Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 03:48 (GMT +7)
Phát triển rừng, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 4, 14/08/2024 | 10:57:09 [GMT +7] A A
Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, khuyến khích người dân tham gia trồng rừng phát triển kinh tế và bảo vệ rừng. Đặc biệt, ở những vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc trồng rừng đã giúp nhiều hộ dân đổi đời, làm giàu.
Tại huyện Ba Chẽ, địa phương có hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, dựa trên thế mạnh tự nhiên phù hợp cho phát triển trồng rừng, đặc biệt là cây gỗ lớn, cây bản địa và các loại cây dược liệu, công tác phát triển rừng luôn được huyện quan tâm phát triển để thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Nghị quyết số 337/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh về “Quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh”, hàng năm huyện Ba Chẽ đều thực hiện ký cam kết triển khai trồng rừng gỗ lớn với các đơn vị, doanh nghiệp và chủ rừng trên địa bàn. Theo đó, toàn huyện đã trồng trên 2.686ha rừng gỗ lớn với các loài lim, lát, giổi. Theo kế hoạch, năm 2024, huyện trồng 3.500 ha rừng, trong đó có 250 ha rừng gỗ lớn. Đến hết tháng 7/2024 huyện trồng được 152 ha, đạt 61% kế hoạch năm, trong đó xã Thanh Sơn trồng 25 ha; Đồn Đạc 14,5 ha; Lương Mông 13,2 ha; Đạp Thanh 12,3 ha.
Đối với loài cây bản địa gồm quế, thông, sồi, huyện Ba Chẽ đã trồng 1.600ha trong 3,5 năm và chủ yếu là các hộ dân trồng rừng thụ hưởng theo Nghị quyết 337/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Tổng kinh phí hỗ trợ trồng rừng theo Nghị quyết 337/NQ-HĐND tỉnh trên địa bàn huyện Ba Chẽ là trên 14 tỷ đồng, với 746 hộ dân được thụ hưởng và tổng diện tích đất rừng trồng trên 1.140ha.
Cùng với đó, huyện Ba Chẽ cũng chú trọng khuyến khích người dân trồng cây dược liệu dưới tán rừng cây gỗ lớn, cây bản địa theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, từ đó, người sản xuất có vốn để tu bổ, chăm sóc rừng gỗ lớn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Bên cạnh đó, nhiều hộ đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã liên kết cùng nhau thành lập tổ, nhóm, HTX phát triển nghề rừng, sản xuất theo hướng tập trung, cùng thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Nhờ đó, đến hết năm 2023, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện Ba Chẽ đạt 72,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 72,2%.
Tập trung phát triển lâm nghiệp bền vững, trọng tâm là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU; tập trung thực hiện phát triển rừng bền vững theo quy hoạch 3 loại rừng, quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, phát triển rừng gỗ lớn, chế biến lâm sản, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Tính đến nay, diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt 39.413 ha, diện tích trồng lim, lát, giổi đạt 2.242,0 ha, bằng 112,1% so với kế hoạch. Tỉnh tiếp tục duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng ở mức 55%; chất lượng rừng được nâng cao, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng, khai thác các sản phẩm từ rừng hàng năm đều tăng.
Đến nay, tỉnh đã thực hiện giao đất, giao rừng được 275.302,19 ha gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng là 74.004,02 ha; tổ chức kinh tế (gồm các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp được giao đất rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên) là 26.166,02 ha; đơn vị lực lượng vũ trang là 9.251,77 ha; tổ chức khoa học công nghệ và tổ chức khác là 1.844,46 ha; hộ gia đình, cá nhân là 159.509,18 ha; cộng đồng dân cư là 4.526,74 ha. Cùng với đó, toàn tỉnh thực hiện cho thuê đất, thuê rừng được 53.079,31 ha, gồm: tổ chức kinh tế là 47.650,63 ha; hộ gia đình, cá nhân là 153,47 ha; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2.470,33 ha; đối tượng khác là 2.933,95 ha; còn lại UBND cấp xã đang quản lý là 94.043,40 ha.
Thực hiện chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững theo Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, Quảng Ninh đã hỗ trợ 1.016 hộ dân TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ trồng 1.656,2ha cây gỗ lớn, cây bản địa, tổng kinh phí 34,378 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho 1.016 hộ gia đình, cá nhân trên diện tích 1.656,2 ha là 21,196 tỷ đồng, kinh phí giải ngân vay vốn qua Ngân hàng chính sách là 13,182 tỷ đồng cho 310 hộ gia đình, cá nhân với lãi suất ưu đãi.
Nhờ những giải pháp này, diện tích trồng rừng tập trung hàng năm của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, đến hết năm 2023 là 12.000ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 457.859m3... Từ năm 2021 đến nay, diện tích trồng cây lim, lát, giổi trên địa bàn tỉnh đạt 2.242ha.
Đặc biệt, trên cơ sở đánh giá những hiệu quả từ việc thực hiện nghị quyết số 337, mới đây nhất vào tháng 7/2024, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 37 quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh với đối tượng thụ hưởng và phạm vi áp dụng được mở rộng cho toàn tỉnh. Những quyết sách này đã ưu tiên dành nguồn lực để người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực vào phát triển lâm nghiệp trên địa bàn gắn với trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa theo Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao cùng những cơ chế chính sách đặc thù dành cho lâm nghiệp của tỉnh thời gian qua đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất hiệu quả, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi thay. Đến hết năm 2023 thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 73,348 triệu đồng/người/năm (tăng 29,648 triệu đồng/người/năm so với năm 2020).
Ngọc Khôi
Liên kết website
Ý kiến ()