
Bảo tồn nhà truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số: Đừng để quá muộn
Chủ nhật, 08/12/2024 | 08:11:05 [GMT +7] A A
Là không gian văn hóa gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân, những ngôi nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Ninh còn thể hiện quan niệm về vũ trụ, nhân sinh và niềm tin trong cuộc sống… Đáng buồn là những ngôi nhà này đang dần biến mất và rất cần phải được khoanh vùng bảo vệ “khẩn cấp” cho mục tiêu bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch.
Mỏi mắt đi tìm
Tìm được một nếp nhà truyền thống tại xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) không phải là chuyện dễ dàng. Khi hỏi cán bộ xã có nhà nào mới xây theo phong cách truyền thống của bà con người Dao hay không? Chúng tôi được giới thiệu tới gia đình anh Triệu Văn Điền tại thôn Khe Sú 2. Khu nhà sắp hoàn thiện của gia đình anh dù xây bằng bê tông cốt thép, song thoạt nhìn cũng nhận ra sự khác biệt so với những ngôi nhà ống, nhà mái thái xung quanh.
Mô phỏng kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào Dao Thanh Y, nhà của gia đình anh Điền có 2 tầng, tầng dưới để ở, tầng trên để thờ. Lối lên từ hai bên, ở giữa là tấm phù điêu có nhiều nét trang trí giống với đền thờ. Hỏi ra mới biết vì bố của anh là thầy mo trong thôn nên mỗi dịp lễ Tết đều có bà con trong thôn, xóm tới thăm và thắp hương. Anh xây ngôi nhà này vừa để gia đình sinh sống, lại vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh và bảo tồn văn hóa của cộng đồng người Dao Thanh Y tại xã Thượng Yên Công.
“Bây giờ xây một ngôi nhà 100% truyền thống khó lắm. Nhà của người Dao Thanh Y trước làm hoàn toàn bằng tre, nứa. Bây giờ, rừng cấm không cho khai thác nữa. Nguyên liệu là rất khó, chỉ có thể chuyển sang cát, đá, xi măng. Lợi thế là ngôi nhà sẽ kiên cố hơn, tuy nhiên nếu để nói là nguyên bản nhà truyền thống của người Dao thì lại không được hoàn toàn”, anh Triệu Văn Điền chia sẻ.
Nằm ngay dưới chân núi Yên Tử, xã Thượng Yên Công có trên 60% người Dao sinh sống. Tại thôn Khe Sú 2, tỷ lệ người Dao lại càng đông, tuy nhiên số lượng những ngôi nhà truyền thống ở đây không tỷ lệ thuận với số lượng bà con người Dao sinh sống. Nhà xây mới theo lối cổ hoặc mang dáng dấp cổ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn với những ngôi nhà cổ thì chưa có con số thống kê chính xác. Đây cũng là thực trạng với nhiều vùng đồng bào DTTS của tỉnh Quảng Ninh.
Số phận nhà cổ
Xã Đại Dực (huyện Tiên Yên), nơi có phần đông người Sán Chỉ sinh sống đã từng là nơi còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà truyền thống của người Sán Chỉ nhất của tỉnh Quảng Ninh. Song theo thống kê mới nhất của xã Đại Dực, trên toàn xã còn lại duy nhất một căn nhà cổ của người Sán Chỉ. Chỉ trong chưa đầy 3 năm, số nhà cổ tại đây suy giảm nhanh chóng, từ 8 căn nhà còn lại vào năm 2021 xuống còn duy nhất một căn nhà vào năm 2024.
Ngôi nhà của người Sán Chỉ duy nhất còn lại ở Đại Dực là của gia đình ông Nình A Liềng và bà Nình Móc Màu, ở thôn Khe Lục. Đây cũng là ngôi nhà truyền thống có vị trí thuận lợi, quang cảnh và giá trị thẩm mỹ cao. Nhà nằm dưới những tán cây, gây ấn tượng mạnh với hàng rào đá đều tăm tắp. Ngôi nhà sàn có 5 gian, có màu vàng nhạt được làm từ gạch đất, có 2 mái lớp bằng ngói âm dương. Khoảng sân rộng là nơi gia chủ phơi các loại nông sản, để chất đốt, còn căn bếp nhỏ là nơi diễn ra các hoạt động chính trong gia đình.
Được biết, ngôi nhà được xây dựng từ năm 1969 từ nguồn nguyên liệu tại chỗ là gỗ, đá cuội, gạch, ngói. Ngôi nhà được xây dựng và gìn giữ đến nay theo đúng tâm nguyện của ông Nình A Liềng. Đó là để cho con cháu “biết được cái gốc tích của dân tộc Sán Chỉ.” Nay ông Liềng đã khuất núi, ngôi nhà cổ chỉ còn lại người vợ tuổi cao sức yếu trông nom. Các con ông cũng đã chuyển vào thị trấn Tiên Yên sinh sống, lo cho mẹ một mình trong ngôi nhà cổ, họ đã nhiều lần giục bà rời bỏ ngôi nhà, vào thị trấn ở cùng song bà không chịu vì “Người mà đi thì nhà ai trông? Không có người ở, căn nhà nhanh xuống cấp lắm!”.
Trải qua 5 thập kỷ dãi nắng dầm mưa, ngôi nhà gạch đất dần nhuốm màu thời gian, những khung cột bằng gỗ, vách ngăn, vì kèo đã không còn vững chãi như xưa. Đợt siêu bão Yagi vừa rồi cũng là một thách thức thót tim khi đôi chục tấm ngói bị bay và một mảng tường bị sập. Bà Nình Móc Màu sống một mình trong ngôi nhà cổ cũng được các con đưa đi di tản trước bão. Đến nay, những chỗ hư hỏng của ngôi nhà đã được gia cố nhưng ai có thể đảm bảo ngôi nhà sẽ tiếp tục vững chãi với thời gian khi thiên tai thất thường và thế hệ chủ nhân tiếp theo của ngôi nhà đã không còn mặn mà?.
Số phận những ngôi nhà cổ gắn bó chặt chẽ với gia chủ. Khi thế hệ gia chủ trước dần mất đi, thế hệ sau thừa kế ngôi nhà không còn muốn giữ lại tài sản này nữa thì số phận tất yếu của những ngôi nhà cổ đã sớm định sẵn.
Cần chủ động hơn
PGS, TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam từng gợi mở: Để bảo tồn những ngôi nhà truyền thống, quan trọng nhất là phải từ chính đồng bào các dân tộc. Muốn bảo tồn thì cần vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu về bản sắc văn hóa qua những ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình. Việc bảo tồn cũng phải gắn liền với nhu cầu và đời sống hiện nay, khi xây dựng, người dân có thể thay bằng các nguyên vật liệu mới, tuy nhiên vẫn phải giữ được hồn cốt, không gian sinh hoạt văn hóa bên trong ngôi nhà. Bên cạnh đó, khi bảo tồn nguyên vẹn nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc thì nên xây dựng tại các khu du lịch, làng văn hóa, để từ đó giúp người dân vừa bảo tồn, vừa tạo ra thu nhập thông qua việc thu hút khách tham quan.
Tháng 11/2024, huyện Bình Liêu chính thức khai trương 2 căn homestay được xây theo kiến trúc nhà trình tường truyền thống của dân tộc Dao Thanh Phán, nằm tại thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn. Với những du khách, đây hứa hẹn là sản phẩm du lịch hấp dẫn mà họ mong muốn được một lần trải nghiệm: Ở trong nhà người Dao, sống cùng bà con người Dao và trải nghiệm văn hóa của người Dao. Chắc chắn đây sẽ là trải nghiệm rất độc bản! Còn với những người tâm huyết với văn hóa của Bình Liêu, hai căn homestay có một ý nghĩa lớn hơn, khiến họ phấn khởi hơn.
Bà Tô Thị Nga, Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Bình Liêu cho biết: Hai căn homestay được xây dựng theo hướng cải tiến nguyên vật liệu nhưng vẫn giữ gìn nét kiến trúc truyền thống nhà trình tường của người Dao. Sau hai căn homestay này, dự kiến năm 2025 sẽ có thêm một hộ dân nữa ở thôn Khe Tiền đăng ký xây nhà làm homestay theo kiến trúc truyền thống kết hợp công nghệ hiện đại. Xa hơn nữa chúng tôi dự định đưa Khe Tiền thành bản du lịch người Dao với ít nhất 30 homestay.
Xác định những bước đi cần thiết để bảo tồn văn hóa nói chung và cứu lấy những ngôi nhà cổ nói riêng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 21/6/2023 về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025. Đó là làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái), làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (huyện Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn). Kế hoạch được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến tích cực tại 4 thôn của Quảng Ninh có phần đông đồng bào dân tộc sinh sống, tuy nhiên đến nay mới có thôn Vòng Tre xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) triển khai được bước đầu của kế hoạch xây dựng làng văn hoá, ở những thôn còn lại việc triển khai còn chậm vì nhiều vướng mắc.
Thiết nghĩ, các thôn, bản nơi còn lưu giữ được những ngôi nhà cổ với nhiều giá trị cần chủ động, quyết liệt hơn trong công tác bảo tồn, thể hiện rõ tâm huyết với văn hóa của chính cộng đồng và dân tộc mình; tránh tình trạng nhà cổ đã mất hết mới xây làng du lịch.
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()