Tất cả chuyên mục

Bệnh viện Nam Khê Sơn (Quảng Tây, Trung Quốc) tiền thân là Bệnh viện Nam Khê Sơn Quế Lâm, Trung Quốc, còn có tên gọi là Bệnh viện Viện Việt. Cách đây ít lâu, nhận lời mời của phía Việt Nam, bệnh viện đã cử 7 đại biểu tham dự Lễ Khánh thành và bàn giao công trình biểu tượng của tình hữu nghị Trung Việt – Cung Hữu nghị Trung Việt. Sự kiện này gợi lại những khoảnh khắc lịch sử mang đậm tình hữu nghị Việt Trung ở bệnh viện này.
Nhìn lại lịch sử ngoại giao quốc tế, những bệnh viện quốc tế chuyên chữa trị cho bệnh nhân ngoại quốc trên đất Trung Quốc không nhiều. “Sau khi thành lập nhà nước mới, những bệnh viện mang tính ngoại giao cũng chỉ có Bệnh viện Hữu nghị Trung Xô Bắc Kinh (nay là Bệnh viện Hữu nghị Bắc Kinh), Bệnh viện Hữu nghị Trung Xô Đại Liên (nay là Bệnh viện Hữu nghị thành phố Đại Liên), Bệnh viện Nam Khê Sơn Quế Lâm, Bệnh viện Hữu hảo Trung Nhật”, đồng chí Lưu Ung Ba, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Nam Khê Sơn cho biết, “Tuy nhiên, chuyên chữa trị cho bệnh nhân ngoại quốc thì chỉ có Bệnh viện Nam Khê Sơn Quế Lâm”.
Tòa nhà cấp cứu, Bệnh viện Nam Khê Sơn. |
Theo số liệu thống kê, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, từ tháng 3/1969 đến tháng 12/1975, bệnh viện đã viện trợ y tế và chữa trị cho 5432 thương binh Việt Nam.
Về việc chọn địa chỉ xây dựng bệnh viện, đồng chí La Chiêu Cẩm (nay 73 tuổi) cho biết: Phía Việt Nam yêu cầu bệnh viện không được cách xa thành phố. Sau khi bàn tính kỹ, cuối cùng đã quyết định xây dựng bệnh viện ở khu ngoại ô thành phố Quế Lâm lúc bấy giờ. Trung tuần tháng 7/1967, Viện Thiết kế tổng hợp khu tự trị Quảng Tây đã hoàn thành bản thiết kế Bệnh viện Nam Khê Sơn và được Bộ Y tế thông qua. Cuối tháng, bệnh viện chính thức được động thổ xây dựng. Tháng 3/1969, Bệnh viện Nam Khê Sơn đã hoàn thành và bắt đầu chữa trị cho thương bệnh binh Việt Nam.
Đồng chí Giả Thái Xương, nay đã 78 tuổi, từng làm Viện trưởng bệnh viện Nam Khê Sơn từ năm 1989 đến năm 1998 cho biết, từ năm 1969 đến năm 1975, Bệnh viện đã chữa trị cho các cán bộ, chiến sỹ thương bệnh binh Việt Nam là những anh hùng, chiến sỹ có thành tích cao, nhân viên làm việc dưới các đường hầm ở miền Nam Việt Nam và cán bộ cấp cao của đảng, nhà nước, lãnh đạo tỉnh ủy các địa phương của Việt Nam.
Đồng chí cho biết thêm, khi đó các thương, bệnh binh đến đây chữa trị đa phần không thiếu chân thì thiếu tay, cần được lắp chân, tay giả. Thời đó, tất cả chân tay giả của bệnh viện đều do một nhà máy ở Thượng Hải cung cấp, nhân viên kỹ thuật của nhà máy đều phải đích thân đến Quế Lâm đo ướm, làm riêng cho từng người, sau đó mới mang đến lắp. Mỗi khi lắp chi giả cho bệnh nhân, nhân viên kỹ thuật của nhà máy đều phải đích thân từ Thượng Hải đến Quế Lâm vài ba lần.
Nhiều thương bệnh binh Việt Nam bị suy nhược thần kinh nặng nên thường xuyên ngủ. Trị liệu theo phương pháp Tây y đều không mang lại hiệu quả cao, trong khi đó, phương pháp châm cứu mang lại hiệu quả rõ rệt. Do vậy, bệnh viện đã tổ chức lớp học châm cứu cho các hộ lý ở các khoa, nhân viên hộ lý thông qua luyện tập châm cứu cho nhau, đến khi thuần thục mới tiến hành châm cứu cho thương binh người Việt.
Để chữa trị tốt hơn cho thương binh Việt Nam, Bệnh viện Nam Khê Sơn còn thành lập một trường học chuyên môn đào tạo hộ lý. Tại đây, học sinh vừa được học, vừa được thực tập. Bà Lô Tịnh Như, nay đã 61 tuổi, từng là một học sinh của trường thời bấy giờ, sau khi tốt nghiệp năm 1971 liền vào bệnh viện công tác,và đã nghỉ hưu vào năm 2011.
Là một hộ lý ngoại khoa xương khớp, bà hay phải tiếp xúc với những thương, bệnh binh Việt Nam tứ chi bị tổn thương, khi làm phẫu thuật cần rất nhiều máu, hiện tượng thiếu máu diễn ra thường xuyên.
Bà nhớ lại, một chiều mùa thu năm 1972, khi bà đang cùng đồng nghiệp chuẩn bị đi ăn cơm thì bệnh viện phát loa thông báo một thương binh Việt Nam nhóm máu AB đang cần tiếp máu gấp. Khi bà và đồng nghiệp tới khoa tiếp nhận máu thì đã có hơn 30 người đến trước rồi.
“Vào thời đó, ngoài cán bộ, nhân viên hành chính của bệnh viện ra, người dân thành phố Quế Lâm và các chiến sỹ giải phóng quân (Trung Quốc) cũng thường xuyên tham gia hiến máu cho thương bệnh binh Việt Nam”, bà Như cho biết.
Theo thống kê của Bệnh viện Nam Khê Sơn, trong thời gian chữa trị cho các thương, bệnh binh Việt Nam, bệnh viện tổng cộng đã truyền được 780.000ml máu cho thương, bệnh binh Việt Nam.
Theo Lý Xuân Sinh/ Nhật báo Quảng Tây Trung Quốc
Ý kiến (0)