Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:17 (GMT +7)
Quyết tâm trấn áp các loại tội phạm ở khu vực biên giới
Thứ 3, 26/12/2023 | 09:57:39 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có đường biên giới dài cả trên bộ, trên biển. Những năm qua, công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật tại các khu vực biên giới, cửa khẩu được Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng (hải quan, BĐBP) triển khai quyết liệt, đạt được hiệu quả tích cực trên nhiều mặt công tác.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, trên tuyến biên giới và các khu vực cửa khẩu tại Quảng Ninh, do tính chất đặc điểm dân cư chủ yếu là đồng bào DTTS với mật độ dân số thấp, tình hình trật tự xã hội trên các địa bàn biên giới, cửa khẩu cơ bản ổn định. Tuy nhiên, đặc điểm địa lý tuyến biên giới là điều kiện thuận lợi để các đối tượng (phần lớn là đối tượng từ địa bàn khác đến) lợi dụng hoạt động phạm tội, đặc biệt là các loại tội phạm có tính chất xuyên quốc gia, như: Mua bán người, môi giới đưa dẫn người XNC trái phép, tội phạm sử dụng công nghệ cao, trốn truy nã...
Trước thực trạng đó, lực lượng công an đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra kiểm soát công khai, khép kín tại các địa bàn biên giới, cửa khẩu, nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm. Đồng thời, thường xuyên tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp huy động các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tội phạm, phát động phong trào quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, tập trung trên các địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, không để các đối tượng lợi dụng lôi kéo, mua chuộc, đồng thời chủ động phát hiện, tố giác tội phạm.
Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng tập trung quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh, kiềm chế tội phạm về trật tự xã hội khu vực biên giới. Những vấn đề phức tạp, nổi lên về trật tự xã hội theo từng địa bàn, chuyên đề, lĩnh vực đã kịp thời được phát hiện, giải quyết, không để xảy ra các ổ, nhóm tội phạm hoạt động công khai, lộng hành, gây bức xúc trong dư luận, quần chúng nhân dân.
Từ năm 2016 đến nay, lực lượng công an đã đấu tranh, điều tra làm rõ 45 vụ/74 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội. Tỷ lệ điều tra khám phá án án trật tự xã hội tại địa bàn biên giới, cửa khẩu đạt 85%, riêng điều tra, khám phá án rất nghiêm trọng trở lên đạt 100%. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ở khu vực này đã được kéo giảm rõ rệt.
Điển hình như tội phạm mua bán người, thời gian trước, trung bình mỗi năm trên địa bàn xảy ra 9-10 vụ mua bán phụ nữ, trẻ em mà phương thức thủ đoạn phạm tội chủ yếu là các đối tượng cấu kết, liên hệ với một số đối tượng ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, lấy địa bàn Quảng Ninh làm nơi trung chuyển đưa nạn nhân từ nội địa sang bên kia biên giới. Từ năm 2016 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người khu vực biên giới được kiềm chế hiệu quả, trung bình mỗi năm chỉ còn 3-4 vụ (năm 2020 và năm 2022 không xảy ra vụ án mua bán người).
Tuy vậy, trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Các hoạt động tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, các đối tượng người Việt Nam và đối tượng người nước ngoài cấu kết, móc nối với nhau để hoạt động phạm tội. Chúng lợi dụng hạ tầng công nghệ thông tin, Internet tại khu vực chồng lấn sóng để thực hiện các hành vi lừa đảo qua mạng, tổ chức đánh bạc qua mạng, tổ chức lắp đặt thiết bị skimming (thiết bị đánh cắp thông tin thẻ ATM...) hoặc làm giả thẻ ngân hàng để rút tiền tại ATM...
Trong hoạt động kinh tế, các đối tượng cũng lợi dụng đường mòn, lối mở, lực lượng chức năng mỏng, khó kiểm soát chặt chẽ để thực hiện hành vi vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm dịch. Đặc biệt, những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh, các đối tượng trao đổi thông tin, giao dịch mua bán hàng hóa qua các phần mềm nước ngoài, gây nhiều khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh.
Thời gian tới, phát huy những thành quả đã đạt được, nắm, phân tích, nhận định đúng tình hình, địa bàn, các lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực chất, kịp thời hơn nữa, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, đóng góp tích cực vào công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()