Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:38 (GMT +7)
Bày cách để thiết bị điện tử khỏi 'đội nón ra đi' khi trời nồm
Thứ 5, 29/02/2024 | 11:14:59 [GMT +7] A A
Với độ ẩm thường xuyên ở mức khoảng 90 - 100%, hầu hết các thiết bị điện, điện tử sử dụng trong gia đình như TV, lò vi sóng, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa không khí… đều có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Thời tiết nồm ẩm ở miền Bắc mang lại nhiều phiền toái cho người dân. Lượng nước dư thừa trong không khí ngưng tụ thành giọt, bám vào tường nhà, nền đất và đồ đạc trong gia đình.
Với độ ẩm thường xuyên ở mức khoảng 90 - 100%, hầu hết các thiết bị điện, điện tử sử dụng trong gia đình như TV, lò vi sóng, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa không khí… đều có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Các thiết bị này có chứa các mạch điện tử phức tạp nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi độ ẩm cao, đặc biệt là các giọt nước hình thành trên bề mặt hoặc bên trong thiết bị có thể gây hỏng hóc nghiêm trọng như màn hình TV, cánh tủ lạnh hoặc bảng mạch điều khiển của các thiết bị trong gia đình.
Đối với TV, hơi ẩm hoặc những giọt nước ngưng tụ trên màn hình có thể nhỏ xuống các linh kiện ở phía dưới gây hỏng hoặc xảy ra hiện tượng sọc màn hình. Độ ẩm cao còn có thể làm đọng sương bên trong sản phẩm, ảnh hưởng đến các linh kiện điện tử như IC, bộ nhớ, bộ vi xử lý, nút cảm ứng… dẫn đến thiết bị sẽ có thể hoạt động sai hoặc chập chờn.
Theo chuyên gia trong lĩnh vực điện máy, một số người dùng cũng chưa biết hoặc chưa quan tâm đúng mức về việc bảo quản/sử dụng thiết bị điện trong thời tiết nồm ẩm, dẫn đến thiết bị hỏng hóc, ẩm mốc, tăng nguy cơ chập cháy. Chẳng hạn như, do lo sợ thiết bị ẩm dễ giật, nên không sử dụng đồ điện máy trong tình trạng không sử dụng dài ngày. Tuy nhiên việc này làm cho độ ẩm tích tụ lâu ngày trong sản phẩm gây hỏng các linh kiện bên trong thiết bị.
Một số người dân thì đã biết cách bọc hoặc phủ kín thiết bị khi độ ẩm không khí cao. Tuy nhiên, lại sử dụng thiết bị mà vẫn để nguyên bọc phủ. Việc này sẽ dẫn tới hiện tượng quá nhiệt do thiết bị không giải nhiệt được và sẽ gây hỏng thiết bị.
Việc sử dụng thiết bị khi thiết bị khi còn quá ẩm ướt cũng có thể gây ra hiện tượng điện giật hoặc gây hỏng thiết bị ngay lập tức. Một số người dùng còn có thói quen sử dụng khăn ướt để lau thiết bị điện tử, chẳng hạn như màn hình TV. Tuy nhiên việc ấn khăn mạnh có thể làm nước chảy xuống các linh kiện, gây hỏng màn hình.
Để hạn chế hỏng hóc các thiết bị này trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, chuyên gia Nguyễn Văn Viên - Trưởng phòng Kỹ thuật, Phòng Dịch vụ Chăm sóc Khách hàng, Công ty Panasonic Vietnam cho biết:
- Đảm bảo thiết bị được đặt/để ở khu vực thoáng khí, khô ráo nhất có thể.
- Không nên để thiết bị ngừng hoạt động lâu ngày mà thường xuyên cho thiết bị hoạt động để hơi nóng phát ra từ thiết bị có thể ngăn hiện tượng đọng sương (hiện tượng đổ mồ hôi) gây hỏng thiết bị. Luôn cắm điện, hoặc bật thiết bị ít nhất 1 lần/ngày, để thiết bị ở chế độ chờ hoặc tắt TV bằng điều khiển từ xa, để mạch nguồn vẫn hoạt động ở công suất nhỏ. Điều này giúp tạo ra "hơi ấm", ngăn tích tụ hơi ẩm trong sản phẩm.
- Việc này có thể thực hiện tương tự với các loại thiết bị khác như điện thoại, máy tính bảng hay máy tính thông thường bởi đây là những thiết bị thường sử dụng bảng mạch rất nhỏ nên tiết trời nồm ẩm dễ gây nguy hại hơn.
- Có thể bọc hoặc phủ các thiết bị điện tử bằng nilon để tránh nồm ẩm. Tuy nhiên trước khi sử dụng thiết bị phải lưu ý mở hoàn toàn lớp bọc/phủ để đảm bảo khả năng giải nhiệt cho sản phẩm.
- Sử dụng máy hút ẩm, máy điều hòa không khí ở chế độ Dry để giúp khử ẩm trong không khí.
- Trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, cũng không nên dùng khăn ướt để lau thiết bị điện tử.
- Để giảm thiểu rủi ro hỏng hóc, thiết bị cần được thường xuyên lau khô hoặc sấy khô trước khi sử dụng, cũng như cố gắng đảm khu vực đặt/để thiết bị khô, thoáng và sử dụng thiết bị đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()