Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 thì ngày Tết Nguyên đán 2022 người lao động được nghỉ năm ngày.
Do đó, việc đi làm vào ngày nghỉ Tết được xác định là làm thêm giờ theo Điều 107 Bộ luật Lao động. Điều kiện để doanh nghiệp sử dụng người lao động làm thêm giờ là bắt buộc phải có sự đồng ý của người lao động.
Nếu doanh nghiệp ép người lao động đi làm vào ngày Tết Nguyên đán 2022 nói riêng và các ngày lễ, Tết khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;
Không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật; Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 5 ngày, từ ngày 31.1.2022 đến hết ngày 4.2.2022, cộng với 4 ngày nghỉ cuối tuần, dịp này người lao động được nghỉ liên tục 9 ngày.
Các cơ quan, tổ chức không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.
Trong đó, đối với lịch nghỉ Tết Âm lịch 2022, người sử dụng lao động có thể bố trí lịch nghỉ Tết theo cách chọn 1 ngày nghỉ trước Tết và 4 ngày nghỉ sau Tết, hoặc nghỉ 2 ngày trước Tết và 3 ngày nghỉ sau Tết.
Ý kiến ()