Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:17 (GMT +7)
Bảo vệ chuỗi cung ứng, doanh nghiệp đề xuất tạo “vùng đệm” tại các Nhà máy “3 tại chỗ”
Thứ 2, 09/08/2021 | 16:19:40 [GMT +7] A A
Doanh nghiệp hàng thiết yếu không thể cung cấp đủ hàng để cung ứng cho nhu cầu thị trường vì thiếu nhân công để sản xuất. Phương án sản xuất “3 tại chỗ” đã tỏ ra kém hiệu quả khi áp dụng tại các doanh nghiệp này.
Phương án khắc phục những điểm yếu của “3 tại chỗ”
Sáng 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các hiệp hội, doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Phát biểu Hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Thường trực VinCommerce (Công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan) nhận định, mô hình “3 tại chỗ” là chủ trương đúng đắn nhưng chỉ hiệu quả trong ngắn hạn, khoảng 1-2 tuần. Nếu áp dụng dài hạn, thì “3 tại chỗ” có nguy cơ là ổ lây nhiễm lớn nếu có ca nhiễm.
Do vậy, Masan đề xuất Chính phủ và các địa phương nên cho phép lập “vùng đệm” chung quanh nhà máy, với các cơ sở như trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu... Lao động tại các doanh nghiệp có thể ăn nghỉ, giãn cách và phòng tránh dịch bệnh tại các “vùng đệm” này.
Mô hình 3 tại chỗ là sáng kiến từ các khu công nghiệp của Bắc Ninh, Bắc Giang. Tại đây, mô hình này được xem như biện pháp hữu hiệu để các doanh nghiệp duy trì sản xuất, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh miền Nam, khi dịch bùng phát, mô hình 3 tại chỗ cũng đã được triển khai. Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra rằng mô hình này chưa phù hợp điều kiện sản xuất cần nhiều lao động như tại các nhà máy ở miền nam.
Cụ thể, tại Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), doanh nghiệp này đã áp dụng nghiêm ngặt phương án sản xuất “3 tại chỗ” từ ngày 24/6, nhưng vẫn phát hiện nhiều ca F0 trong nhà máy, khiến doanh nghiệp này buộc phải dừng hoạt động từ 29/7, khiến nguồn cung thịt lợn cho thị trường TP Hồ Chí Minh mất đi 30%.
“Hiện công ty có 700 ca F1 liên quan đến các ca F0, khiến sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề. các F1 này được cách ly tại nhiều nơi, thậm chí ở trong khuôn viên công ty. Điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người lao động, thậm chí người ta muốn nghỉ làm”, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan nói.
Tổng Giám đốc Công ty Acecook Việt Nam Kajiwara Junichi cũng cho biết, hiện số lao động đăng ký “3 tại chỗ” chỉ bằng một nửa tổng số lao động, do đó sản lượng sản xuất giảm rất nhiều so bình thường.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh, thành phố phía nam bảo đảm được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30 đến 50% trong tổng số lao động. Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40 đến 50% so trước. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30 đến 40%.
Tình trạng tương tự đang diễn ra trong nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử... ở Bình Dương và nhiều địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Tính đến nay, sau hơn 1 tháng thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp ở phía nam đã lần lượt đề nghị với chính quyền về việc ngừng mô hình này. Bởi lẽ trong thời gian qua người lao động ở các doanh nghiệp đang hoạt động cũng yêu cầu chấm dứt lưu trú lại nơi làm việc.
Như vậy, giải pháp “vùng đệm” tại các nhà máy "3 tại chỗ" do Masan đề xuất có thể là cải tiến quan trọng để mô hình “3 tại chỗ” phù hợp thực tế, phát huy hiệu quả hơn.
Vaccine phải tới đúng đối tượng
Trước đó, trong buổi làm việc tại Công ty Vissan sáng 6/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cuộc chiến chống dịch tại TP Hồ Chí Minh không tính bằng tuần mà bằng tháng. Do đó, các giải pháp phải được tính toán dài hạn. “Quan trọng nhất là duy trì bằng được việc sản xuất, phân phối những mặt hàng "sát sườn" như trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Áp lực từ chính quyền khiến doanh nghiệp phải tổ chức công nhân để duy trì sản xuất các mặt hàng thiết yếu phục vụ thị trường. Nhưng việc tập trung theo phương án “3 tại chỗ” lại là rủi ro cho các công nhân.
Lãnh đạo Công ty Vissan cho rằng, cho rằng để cải thiện tâm lý người lao động, khuyến khích họ trở lại làm việc sau khi phát hiện F0 tại doanh nghiệp, phương án tốt nhất là tổ chức tiêm vaccine tại chỗ cho công nhân công ty.
Xác nhận thực tế này, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng Chính phủ cần tập trung các nguồn lực cao nhất để ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động của các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, công nhân lại không được tiếp cận với vaccine đúng lúc, và hoang mang, không muốn ở lại làm việc. Hiện, công nhân tại nhiều nhà máy không được tiêm vaccine đã bỏ việc hàng loạt, có nhà máy, chuỗi siêu thị đã mất trên 50% lực lượng công nhân, sản xuất sụt giảm nghiêm trọng.
Trong khi đó thì tại nhiều địa phương vaccine lại được bố trí tiêm cho doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Tại Quảng Nam, danh sách tiêm “các đối tượng ưu tiên trong đợt 3 năm 2021” ngày 29/7 và 30/7 có nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, thủy điện...
Bảo vệ sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và chuỗi cung ứng hàng thiết yếu là biện pháp then chốt giữ ổn định xã hội trong tình hình dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay - đại diện của nhiều doanh nghiệp đã khẳng định điều này. Và vì thế, rất cần có những biện pháp cụ thể, có tính đặc thù hơn, nhằm đạt được mục tiêu ấy.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()