Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:21 (GMT +7)
Bệnh nhân hiến tạng ở Quảng Ninh cứu sống em bé bị suy gan ở Huế
Thứ 6, 05/04/2024 | 15:55:16 [GMT +7] A A
Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện 8 ca ghép trong 48 giờ. Trong số đó có 1 ca ghép tim xuyên Việt, 1 ca ghép gan trên bệnh nhi. Người hiến tạng trước khi qua đời sống ở tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 5-4, GS.TS Phạm Như Hiệp, giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết bệnh viện vừa thực hiện 8 ca ghép tạng trong 48 giờ.
Trong đó có 3 nguồn tạng lấy từ người chết não ở Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh).
8 ca ghép trong 48 giờ nhờ tấm lòng vàng
Theo đó, trong 48 giờ, Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện cùng lúc 8 ca ghép tạng. Trong đó cùng lúc thực hiện bộ ba ghép tim, thận, gan xuyên Việt từ người chết não ở Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Quảng Ninh).
Để có ca ghép này, bệnh viện cũng đã thực hiện cuộc vận chuyển tạng xuyên Việt, từ Quảng Ninh về Huế và ghép thành công trên bệnh nhân.
Theo đó, vào tối 31-3, Bệnh viện Trung ương Huế nhận được thông tin điều phối tạng từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia về việc có người chết não tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh hiến tặng tạng.
Có 3 bệnh nhân ở Huế hài hòa chỉ số, có thể ghép tim, thận và một lá gan của người hiến. Trong số đó gan được hiến cho một bệnh nhi bị suy gan nặng, có nguy cơ tử vong cao.
Nhận được thông tin, các chuyên gia ở Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức họp với chuyên gia ở Hà Nội, Quảng Ninh để lên phương án. Khoảng cách hơn 750km là trở ngại lớn nhất khi các bệnh viện không có máy bay chuyên dụng để vận chuyển.
Trong khi đó, với ghép tim thì trái tim sau khi đưa ra khỏi lồng ngực người hiến chỉ có 6 tiếng để ghép vào người nhận mới đảm bảo tim "sống" được.
Sau khi thống nhất phương án, 8 chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Huế tức tốc lên đường đến Quảng Ninh, cùng các chuyên gia của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển nhận tạng.
Sau khi nhận tạng từ người hiến chết não vào tối 1-4, các bác sĩ tức tốc lên xe cấp cứu từ Quảng Ninh ra sân bay Nội Bài (Hà Nội) và đưa về Huế. Trước đó 3 bệnh nhân được ghép tạng cũng đã được các bác sĩ ở Huế đưa vào phòng mổ để thực hiện các bước phẫu thuật chờ nguồn tạng đưa về Huế.
Đến sân bay Phú Bài (Huế), một xe cấp cứu được bố trí chờ sẵn ở cầu thang máy bay để chở đoàn bác sĩ chạy thẳng đến phòng ghép.
Sau 5 giờ tiến hành phẫu thuật vào rạng sáng 2-4, 3 bệnh nhân được nhận tim, gan và phổi từ người chết não ở Quảng Ninh đã dần hồi phục và được rút nội khí quản.
Ngoài 3 ca ghép nói trên, trong cùng tối 1-4 và rạng sáng 2-4, Bệnh viện Trung ương Huế còn tiếp tục thực hiện thành công 5 ca ghép tạng khác.
Đằng sau những sự sống được nối dài
TS Nguyễn Thanh Xuân, phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - người dẫn đầu đoàn bác sĩ đi nhận tạng hiến tặng ở Quảng Ninh, nói rằng bệnh viện đã dồn hết những nhân lực tốt nhất để thực hiện đồng thời 8 ca ghép tạng trong 48 giờ.
Riêng với 3 ca ghép tạng xuyên Việt, ông Xuân nói rằng đã có những thời điểm cả đoàn bác sĩ rất lo lắng, khi thời gian vận chuyển tạng từ Quảng Ninh về Huế có bị kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu.
"Với kinh nghiệm và sự may mắn, chúng tôi đã hoàn thành các ca ghép tạng kể trên. Khi thấy các bệnh nhân dần hồi phục, lúc này các bác sĩ ở bệnh viện mới thở phào", ông Xuân nói.
Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện ca ghép gan cho một bệnh nhi bị suy gan đang trong tình trạng nguy kịch.
Trên chuyến bay đưa tạng từ Hà Nội về Huế có thêm sự tham gia của PGS.TS Lê Văn Thành cùng ê kíp ghép gan của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bác sĩ Thành cũng đã vào phòng mổ, trực tiếp cùng các bác sĩ ở Huế ghép gan và cứu sống bệnh nhi.
"Chúng tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến gia đình, người thân và người hiến tạng tại Quảng Ninh. Nhờ hành động cao đẹp nói trên mà 3 sự sống đã được nối dài, trong đó có một bệnh nhân đã 2 lần ngưng tim và một em bé đang ở bên bờ vực sinh tử", ông Xuân nói.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()