Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 09:15 (GMT +7)
Bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô để bảo vệ tính mạng trẻ em
Thứ 7, 16/11/2024 | 06:43:36 [GMT +7] A A
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 đặc biệt lưu ý đến việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông. Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ, quan tâm đến đối tượng tham gia giao thông là trẻ em.
Nhiều vụ tai nạn làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ
Hiện nay, xu hướng sử dụng xe ô tô ở nước ta đang tăng nhanh, vì vậy việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe ô tô là vấn đề cần được quan tâm. Tại cuộc họp thông tin về một số điểm mới trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ về đảm bảo an toàn cho trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông, do Trung tâm Tư vấn sức khỏe cộng đồng (CHD) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chiều 15/11, các chuyên gia, nhà quản lý đã giải đáp nhiều nội dung liên quan đến quy định mới này.
Thông tin về những quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, Luật có 9 chương, 89 điều, quy định về những quy tắc, những điều kiện an toàn của người, của phương tiện khi tham gia giao thông và những quy định tuần tra, kiểm soát, chỉ huy tổ chức giao thông, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Quy định về đảm bảo an toàn cho đối tượng yếu thế, nhất là trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ là một trong những điểm nhấn của Luật. Luật quy định trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1 m 35 khi ngồi trên xe ô tô thì không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe, trừ trường hợp xe chỉ có một hàng ghế và phải sử dụng thiết bị an toàn. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày mùng 1/1/2026.
Luật có một điều khoản quy đinh riêng biệt dành cho xe ô tô chở học sinh. Theo đó, xe kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh, phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em, thiết bị có chức năng cảnh báo chống bỏ quên trẻ em trên xe và xe phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm, có màu sơn theo quy định. Trong nghị định hướng dẫn Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã đề xuất màu sơn của xe ô tô kinh doanh vận tải chuyên chở trẻ em mầm non, học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe, mặt trước và 2 cạnh bên xe, trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết đây là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non và học sinh xe ô tô kinh doanh kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non.
Nói về thực trạng sử dụng thiết bị an toàn và thắt dây an toàn cho trẻ em trên xe ô tô tô tại Việt Nam, Thạc sĩ Dương Kim Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng cho hay, số lượng xe ô tô ở Việt Nam tăng rất nhanh, xu hướng chính của người mua ô tô là những người trẻ, vì vậy, lượng xe tăng cũng dẫn đến số lượng trẻ em ngồi trên xe tăng.
Làm sao đảm bảo an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe? Đặt câu hỏi này, ông Tuấn phân tích về quy định trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1m35 khi ngồi trên xe không được ngồi ở hàng ghế phía trước cùng với người lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em; cho biết, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì chiều cao là 1m50 và dưới 12 tuổi, nhưng mỗi nước có cách áp dụng khác nhau.
Trước khi có luật này, thực trạng sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe là rất thấp. Qua nghiên cứu ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 1,3% tổng số xe có chở trẻ em là sử dụng thiết bị an toàn. Trong đó, tất cả các xe chở trẻ em ở Đà Nẵng đều không sử dụng thiết bị an toàn.
Quan sát trên tổng số 1.458 xe chở trẻ em thì tỷ lệ ngồi trong thiết bị an toàn, hàng ghế sau chỉ có 1,3%, có 0,7% trẻ con ngồi trong lòng của người lái, rất nguy hiểm, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Dương Kim Tuấn, trẻ em không nên ngồi ghế trước bởi sẽ chịu nhiều tác động khi xảy ra tai nạn, va chạm; dễ văng ra ngoài xe; sự va đập của túi khí; hiếu động, tò mò; gây mất tập trung hơn cho người lái xe…
Hiện có 97 nước trên thế giới quy định bắt buộc việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ôtô, tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, việc sử dụng dây đai, thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ôtô còn chưa được chú trọng thực hiện. Nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Thiết bị an toàn mới có thể bảo vệ trẻ em trên xe ô tô
Nhấn mạnh tất cả những phương tiện khi chở trẻ em, dù là xe cá nhân, hay xe buýt, xe kinh doanh vận tải đều phải dùng thiết bị an toàn, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, trong quá trình triển khai vào văn bản dưới luật sẽ có lộ trình phù hợp. Nhóm xe cá nhân cần tập trung và quan tâm nhiều nhất, vì xe này đang được lưu hành với tốc độ cao nhất và có tần suất sử dụng nhiều hơn. Khi di chuyển với tốc độ cao hơn, các rủi ro dẫn tới va chạm và hậu quả lớn hơn.
Chia sẻ về việc có quan điểm cho rằng mẹ ôm con trên xe có thể bảo đảm an toàn cho trẻ, ông Trần Hữu Minh thông tin, các nghiên cứu cho thấy, khi xe chạy với tốc độ 30 km/giờ, xảy ra va chạm thì lực quán tính tương đương với 3 bao xi măng, tức 150kg và người mẹ gần như không thể giữ con lại được. Còn nếu va chạm ở tốc độ 60 km/giờ, lực quán tính tương tương đương với 6 bao xi măng, tức 300kg, "lúc đó thậm chí những người lớn trên xe còn không giữ nổi mình, chưa nói đến giữ trẻ em".
“Suy nghĩ người lớn ngồi sau có thể bế hoặc giữ trẻ em để phòng ngừa va chạm là nhận thức không đúng về sự nguy hiểm khi có va chạm. Chỉ có dây an toàn đối với người trưởng thành và thiết bị an toàn mới có thể bảo vệ trẻ em”, ông Trần Hữu Minh nhấn mạnh.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()