Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:14 (GMT +7)
Bệnh chốc ở trẻ và những nhầm tưởng cha mẹ hay gặp
Thứ 3, 30/08/2022 | 14:07:47 [GMT +7] A A
Chốc là bệnh nhiễm trùng nông ở da, do vi khuẩn gây ra. Đây là căn bệnh tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời thì sẽ rất dễ biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
1. Bệnh chốc khi nào mắc?
Theo TS. BS Phạm Thị Mai Hương - Khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh chốc là bệnh nhiễm trùng nông ở da, do vi khuẩn gây ra. Bệnh chốc hay gặp nhiều ở độ tuổi mầm non, đi học mẫu giáo. Biểu hiện của bệnh chốc là bọng nước nông, hóa mủ, dễ dập vỡ, đóng vảy tiết màu vàng mật ong.
Tuổi nhỏ càng hay mắc chốc, bệnh thường lan tỏa hơn (hay gặp trẻ 2-5 tuổi).
Có nhiều loại bệnh chốc, nhưng hay gặp nhất là hai loại bệnh chốc là chốc bọng nước và chốc không có bọng nước.
Bệnh chốc hay gặp khi:
-
Thời tiết mùa hè, nóng ẩm, nhà ở chật chội, môi trường và bản thân vệ sinh kém, trẻ bị suy dinh dưỡng.
-
Trẻ đang bị sẵn những thương tổn trên da như: ghẻ, chấy, viêm da cơ địa, herpes...
Lưu ý: Nhiều bậc cha mẹ hay nhầm con bị bệnh chốc với các bệnh khác như: thủy đậu, zona, bỏng... Chính vì sự nhầm tưởng này dẫn tới việc điều trị sai cách khiến bệnh càng trầm trọng hơn.
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị chốc
Trẻ bị bệnh chốc thường có các dấu hiệu:
- Trẻ sốt, nổi hạch, mệt mỏi
- Chốc không có bọng nước: Ban đầu là một dát hồng trên da sau đó tiến triển thành mụn nước, bọng nước, hóa mủ sau đó dập vỡ tạo nên vảy màu vàng mật ong. Tại chỗ chốc, trẻ có thể ngứa hoặc không...
- Chốc có bọng nước: Ban đầu là những mụn nước nhỏ, sau đó lớn dần thành bọng nước dẽ vỡ sau từ 1-3 ngày. Trẻ sẽ cảm thấy rát, khi lành không có sẹo.
- Chốc loét: Ban đầu là một dát hồng sau đó tiến triển thành mụn nước nhưng sau đó lại tiến triển thành những vết loét hoại tử có lõm ở giữa, đường kính 1-5cm, rất lâu lành và để lại sẹo.
Khi bị chốc, trẻ thường gãi do ngứa làm bệnh lây sang nhiều chỗ.
3. Những việc cha mẹ cần làm khi con bị bệnh chốc
Cũng theo TS. BS. Phạm Thị Mai Hương, điều quan trọng cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc con bị bệnh chốc là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ chốc lây lan sang vùng da khác của trẻ hoặc lây sang người khác như:
- Trẻ vẫn nên tắm gội hàng ngày và mặc quần áo dài hoặc dùng gạc che vết thương.
- Rửa thương tổn nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý, sát trùng bằng povidone iodine hoặc chlorhexidine.
- Nếu thương tổn nhiều và lan rộng, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ học để kiểm soát bệnh, tránh lây cho trẻ khác.
- Tránh ở lâu những nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp, côn trùng đốt.
- Khi phát hiện bị bệnh chốc nên cho trẻ điều trị sớm và tích cực, tránh chà xát, gãi nhiều gây biến chứng.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()