Tất cả chuyên mục

Không giống các loại cây rừng khác, cây thông vừa mang giá trị kinh tế, vừa mang giá trị cảnh quan và môi trường. Cây mọc thẳng, tán rộng, màu xanh tươi, rễ chắc, ít bị sâu bệnh, đặc biệt tuổi thọ sinh lý của cây đến gần trăm năm. Chính bởi vậy thông có thể tạo nên cảnh quan đẹp cũng như có thể tác động tích cực, lâu dài đến môi trường. Từ những ưu thế này, không ít quốc gia chọn cây thông để phát triển các cánh rừng sinh thái, cảnh quan, tạo thành những “vành đai sinh thái xanh".
![]() |
Cánh rừng thông rất đẹp dọc tuyến đường vành đai biên giới Bình Liêu. |
Đối với tỉnh Quảng Ninh, sau nhiều chương trình, phong trào trồng rừng thông từ những năm trước đây, hiện nay toàn tỉnh đang có gần 37.000ha rừng thông, nằm trong cả 3 loại rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất. Riêng đối với khu vực biên giới, hải đảo, dọc các quốc lộ, tỉnh lộ và các điểm nhấn cảnh quan đô thị có hàng ngàn ha rừng thông đang thì phát triển.
Tuy nhiên, do quá trình khai thác nhựa thông của các chủ rừng một cách quá mức, không theo đúng quy trình khiến cho không ít diện tích rừng thông cây bị kiệt quệ, giảm tuổi thọ, nhiều cánh rừng thông đứng trước nguy cơ bị cháy, bị tàn phá, chết yểu. Nhiều diện tích rừng thông còn xảy ra hiện tượng khai thác nhựa trộm, tranh chấp, lấn chiếm rừng nhằm khai thác nhựa, dẫn đến mất an ninh trật tự.
Từ tình trạng này, mới đây, theo đề xuất của Sở NN&PTNT, UBND tỉnh đang xem xét, nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ các chủ rừng thông với mức 10 triệu đồng/ha/năm trong khoảng thời gian ít nhất 5 năm, nhằm mục đích để cây thông có thời gian phục hồi và sinh trưởng. Trước tiên chính sách áp dụng với khoảng 1.000 ha rừng thông tại các khu vực biên giới, hải đảo, dọc các trục đường chính, khu vực điểm nhấn cảnh quan đô thị.
Tuy nhiên có rất nhiều diện tích rừng thông non tại Bình Liêu đã và đang bị khai thác quá mức. |
Đây có thể nói là chính sách mang lại nhiều lợi ích, trong đó đối với chủ rừng, không chỉ nâng cao ý thức bảo vệ rừng mà còn có nguồn thu hàng năm. Tuy nhiên ở khía cạnh khác, chính sách này được đánh giá là không dễ thực hiện.
Theo lý giải của ông Hoàng Xuân Tân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, địa phương đang có gần 700ha rừng thông nằm trong 1.000ha rừng thông dự kiến áp dụng chính sách trước tiên, thì nguyên nhân chính sách hỗ trợ chủ rừng thông ngừng khai thác nhựa thông khó thực hiện, bởi trong bối cảnh kinh tế của các chủ rừng thông còn khó khăn, phụ thuộc nhiều vào nguồn khai thác nhựa thông thì mức hỗ trợ như dự thảo chính sách trên chưa đáp ứng được nhu cầu của chủ rừng.
![]() |
Khung cảnh rừng thông ở xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên. Ảnh Hùng Sơn. |
Thực tế hiện nay, cứ mỗi ha rừng thông cho thu tối thiểu 40 triệu đồng từ khai thác nhựa, quan trọng hơn có thể tạo việc làm cho đối tượng người trung tuổi trở lên, người không có trình độ chuyên môn, nghề nghiệp.
Chính vì vậy, có thể thấy, để bảo vệ tốt các cánh rừng thông, biến đây thành những “vành đai sinh thái xanh”, tác dụng tốt đến cảnh quan, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, ngoài thực hiện những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho chủ rừng còn cần chú trọng đến việc chuyển đổi nghề, đào tạo kỹ năng nghề cũng như giới thiệu việc làm cho những người sống dựa vào các rừng thông.
Bên cạnh đó, cần thiết hướng dẫn, giám sát, quản lý về quy trình khai thác nhựa thông theo tiêu chuẩn, để chủ rừng sau thời gian chăm sóc, phục hồi cây rừng vẫn có thể khai thác nhựa thông mang lại giá trị kinh tế cho gia đình, đồng thời tiếp tục bảo vệ, chăm sóc cho cây thông tốt hơn.
![]() |
Kiểm lâm TP Hạ Long tuần tra, bảo vệ rừng thông trên địa bàn. Ảnh Minh Đức. |
Việt Hoa
[links()]
Ý kiến (0)