Tất cả chuyên mục

"Bạch Đằng giang phú" (bài phú sông Bạch Đằng) là một trong những tác phẩm đặc sắc của Trương Hán Siêu, thời Trần. Trong đó, ông có nhắc đến địa danh "bến Đông Triều". Vậy "bến Đông Triều" ấy giờ ở đâu?
Bài phú Bạch Đằng giang của ông được viết bằng chữ Hán và theo các nhà sử học thì Trương Hán Siêu viết bài phú này vào khoảng 50 năm sau chiến thắng Bạch Đằng (1288) - tức vào thời vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369). Người dịch bài phú này là hai danh nho nổi tiếng: Nguyễn Hữu Tiến và Bùi Văn Nguyên. Chính vì vậy mà người viết bài này lấy làm cơ sở để lần tìm “Bến Đông Triều” qua “Bạch Đằng giang phú”.
Đây là đoạn văn trong bài phú:
"Thiệp Đại Than khẩu
tố Đông Triều đầu
bế Bạch Đằng giang
thị phiếm, thị phù"
Hai ông Nguyễn Hữu Tiến và Bùi Văn Nguyên dịch là:
"Qua cửa Đại Than
Ngược bến Đông Triều
Đến sông Bạch Đằng
Rong chơi mái chèo…"
Qua những vần thơ trên đây người đọc có thể hình dung được lộ trình con thuyền của Trương Hán Siêu từ kinh thành Thăng Long qua cửa Đại Than (Lục Đầu giang), xuôi dòng sông Kinh Thày và rồi "ngược bến Đông Triều" để sau đó đến sông Bạch Đằng.
![]() |
Bãi Đông Hồ trong bản đồ địa chính phường Trần Hưng Đạo (TX Đông Triều). |
Sông Kinh Thày là con sông lớn tiếp nối sông Lục Đầu chảy vào địa phận hai huyện Kinh Môn (Hải Dương) và Đông Triều (Quảng Ninh) và cũng là ranh giới giữa hai huyện này. Nếu “Bến Đông Triều” nằm trên con sông Kinh Thày thì con thuyền của Trương Hán Siêu đâu phải ngược dòng để lên bến Đông Triều?.
Câu thơ như mách bảo cho người đọc biết cái "bến Đông Triều" nằm trên một con sông khác thuộc địa bàn xã Đông Triều lúc bấy giờ và nó cũng thuộc chi lưu của sông Kinh Thày (thời vua Trần Dụ Tông đổi tên xã Yên Sinh thành xã Đông Triều). Việc tìm đường “ngược bến Đông Triều” với Trương Hán Siêu chắc hẳn không có gì khó khăn vì ông đã có thời gian làm quản tự ở chùa Quỳnh Lâm.
Trên địa bàn Đông Triều, con sông lớn nhất, dài nhất là sông Kỳ (dân gian thường gọi là sông Cầm) bắt nguồn từ núi Nam Mâu thuộc dãy Yên Tử chảy qua các xã Nam Mẫu, Tràng Lương, Bình Khê, Xuân Sơn, Hưng Đạo rồi đổ vào sông Kinh Thày ở ngã ba Đá Vách, từ đây xuôi dòng xuống sông Đá Bạc đổ nước vào cửa sông Bạch Đằng.
Ở khu vực gần bãi Đông Hồ bây giờ, sông Kỳ chia nhánh chảy vào sông Nguyễn theo hướng tây- nam, sau đổi hướng bắc – nam và đổ vào sông Kinh Thày đoạn cách bến phà Triều bây giờ về phía hạ lưu khoảng 1km. Phải chăng con thuyền của Trương Hán Siêu đã “ngược bến Đông Triều” từ ngã ba này?.
Như vậy, ở khu vực bãi Đông Hồ đã có một ngã ba sông. Không chỉ có vậy, ở phía Bắc liền kề với bãi Đông Hồ ngày nay còn có dấu tích các chi lưu của sông Cầm như cầu La, cầu xóm Chủ, cầu Tràng Bảng bắt nguồn từ sườn phía nam dãy Yên Tử tạo cho nơi này một bến nước rất thuận tiện cho việc giao lưu buôn bán bằng đường thủy.
![]() |
Dấu tích của sông Nguyễn tiếp giáp với sông Cầm. |
Ông Nguyễn Văn Lương là người dân làng Xuân Viên (làng Cầm), nguyên là Phó chủ tịch UBND huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều) cho biết: Hai bên bờ sông Cầm gần bãi Đông Hồ hiện còn những địa danh như Bến Nứa, Lỗ Gạo, Chuồng Dê, Gò Chum… nghi là dấu tích của những kho bãi tập kết hàng hóa ngày xưa. Nhiều phiến đá to khá vuông vức được tìm thấy cạnh bờ sông như dấu tích của các bến bờ lên xuống.
Còn ông Hoàng Tiến Vĩnh, công nhân của 1 xí nghiệp cát nay đã nghỉ hưu cho biết trước kia khi khai thác cát trên bãi Đông Hồ, máy xúc của ông đã từng vục được những gàu toàn mảnh sành, mảnh gốm, mảnh ngói không biết có từ thời nào trong lòng đất.
Dòng sông sâu và rộng, người dân có thể khai thác gỗ, tre, nứa và các loại lâm sản từ các cánh rừng Yên Tử đóng thành bè chở ra tập kết ở nơi đây để trao đổi, buôn bán. Nhiều lái buôn từ các miền duyên hải (Thủy Nguyên, Quảng Yên, Cát Hải, Hải Phòng) hoặc từ các địa phương đồng bằng Bắc Bộ (Hải Dương, Thái Bình..) qua hệ thống sông Giá, sông Bạch Đằng, sông Đá Bạc, sông Thái Bình… cũng có thể đem sản vật của địa phương mình đến đây để trao đổi. Cái ngã ba sông Kỳ (sông Cầm) gần bãi Đông Hồ vào thời bấy giờ có đủ điều kiện để trở thành một cái "bến Đông Triều" và một cái chợ trên bãi đất Đông Hồ.
![]() |
Đoạn cuối sông Nguyễn đổ vào sông Kinh Thầy, gần bến đò Triều về phía hạ lưu. |
Cái chợ đó phải chăng là chợ Đông Hồ mà “An Nam chí lược” của Lê Tắc đã nói đến trong trận chiến quyết liệt của quân, dân nhà Trần tại Đông Triều chặn đánh đoàn kỵ mã của Trình Bằng Phi không để chúng qua sông hỗ trợ cho đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi đang tháo chạy khỏi nước ta qua cửa sông Bạch Đằng tháng 3/1288, mở màn cho trận Bạch Đặng lịch sử?.
Có phải chăng vì thế mà gần 50 năm sau chiến thắng Bạch Đằng 1288, Trương Hán Siêu đã “rong chơi mái chèo, qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều, đến sông Bạch Đằng”, cảm nhận cái hào khí Đông A ở nơi đây để rồi cho ra đời một "Bạch Đằng giang phú" bất hủ?
Để xác định một cái chợ Đông Hồ, một "bến Đông Triều" chắc chắn phải có những nghiên cứu công phu , bởi vậy rất cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, cơ quan chức năng.
Kết thúc bài viết này xin được nhắc lại một đoạn trong tham luận của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc tại Hội thảo “Giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt- khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều”, tổ chức tại Đông Triều tháng 9/2014: “…Trương Hán Siêu, môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong kiệt tác thiên cổ hùng văn “Bạch Đằng giang phú” đã dẫn dắt người đời đến với những kỳ công tuyệt vời của dân tộc thông qua những địa danh nổi tiếng như Đại Than, Đông Triều mà nếu như ai đó dẫu chỉ vô tình lãng quên thôi thì cũng coi như đã tự mình bỏ rơi một cơ hội được đến với ngọn nguồn kỳ công của quân dân nhà Trần trên sông nước Bạch Đằng…”.
Nguyễn Quang Luân
(Khu Mễ Xá 2, phường Hưng Đạo, TX Đông Triều)
Ý kiến ()