Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 03:47 (GMT +7)
Bệnh COVID-19 có thể gây suy thận mạn tính
Thứ 4, 15/09/2021 | 09:20:05 [GMT +7] A A
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng, những người nhập viện do mắc COVID-19, kể cả những trường hợp nhẹ, đều có nguy cơ bị suy thận mạn tính.
Nghiên cứu được thực hiện với 1,7 triệu bệnh nhân trong Hội Cựu chiến binh Hoa Kỳ làm gia tăng mối lo ngại về tác động của COVID-19 đối với sức khỏe của người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân nặng, cần nhập viện điều trị.
Theo đó, các nhà nghiên cứu phát hiện, nhiều tháng sau khi mắc COVID-19 lần đầu, người bệnh có nguy cơ cao bị mắc các bệnh về thận, từ suy giảm chức năng thận đến suy thận cấp tính.
Những người mắc COVID-19 nặng, thuộc nhóm phải được điều trị tích cực nguy cơ bị bệnh thận mạn tính cao nhất. Tương tự, những bệnh nhân bị suy thận cấp tính trong thời gian nhập viện để điều trị COVID-19 cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh thận mạn cao hơn những người chưa có triệu chứng rõ ràng trong thời gian nằm viện.
Tuy nhiên, Tiến sĩ F. Perry Wilson - một chuyên gia về thận cho biết, điều đáng chú ý là kể cả những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh thì họ vẫn có nguy cơ bị mắc các bệnh về thận hoặc rối loạn chức năng thận ở mức cao hơn từ 2 - 5 lần so với người không mắc COVID-19.
Ông Wilson, Phó Giáo sư tại Viện Y khoa, Trường Đại học Yale ở New Haven, Conn, Hoa Kỳ khẳng định: “Nhìn chung, những rủi ro về thận có thể gặp phải ở cả những bệnh nhân không bị mắc suy thận cấp tính khi nhập viện".
Theo PGS Wilson, nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề mức độ ảnh hưởng của COVID-19 nói riêng và việc ốm nhập viện nói chung đến thận. Ví dụ như việc chức năng thận của bệnh nhân bị cảm cúm sẽ hoạt động thế nào so với người bình thường - những điều như vậy vẫn chưa được chứng minh rõ ràng.
Tình trạng viêm có phải nguyên nhân?
"Những người ít gặp phải các biến chứng nghiêm trọng khi ốm, cũng có khả năng gặp rủi ro về thận, nhưng với tỷ lệ nhỏ hơn", TS Ziyad Al-Aly - chuyên gia nghiên cứu, trợ lý giáo sư Trường Đại học Washington, St.Louis, Hoa Kỳ cho biết.
"Câu hỏi lớn là vì sao lại thế", PGS Wilson nói. "Điều này phản ánh một vài sự kích thích đang diễn ra đối với hệ thống miễn dịch hay không? Chúng ta cần thêm một vài nghiên cứu để khẳng định", ông nói thêm.
Các phát hiện trên được công bố vào ngày 1/9 trên Tạp chí của Hội Thận học Hoa Kỳ - dựa trên hồ sơ y tế của hơn 1,7 triệu bệnh nhân. Trong đó, 89.216 người được chẩn đoán mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021 và vẫn còn sống sau đó 30 ngày. Nghiên cứu xem xét nguy cơ phát triển các vấn đề về thận của bệnh nhân trong thời gian kể từ sau 30 ngày đó.
Nhìn chung, những bệnh nhân COVID-19 nhiều khả năng có độ lọc cầu thận (GFR) giảm đáng kể - vốn là thước đo cho thấy hiệu quả làm việc của các cơ quan đang lọc chất thải ra khỏi máu.
Nghiên cứu cho thấy, chỉ hơn 5% bệnh nhân COVID-19 có chỉ số GFR giảm từ 30% trở lên. So với các bệnh nhân nói chung, nguy cơ trên là 25%.
Theo PGS Wilson, mỗi người trưởng thành sẽ tự mất khoảng 1% chức năng thận mỗi năm. Do đó, việc chỉ số GFR giảm 30% tương đương với mất chức năng thận trong 30 năm.
Nghiên cứu cũng xem xét nguy cơ mắc suy thận cấp tính ở bệnh nhân COVID-19. Nó có thể gây ra các triệu chứng như phù chân, mệt mỏi và khó thở, nhưng đôi khi lại không có biểu hiện gì.
Bệnh nhân COVID-19 nguy cơ bị suy thận cấp tính cao gần gấp đôi so với người thường, mặc dù tỷ lệ này còn thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 trong thời gian đầu.
Tác động của COVID-19 đến thận có kéo dài?
Những người mắc COVID-19 phải nhập viện có nguy cơ suy thận cấp tính cao gấp 5 - 8 lần so với bệnh nhân không mắc COVID-19. Người điều trị COVID-19 tại nhà có nguy cơ cao hơn 30% so với bệnh nhân thông thường.
Theo TS Ziyad Al-Aly, hiện vẫn chưa thể kết luận điều này có ý nghĩa gì đối với sức khỏe thận về lâu dài của những bệnh nhân COVID-19. Điều ông lưu ý đó là liệu chỉ số GFR có thể ngưng bị giảm ở những bệnh nhân COVID-19 không?
"Đối với suy thận cấp tính, bệnh nhân có thể tự phục hồi mà không bị tổn thương lâu dài", Wilson nói. "Và nếu chỉ số GFR giảm có liên quan đến suy thận cấp tính thì nó cũng có thể phục hồi", ông nói thêm.
Một số bệnh nhân tham gia nghiên cứu trên bị suy thận giai đoạn cuối. Tỷ lệ này cao nhất ở những bệnh nhân COVID-19 từng phải điều trị tích cực. Tỷ lệ phát bệnh của họ là 21/1.000 bệnh nhân mỗi năm - cao gấp 13 lần so với những bệnh nhân khác. Những bệnh nhân COVID-19 khác, nhập viện hay điều trị ở nhà cũng có nguy cơ tiến triển suy thận giai đoạn cuối, dù ít hơn.
Một hạn chế của nghiên cứu đó là nhóm người tham gia nghiên cứu đều là nam giới lớn tuổi. Theo TS Al-Aly, vẫn chưa rõ kết quả nghiên cứu sẽ thay đổi thế nào nếu áp dụng với nhiều đối tượng khác.
Những rủi ro đối với bệnh nhân không nhập viện cũng chưa rõ ràng. Cả TS Al-Aly và F. Perry Wilson đều cho rằng họ không phải cùng nhóm đối tượng.
TS Wilson nghi ngờ rằng, những người chỉ bị ảnh hưởng nhẹ bởi COVID-19 sẽ không có nguy cơ phát triển các vấn đề về thận, trong khi những người phải "nằm viện trong nhiều tuần" có thể có nguy cơ lớn hơn.
"Tin tốt là rối loạn chức năng thận có thể dễ dàng phát hiện được thông qua việc xét nghiệm máu cơ bản được thực hiện tại các buổi khám chăm sóc sức khỏe ban đầu", TS Al-Aly cho biết. Trong khi đó, TS Wilson cho rằng việc kiểm tra này sẽ có ý nghĩa đối với những bệnh nhân COVID-19 nặng.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()