Tất cả chuyên mục

Những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đã đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, thúc đẩy ngành công nghiệp khai khoáng phát triển và tăng thêm nguồn thu cho tỉnh. Bên cạnh những đóng góp tích cực về mặt kinh tế, hoạt động này cũng gây nhiều tác động đến môi trường, đặc biệt là hoạt động khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng (VLXD). Tuy nhiên, nhờ có sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các ngành chức năng và ý thức của chính các doanh nghiệp, nên công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đã có nhiều chuyển biến tích cực.
![]() |
Công ty TNHH VLXD Bài Thơ (xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ), một trong những doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư chiều sâu trong hoạt động khai thác đá. Ảnh: Mạnh Đạt (Sở TN&MT) |
Qua số liệu thống kê, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 150 khu vực, mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác. Trong đó, chủ yếu là khai thác than, sét, đá vôi, cát, quặng pyrophilit, nước khoáng, quặng sắt và silic làm phụ gia xi măng... Tuy nhiên, do nhiều bất cập, hạn chế trong quá trình khai thác, chế biến, nên hoạt động này đã có những tác động tiêu cực đến môi trường đất đai, nước, không khí. Dẫn đến tình trạng phá vỡ cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường tại các điểm khai thác. Đặc biệt là giai đoạn 2010-2012, do nhu cầu về VLXD tăng cao, kéo theo hoạt động khai thác, chế biến đá diễn ra mạnh ở các địa phương, như: Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Hoành Bồ, Cẩm Phả. Trong quá trình sản xuất, hầu hết các đơn vị đều có những tồn tại trong việc thực hiện các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, thực hiện không đầy đủ hoặc không thực hiện các biện pháp giảm thiểu bụi trong quá trình khai thác như: Không lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi khu vực nghiền sàng, không bố trí phương tiện tưới nước trên tuyến đường vận chuyển, thực hiện không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo quy định... Một số mỏ đá do không thực hiện đầy đủ các biện pháp, công trình BVMT, chậm khắc phục, không thực hiện kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền, nên đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã ra Thông báo số 04/TB-UBND ngày 11-1-2012, yêu cầu các đơn vị phải có các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản đá làm VLXD. Để triển khai thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian qua, Sở TN&MT đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị khai thác đá thực hiện nghiêm túc các giải pháp BVMT. Đến nay, công tác BVMT đối với hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đá làm VLXD đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư chiều sâu, thay đổi công nghệ, cải tiến thiết bị và hạn chế những tác động xấu đến môi trường. Đơn cử như Công ty TNHH VLXD Bài Thơ (Hoành Bồ) đã hoàn thành việc lắp đặt nhà khung kín tại bộ phận sàng, nghiền; lắp đặt hệ thống phun nước dập bụi tại máng cấp liệu, hàm kẹp, nghiền côn, các đầu băng tải; lắp đặt ống chụp mềm tại các đầu băng tải, xung quanh khu vực bãi chứa thành phẩm và dọc tuyến đường vận chuyển. Tại khu vực chế biến đá của Công ty, trong điều kiện hoạt động bình thường, các hệ thống xử lý bụi nêu trên đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu phần lớn lượng bụi phát tán ra môi trường xung quanh. Ngoài ra một số đơn vị như: Xí nghiệp Phú Cường (Cẩm Phả) đã lắp đặt phần khung nhà bao che máy nghiền; Xí nghiệp Sản xuất đá Phương Đông (Uông Bí); Công ty CP Phương Mai đã trang bị hệ thống phun sương dập bụi khu vực chế biến đá và dọc tuyến đường vận chuyển nội bộ... Cũng qua công tác kiểm tra, Sở TN&MT đã yêu cầu các đơn vị phải tiếp tục duy tu, bảo dưỡng đảm bảo các hệ thống, thiết bị chống bụi hoạt động tốt, đảm bảo vận hành thường xuyên trong quá trình hoạt động sản xuất; nghiên cứu cải tiến các phương pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, trồng thêm cây xanh tại các vị trí xung quanh bãi chế biến của các đơn vị; nghiên cứu quy hoạch và bố trí lại dây chuyền sản xuất trên mặt bằng sân công nghiệp theo hướng đưa vào các thung lũng, địa điểm khuất gió; lập, ban hành và phổ biến cho toàn thể CBCN trong Công ty về quy trình vận hành hệ thống phun sương dập bụi, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động trong công tác BVMT.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, hầu hết các đơn vị chưa thực hiện việc xây dựng nhà kín, hệ thống phun nước, phun sương tại một số vị trí phát sinh bụi trong hệ thống nghiền, sàng còn hạn chế, áp lực nước tại các đầu phun không cao, nên hiệu quả hạn chế bụi tại khai trường sản xuất vẫn còn thấp. Vì vậy, để hoạt động này phát triển một cách bền vững, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đá làm VLXD. Đồng thời, các đơn vị khai thác khoáng sản phải thực hiện nghiêm túc việc lắp đặt hệ thống phun sương, dập bụi và xây dựng nhà khung kín trước khi tiến hành hoạt động chế biến đá.
Hoàng Nga
Ý kiến ()