Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:01 (GMT +7)
Bảo vật Quốc gia giữa non thiêng Yên Tử…
Chủ nhật, 10/01/2021 | 08:57:49 [GMT +7] A A
Về với non thiêng Yên Tử, nơi gắn liền với tên tuổi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông - vị vua anh hùng, người đã sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử từ hơn 700 năm trước, còn tồn tại đến ngày nay, du khách nào cũng tìm đến Huệ Quang kim tháp, để dâng hương tưởng nhớ ngài...
Ngôi tháp ấy đặt bảo tượng Phật Hoàng, nhiều người đều biết. Vậy nhưng không phải ai cũng biết, bảo tượng đã hơn 300 năm gắn bó cùng những thăng trầm lịch sử của nơi này. Đặc biệt, vừa qua, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia…
Tượng từ tháp mà ra…
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông vừa được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào cuối năm 2020. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh. |
Từng nhiều lần hành hương Yên Tử, dâng hương, chiêm bái Phật hoàng trong khám thờ của ngôi tháp Tổ (tháp Huệ Quang) giữa khu vườn tháp nơi đây, nhưng quả thật khi tìm về lịch sử bảo tượng cùng các cán bộ Bảo tàng Quảng Ninh, những người đã dày công nghiên cứu hiện vật và lập hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia cho tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Tổ, Yên Tử, chúng tôi được biết thêm rất nhiều điều thú vị.
Thực tế, tháp Huệ Quang vốn có từ thời Trần, được vua Trần Anh Tông cho xây dựng. Sách Tam tổ thực lục cho biết, vào năm 1326, Pháp Loa phụng chiếu của vua Trần Minh Tông đến chùa Hoa Vân (chùa Hoa Yên hiện nay), tôn trí xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông vào đây… Ngôi tháp hiện nay nằm giữa khu vườn tháp, là một trong những tháp lớn nhất tại đây, xung quanh được bao bọc bằng hệ thống tường bao lợp ngói và những cây đại cổ, tạo thành khung cảnh rất độc đáo.
Tuy nhiên, đây không phải ngôi tháp được dựng từ thời Trần mà tháp hiện nay được dựng lại vào thời Lê Trung Hưng trên nền tháp cũ, sau khi tòa tháp được xây dựng dưới thời Trần bị sập đổ. Khi dựng lại tháp, người ta đã sử dụng lại một số cấu kiện tháp của thời trước, thấy rõ nhất là những cấu kiện góc mái, bệ sen và đế tháp với trang trí hoa sen dây, tàu mái trang trí hình rồng thời Trần…
Tháp Huệ Quang nằm giữa khu vườn tháp Yên Tử. |
Tương tự như vậy, pho tượng Phật Hoàng được an trí tại đây cũng được tạc bằng đá xanh, một trong hai loại đá xây dựng ngôi tháp này thời Trần còn trên tháp hiện nay. Khẳng định điểm độc đáo này, ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, phân tích: Đá xây dựng tháp có 2 loại, đều được sử dụng ở thời Trần và thời Lê Trung hưng, được phân biệt qua các hoa văn trang trí trên đá mang nét đặc thù của mỗi thời. Đá tạo tượng là đá xanh, có cùng nguồn gốc, thành phần khoáng vật và hoá học với loại đá xanh xây tháp thời Trần.
Tuy vậy, tượng không phải được tạo tác từ thời Trần mà là thời Lê Trung hưng căn cứ vào kỹ thuật, kích thước, phong cách trang trí trên tượng. Thậm chí, đây còn là một điển hình mẫu mực trong nghệ thuật điêu khắc tượng Phật Đại Việt thế kỷ 17.
Kích thước của tượng thể hiện tính chuẩn mực trong quy tắc tạo tác tượng Phật giai đoạn này. Các họa tiết hình rồng ở bệ tượng như vân mây hình đao lửa, lưng rồng uốn “kiểu yên ngựa” là những nét đặc trưng tiêu biểu của mỹ thuật thời Lê Trung hưng. Các họa tiết và đồ án sen dây trên y phục của tượng và hoa sen trên bệ tượng cùng một phong cách, cấu trúc và hình thức thể hiện. Hoa sen dây trên y phục cũng gặp nhiều trên văn bia và tượng thờ thời Lê Trung hưng…
Một số mẫu trang trí hình rồng, hoa lá trên bệ tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang, Yên Tử. Ảnh do Bảo tàng Quảng Ninh cung cấp. |
Chia sẻ thêm về kỹ thuật tạc tượng, ông Sơn bày tỏ: “Chúng tôi nhận định rằng, tượng được tạc từ 2 khối đá vốn là các cấu kiện tháp Huệ Quang thời Trần. Tượng được làm hoàn toàn thủ công. Sau khi tạc thô, tượng được chỉnh tinh, đặc biệt là các nếp áo và hoa văn trang trí. Bề mặt tượng được mài nhẵn, mịn rất kỹ, kể cả ở các vị trí có đường nét hoa văn rất nhỏ. Kích thước, tỉ lệ, tư thế, dung mạo của tượng và các họa tiết hoa văn trang trí trên tượng cho thấy nghệ nhân tạo tác pho tượng này phải có trình độ hiểu biết sâu rộng về chuẩn mực tạc tượng cũng như trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao.”
Pho tượng cổ độc đáo
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông vậy là đã được tạo tác và bài trí trong tháp Huệ Quang, Yên Tử, từ thế kỷ 17 cho đến nay đã hơn 300 năm.
Danh tiếng của Trần Nhân Tông đã rõ, Ngài không chỉ là một vị vua anh hùng mà khi rời bỏ ngai vàng theo nghiệp tu hành cũng có rất nhiều công lao. Đặc biệt, Trần Nhân Tông là người thống nhất các dòng thiền lúc bấy giờ sáng lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền thuần Việt có tư tưởng nhập thế, còn tồn tại đến ngày nay. Vậy thì dưới thời Trần và trải qua các triều đại phong kiến sau này, Ngài hẳn là được dựng tượng và thờ phụng ở nhiều nơi? Do đó cũng sẽ có không ít tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông giống như pho tượng thờ trong tháp Tổ, Yên Tử?
Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh Kiều Đinh Sơn khảo sát tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang, Yên Tử. |
Ngược lại với lập luận của chúng tôi, ông Kiều Đinh Sơn cho hay: Đúng là hầu khắp chùa lớn của Phật giáo Trúc Lâm đều thờ phụng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, dưới hai hình thức chính là long ngai bài vị và tượng. Ngay sau khi Ngài hóa Phật, vua Trần Anh Tông cũng đã cho đúc tượng để thờ phụng nhưng tượng Phật Hoàng nói riêng và tượng Tam Tổ Trúc Lâm tạo tác dưới thời Trần hiện không còn.
Hiện nay vẫn còn 2 bộ Tam Tổ Trúc Lâm đầy đủ và cổ nhất tại chùa Phổ Minh (Nam Định) và tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), đều được tạo dựng trong khoảng thế kỷ 17 - 18, làm bằng gỗ và được sơn thếp. Tuy nhiên, tượng Phật Hoàng ở chùa Phổ Minh được tạc theo thế sư tử nằm, mô tả khoảnh khắc Ngài nhập Niết bàn, còn tượng tại chùa Vĩnh Nghiêm thì thể hiện Ngài trong tư thế tọa thiền ở thế buông thư trên bệ vuông, thân khoác y cửu điều, tay phải lần tràng hạt.
Ngoài ra, khảo cổ học cũng phát hiện 2 pho tượng bằng đá tại khu Nhà Tổ chùa Hồ Thiên (Đông Triều), trong đó có 1 pho được cho là tượng Phật Hoàng lại được tạc ở tư thế tọa thiền trên đài sen, hai tay bắt ấn tam muội, thân khoác y cửu điều.
Như vậy, qua so sánh cho thấy, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang, Yên Tử là độc bản, không trùng lặp với bất kỳ pho tượng nào khác về cả tư thế, pháp phục, họa tiết trang trí và thậm chí là cả hình tướng. Pho tượng này được xem là thể hiện hết tinh thần, tướng mạo của Phật Hoàng nên gần đây được nhân bản ở nhiều nơi, nhưng các phiên bản cũng không giống hoàn toàn với tượng gốc.
Du khách dâng hương tại tháp Huệ Quang, nơi an trí bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ hơn 300 năm nay. |
Không chỉ có giá trị độc bản, như đã nói ở trên, tượng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang cũng là pho tượng cổ nhất hiện còn về Ngài. Việc sử dụng trang phục hay tư thế toạ thiền của tượng cũng cho thấy nhiều ý nghĩa đặc sắc.
Cụ thể, như trước đây nhiều nhà nghiên cứu thường băn khoăn, vì sao tượng Phật Hoàng tại Yên Tử không sử dụng y phục phổ biến của Phật giáo Bắc Tông? Ông Sơn lý giải: Các mô tả của sử cũ và kết quả nghiên cứu gần đây đều thống nhất cho rằng hành trình tu luyện, nhập diệt theo thế sư tử nằm, phân phát xá lỵ đi khắp nơi của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông là một chuỗi công việc mô phỏng quá trình tu luyện, viên tịch và phân phát xá lị của Đức Phật Thích-Ca-mâu-ni.
Điều đó có thể lý giải vì sao tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang sử dụng pháp phục tam y (bộ pháp phục theo quy chuẩn của Phật giáo, gồm 3 tấm vải với ba chức năng khác nhau: y hạ quấn để làm quần, y trung để che đắp phần thân và y thượng để khoác lên vai, có thể dùng để trải lót chỗ khi ngồi, đắp khi ngủ), đều là loại y phục theo hình mẫu của Phật giáo nguyên thủy, chứ không phải loại y phục phổ biến của Phật giáo Bắc Tông.
Bên cạnh đó, pháp phục và tư thế tọa thiền của tượng cũng thể hiện rõ tư thế tự tại, vô ngã, vô chấp và tùy duyên nhưng không kém phần chuẩn mực của Phật Hoàng. Có thể so sánh với các tượng khác để thấy rõ điều đó. Như tượng Phật Hoàng ở chùa Hồ Thiên (Đông Triều) được thể hiện ở tư thế thiền định trên bệ sen, hai tay bắt ấn tam muội; tượng chùa Vĩnh Nghiêm thể hiện ở tư thế thiền định trên bệ vuông, tay phải lần tràng hạt nên pháp phục hết sức chỉnh tề.
Khác với đó, tượng ở tháp Huệ Quang được thể hiện ở tư thế thiền buông thư, y thượng được dùng làm tấm lót, thân khoác y trung và y hạ. Sư tăng khi thuyết pháp buộc phải khoác y thượng, còn thông thường chỉ khoác y trung, y hạ khi lễ bái, tụng kinh, nghe pháp và thọ trai.
… Non thiêng Yên Tử vốn là nơi chốn đi về của hàng triệu phật tử, du khách bốn phương hàng năm. Mùa xuân năm nay, nơi đây đã có thêm một hiện vật gắn với Phật Hoàng Trần Nhân Tông được công nhận Bảo vật Quốc gia, cho chốn linh thiêng càng thêm quý giá, góp phần lan toả sâu rộng hơn các giá trị của một dòng thiền nhập thế trong đời sống hôm nay.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()