Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:18 (GMT +7)
Bảo vệ môi trường khu di tích, danh thắng
Chủ nhật, 06/06/2021 | 08:06:09 [GMT +7] A A
Là địa phương có thế mạnh phát triển về du lịch với đa dạng các loại hình như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái đến du lịch tâm linh... Quảng Ninh luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tự nhiên. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cùng các giải pháp đồng bộ, thiết thực, công tác BVMT tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, tạo không gian cảnh quan luôn xanh, sạch, đẹp, thu hút đông đảo du khách bốn phương.
Tích cực vào cuộc
Tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 600 di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh. Các di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh đã và đang là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn quý giá của địa phương, tạo sức hút không nhỏ đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, song song với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch những năm gần đây cũng tạo sức ép rất lớn đến môi trường tự nhiên nói chung và môi trường tại các khu di tích, danh thắng (DTDT) nói riêng. Xuất phát từ thực tế, các địa phương trên địa bàn tỉnh nhất là các địa phương có điểm di tích, danh thắng có giá trị lớn trong phát triển du lịch đã chủ động đề ra nhiều giải pháp, bố trí nguồn lực cho công tác BVMT.
Theo đó, các khu DTDT đều trang bị thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác vệ sinh môi trường, có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, bố trí hệ thống thùng rác hợp lý, đảm bảo mỹ quan trong khu di tích, thân thiện với môi trường. Đơn cử như tại Khu DTDT Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã hợp đồng với trên 80 công nhân vệ sinh môi trường, đầu tư trên 800 loại thùng nhựa, thùng inox, sọt tre các loại để đựng rác tại các khu vực, cùng trên 50 xe thu gom rác vận hành liên tục hằng ngày. Di tích đền Cửa Ông có hệ thống thu gom và xử lý nước thải với tỷ lệ thu gom đạt trên 90%; Các di tích tại TX Quảng Yên, Đông Triều đều có hợp đồng với các đơn vị thực hiện thu gom và xử lý rác thường xuyên, đặc biệt tăng cường liên tục trong mùa lễ hội....
Cùng với đó, hệ thống bảng biểu tuyên truyền về các quy định thực hiện BVMT đều được các đơn vị quản lý khu di tích, danh thắng bố trí tại các không gian thoáng, rộng, dễ nhìn để du khách đến tham quan dễ đọc và chấp hành thực hiện đầy đủ. Hệ thống nhà vệ sinh tại các khu DTDT được thiết kế dễ nhận biết phù hợp với cảnh quan đặc diểm di tích; hệ thống các am hóa vàng được bố trí tại điểm hợp lý và có phân công nhân lực thường xuyên thu gom đảm bảo phòng chống cháy nổ an toàn.
Không chỉ chú trọng thực hiện các giải pháp đảm bảo cho công tác vệ sinh môi trường, các đơn vị quản lý còn tích cực phối hợp với địa phương, doanh nghiệp đầu tư làm đẹp cảnh quan khu di tích, danh thắng, nhằm tạo không gian xanh, hài hòa với thiên nhiên, góp phần mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo khi đến chiêm bái, tham quan và vui chơi.
Tiêu biểu như Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông, nhằm phát huy vị thế độc đáo, nằm trên dãy núi cao nhìn thẳng ra vịnh Bái Tử Long cùng việc sở hữu khuôn viên rộng hơn 18ha, Ban Quản lý đền Cửa Ông luôn chủ động trong công tác cải tạo, chỉnh trang cảnh quan di tích qua từng năm. Đặc biệt, trong năm 2020, tận dụng khoảng thời gian phòng chống dịch Covid-19 tạm thời đóng cửa không đón khách, Ban Quản lý đền đã phối hợp với TP Cẩm Phả triển khai một số công trình nâng cấp đền thông qua việc mở rộng cải tạo vườn hoa, cây xanh và làm đường mới lên tượng Đức ông Trần Quốc Tảng. Trong đó, công trình vườn hoa cây xanh nằm ở vị trí trước đền Cửa Ông, có diện tích khoảng 2ha. Từ các cây xanh và hoa được trồng trước đó, nay được mở rộng và trồng thêm hàng nghìn gốc hoa hồng, hoa dâm bụt, hoa chiều tím... Ngoài ra, trong khuôn viên đền cũng được bổ sung rất nhiều loại cây như hoa ban, hoa điệp anh đào, các loại cây cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm và đặc biệt vào mùa lễ hội xuân các loại hoa đều bung nở, khoe sắc giữa không gian linh thiêng, thanh tịnh của đền Cửa Ông càng khiến cảnh quan nơi đây thêm phần độc đáo, hấp dẫn du khách.
Đồng bộ các giải pháp
Căn cứ Quyết định số 4666/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Về việc ban hành Bộ Tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quốc gia”, Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tại các khu DTDT trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đã ban hành hướng dẫn các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong quá trình tiến hành các hoạt động quản lý, tu bổ tôn tạo di tích và tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao phải có các biện pháp, phương án BVMT khu DTDT và khoanh vùng để hạn chế khách du lịch vào tham quan tại khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm; làm tốt việc kiểm soát, giảm thiểu tiếng ồn để không ảnh hưởng đến môi trường di tích và không gian tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao. Đặc biệt, tăng cường các phương án giảm thiểu rác thải nhựa, không sử dụng túi nilong và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Cùng với công tác chỉ đạo, hướng dẫn, Sở Văn hóa và Thể thao cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan định kỳ tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về DTDT đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khi triển khai các hoạt động bảo tồn di tích và tổ chức sự kiện lễ hội văn hóa, thể thao thuộc địa bàn quản lý. Ngoài ra, tích cực phối hợp phát động và duy trì các phong trào BVMT khu DTDT tại cơ sở như tổ chức các ngày thứ bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh, ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh.... để truyền thông rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, hành động trong bảo vệ DTDT.
Để không ngừng nâng cao chất lượng công tác BVMT tại các khu DTDT, trong thời gian tới, cùng với các biện pháp đã triển khai hiệu quả, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị, địa phương nghiên cứu, đề xuất với tỉnh xem xét, bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng từ ngân sách, cũng như đẩy mạnh các nguồn lực xã hội hóa. Thêm nữa, quan tâm, bố trí nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ chuyên trách có kiến thức chuyên môn phụ trách trực tiếp công tác BVMT tại các khu DTDT thay vì hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm như hiện nay.
Sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng trong việc tham gia và thực hiện giám sát các hoạt động BVMT sẽ tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực trong việc gìn giữ môi trường cảnh quan tại các khu DTDT, trở thành nền tảng quan trọng để du lịch Quảng Ninh phát triển bền vững trong tương lai.
Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC
Ông Nguyễn Thế Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh: “Các doanh nghiệp, đơn vị cần vào cuộc tích cực hơn trong công tác bảo vệ môi trường” Trong các ngành, lĩnh vực gì từ công nghiệp, nông nghiệp... thì công tác bảo vệ môi trường luôn là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt với ngành du lịch thì đó còn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Trong số hơn 600 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của Quảng Ninh, có rất nhiều di tích trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn đón hàng triệu lượt khách mỗi năm. Vì vậy, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan các khu di tích, danh thắng không chỉ có ý nghĩa đối với việc gìn giữ, phát huy giá trị của di tích, danh thắng mà còn góp phần quan trọng trong việc thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển mạnh mẽ. Do đó, công tác bảo vệ môi trường tại các khu di tích, danh thắng cần được các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch xác định là nhiệm vụ thường xuyên và có những kế hoạch lâu dài đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như có các hình thức xử lý nghiêm khắc với các hành vi phá hoại môi trường tại các khu di tích - danh thắng. |
Chị Đặng Thị Thúy Vân, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long: “Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho du khách” Tại các khu di tích, danh thắng nổi tiếng trên địa bàn tỉnh như di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, khu di tích - danh thắng Yên Tử, các ngôi chùa lớn như Ba Vàng (Uông Bí), Cái Bầu (Vân Đồn), Ngọa Vân (Đông Triều)... hàng năm đều đón hàng vạn đến hàng triệu du khách ở cả trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái và vui chơi, nghỉ dưỡng. Do đó, không thể tránh được lượng rác thải lớn phát sinh từ các hoạt động ăn uống, mua sắm của du khách. Vì vậy, muốn làm tốt công tác bảo vệ môi trường các khu di tích, danh thắng, ngoài việc siết chặt công tác quản lý của các cơ quan nhà nước, các đơn vị thì cần tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của du khách. Mỗi người một hành động từ việc bỏ rác đúng nơi quy định đến nhắc nhở nhau ý thức giữ gìn vệ sinh chung... cũng đã góp phần thiết thực để bảo vệ tốt hơn môi trường, cảnh quan và làm đẹp thêm những giá trị văn hóa của các khu di tích, danh thắng, lan tỏa tinh thần xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng. |
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm: “Kết hợp đồng bộ giữa bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan” Thời gian qua, với vị trí là đơn vị đầu tư chính tại Khu di tích – danh thắng Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã rất chú trọng công tác làm đẹp cảnh quan tại đây. Từ việc xây dựng các công trình kiến trúc tại Yên Tử luôn được chúng tôi tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với không gian chốn linh thiêng, nhằm giữ nguyên vẹn những giá trị lịch sử văn hóa của Yên Tử, đến việc lựa chọn từng loại cây, loại hoa cũng đảm bảo phù hợp theo mùa để tô điểm, làm đẹp, mang đến diện mạo khang trang, không gian xanh, trong lành cho du khách bốn phương về tham quan, chiêm bái. Từ thực tế đã thực hiện đầu tư tại Khu di tích – danh thắng Yên Tử, chúng tôi cho rằng, mỗi điểm đến du lịch hay các điểm di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh nói chung cần làm tốt việc kết hợp đồng bộ, thống nhất giữa bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan. Bởi khi đặt chân đến những khu di tích, danh thắng vừa xanh, sạch, đẹp thì mỗi người sẽ đều thấy thoải mái, hài lòng, đó cũng là những ấn tượng sâu sắc với du khách, để họ có thể quay trở lại vào những dịp tiếp theo. |
Ông Hoàng Huy Trọng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bình Liêu: “Bố trí nguồn lực thỏa đáng cho công tác bảo vệ môi trường” Từ nhiều năm nay, Bình Liêu cũng triển khai nhiều hoạt động tích cực trong công tác bảo vệ môi trường khu di tích, danh thắng trên địa bàn huyện. Theo đó, hàng năm huyện đều dành nguồn kinh phí khoảng 80 triệu đồng cho công tác vệ sinh môi trường tại khu danh thắng thác Khe Vằn (xã Húc Động); các tổ chức CT-XH thường xuyên phối hợp tuyên truyền và phát động các chương trình ra quân dọn vệ sinh các đường biên, cột mốc, các điểm đến du lịch... Năm 2020, Khu du lịch Bình Liêu đã được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh, huyện cũng đang bắt tay triển khai các bước lập Đề án “Phát triển du lịch bền vững, gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội huyện Bình Liêu”... đây là những cơ hội lớn cho sự phát triển ngành du lịch của Bình Liêu. Do đó, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với huyện xem xét sắp xếp, bố trí nguồn lực thỏa đáng hơn cho công tác bảo vệ môi trường các khu di tích, danh thắng, các điểm đến du lịch trên địa bàn, để Bình Liêu không chỉ để lại những dấu ấn, trải nghiệm văn hóa độc đáo với du khách mà còn là một điểm đến luôn xanh, sạch, đẹp, không ngừng phát huy những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp vốn có. |
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()