Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:21 (GMT +7)
BHXH Việt Nam hướng dẫn giải quyết hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Chủ nhật, 17/09/2023 | 11:42:49 [GMT +7] A A
Ông Lê Mạnh Toàn (Hà Nội) hỏi: Vừa qua, tại công ty, tôi được yêu cầu giám định bệnh nghề nghiệp và có kết quả bệnh nghề nghiệp tỷ lệ tổn thương 5%. Tôi muốn hỏi, để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp thì công ty và bản thân tôi phải làm những thủ tục nào?
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời:
Điều 46 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp là: Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành (hiện có 35 bệnh) và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh nghề nghiệp gây nên.
Điều 58 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp:
- Sổ BHXH.
- Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp; trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.
Về giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
- Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Về thời hạn giá trị Biên bản giám định y khoa
Điều 14 Thông tư số 56 năm 2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH, Luật An toàn, vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế quy định: "Biên bản giám định y khoa có giá trị đến khi có biên bản giám định liền kề sau đó với cùng nội dung và mục đích giám định”.
Về trách nhiệm của người sử dụng lao động
Điều 38 Mục 2 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trong đó, người sử dụng lao động phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả đối với người lao động tham gia BHYT;
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia BHYT.
Theo Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()