Tất cả chuyên mục

Ở tiểu thuyết “Bến Không chồng”, trong tương quan với bến sông, nhà văn Dương Hướng đã xây dựng được một hệ thống nhân vật nữ cô đơn, mòn mỏi đợi chồng, những “hòn Vọng phu chưa hoá đá”.
![]() |
Nhà văn Dương Hướng. |
Đó là cả một thế hệ phụ nữ làng Đông như: Bà Nhân, Hạnh, Thuỷ, Cúc, Thắm, Dâu v.v.. Mặc dù họ không phải cầm súng nhưng lại là những chứng nhân chiến tranh. Họ đã đợi chờ chồng, chờ con trong vô vọng. Bà Nhân từng tiễn chồng ra đi không về rồi lại tiễn hai đứa con trai lên đường, để sau đó bà nhận về hai vành tang trắng. Bà Nhân “thấy mình hẫng đi như người rơi tõm xuống một chiếc hố sâu thẳm”. Tất cả mọi hy vọng của bà Nhân lúc này dồn vào Hạnh, đứa con gái duy nhất còn sót lại. Thế nhưng, tạo hoá trêu ngươi bà Nhân thêm một lần nữa, khi Hạnh lại “kế tục” mẹ làm hòn vọng phu nơi bến Không chồng. Trong tương quan với những nhân vật cam chịu kiểu bà Nhân, hình ảnh bến Không chồng đẹp trong êm đềm, tĩnh lặng: “Dân làng Đông vẫn kéo nhau ra bến tắm. Bến sông ở đây có vẻ quyến rũ lạ lùng. Mùa đông nước sông cạn phơi ra dải cát trắng phau lấp loá dưới nắng. Nước sông trong veo, lặng lẽ trôi, mùa lũ nước sông dềnh lên xăm xắp đôi bờ cỏ cây xanh tốt”.
Trong hệ thống các nhân vật nữ của Dương Hướng, Hạnh mới là nhân vật trung tâm chứ không phải bà Nhân. Không cam chịu giống như mẹ mình, Hạnh là đại diện cho những người phụ nữ đầy khát khao kiếm tìm hạnh phúc. Hạnh và Nghĩa đã phải vượt qua mối thù truyền kiếp, lời nguyền độc địa giữa hai dòng họ để đến với nhau. Nhưng ngay sau ngày cưới, Nghĩa phải lên đường vào Nam đánh giặc để Hạnh chờ đợi dằng dặc 10 năm, héo mòn xuân sắc. Thế rồi, khi Nghĩa về hẳn thì chị lại rơi vào bất hạnh khác là hai người không có con do nỗi đau da cam của chồng. Tuy nhiên, người làng không hiểu lại đổ tất cả tội lỗi lên đầu Hạnh: “Bà thiếu tá phu nhân bị điếc”. Những lời ấy giày vò tâm trí Hạnh cả trong giấc ngủ. Để rồi Hạnh phải ngậm ngùi chấp nhận để chồng đi lấy người đàn bà khác. Trong sâu thẳm tâm hồn, Hạnh vẫn muốn làm tròn thiên chức làm mẹ, bao lần chị thao thức nghĩ giá như mình có con. Và tạo hoá đã trêu ngươi, trong một đêm mưa Hạnh tìm đến và có con với Nguyễn Vạn, người chú suốt đời chị kính trọng. Nhưng không lâu sau đó, không chịu nổi định kiến của xóm làng, Nguyễn Vạn cũng phải gieo mình tự trầm ở bến Không chồng để lại đứa bé mồ côi cha.
Dương Hướng còn miêu tả một bộ mặt khác, đầy ma mị của bến Không chồng trong sự gắn bó với nhân vật Hạnh. Đó là bến sông của những huyền thoại nào là đêm đêm thấy có nhiều thiếu nữ ăn mặc trắng toát bay trên mặt sông làm huyên náo một vùng, nào là những con ma trinh nữ hận tình cứ vất vưởng bên gốc cây quéo cổ thụ, nào là lời nguyền độc địa của những dòng họ, nào là ba ba thuồng luồng và con ma mắt đỏ v.v.. Cái bến sông ấy đã khiến Hạnh phải khiếp sợ: “Hạnh sợ sự gợi cảm của dòng sông, sợ cái bến Không chồng… Cái bến sông mênh mông. Hạnh lội xuống bến không chồng rửa chân, lòng ngơ ngẩn nhìn mặt trăng loang loáng đáy nước. Hạnh thấy như lạc vào thế giới mông lung sâu thẳm của những câu chuyện huyền thoại xa xưa”…
Cùng lâm vào tình cảnh đáng thương như Hạnh khi nhận lời lấy Nghĩa thì Thuỷ cũng lại “kế tục” luôn nỗi đau không có con. Là bác sĩ cô đã tìm hiểu và biết rõ nguyên nhân nên mới đánh liều ra bến xe gặp và quan hệ với một người đàn ông lạ, định bụng kiếm đứa con và sẽ giấu kín mọi chuyện với chồng và gia đình nhà chồng. Thế nhưng, sau khi quan hệ với người đàn ông xa lạ, Thuỷ dằn vặt lương tâm và bỏ chạy thục mạng. Thuỷ tự chửi mình ngu vì là bác sĩ mà lại chạy như thế thì sao có thể thụ thai. Cuối cùng, chính Thuỷ cắn răng nói ra sự thực phũ phàng rằng Nghĩa dính chất độc da cam. Vậy là nguyên nhân tại Nghĩa chứ không phải vì Hạnh hay Thuỷ. Hạnh và Thuỷ xuất thân khác nhau nhưng cùng lấy Nghĩa, cùng gánh chịu nỗi đau bị chiến tranh tước đoạt khả năng có con của chồng.
Bên cạnh hai nhân vật này, nhiều nhân vật khác cũng là nạn nhân của chiến tranh như: Cúc phải trả lại trầu cau cho Thành vì không thể chịu được khuôn mặt dị dạng do bom đạn của người yêu ngày trở về, thế rồi Cúc làm lẽ ông Ba Chương và suốt đời nhận điều tiếng của dư luận; Dâu mạnh mẽ là vậy nhưng lại đi tu; Thắm xinh đẹp nhất làng Đông thì chấp nhận lấy anh thợ ảnh thọt chân vì trai làng không còn ai cả v.v..
Hệ thống nhân vật nữ mỗi người một tính cách một số phận riêng nhưng cùng hứng chịu di chứng chiến tranh. Dương Hướng đã rất dày công miêu tả một bến sông để gửi gắm tư tưởng của mình. Bến nước của làng nhưng lại đặt trong tương quan với những người phụ nữ trong làng, những “bến” đợi, “bến” chờ trong chiến tranh. Cả hai cùng soi chiếu bổ sung cho nhau. Do vậy, bến nước đã không còn là hình ảnh thiên nhiên nữa mà trở thành một ám ảnh nghệ thuật. Bến sông gắn với số phận những người phụ nữ trong làng là nơi hò hẹn chứng kiến biết bao cuộc tình, bến sông của lạc thú của xuân sắc ái ân đồng thời cũng là nơi họ tiễn chồng tiễn con ra đi, nơi vỗ về nỗi đau của phận đàn bà, nơi chứng kiến nỗi oan khuất của người trầm mình quyên sinh, nơi gột rửa tâm hồn v.v..
Tuy nhiên, ngoài chi tiết là bến đợi họ còn có một điểm chung khác nữa dễ nhận thấy là không cam chịu số phận, luôn đấu tranh vượt lên để đi tìm hạnh phúc. Đây là điểm khác biệt so với nhiều tác phẩm khác viết về đề tài người chinh phụ. Những chi tiết này đều thể hiện cái nhìn nhân văn sâu sắc của nhà văn Dương Hướng.
Huỳnh Đăng
Ý kiến (0)